Viết Lách Cũng Là Hành Trình Mà Ta Trưởng Thành

Một lần, người em nhắn tin cho mình và bảo: “Em muốn viết chia sẻ về chuyện rèn nếp ngủ hay cho con ăn dặm. Nhưng em cứ cảm giác mỗi lần mình viết – dù không phải là khoe – nhưng nói đến một thành tích nào đó của con thì y như rằng sau đó con sẽ không ngủ ngoan, không chịu ăn hoặc thậm chí là con bị ốm.

Em không duy tâm, nhưng những điều này khiến em cân nhắc và không viết nữa”.

Thật tình nghe thì có vẻ phi khoa học, nhưng những cảm giác của em, mình hiểu được. Mình nhớ ngày xưa, có những lần bà nội gọi điện ra hoặc mình chat với 1 người bạn, khoe con mình đợt này đang ngoan, ăn được… thì đều trùng hợp là tối hôm đấy hoặc ngày hôm sau, con lăn ra ốm. Một vài lần đầu mình không để ý, nhưng sau rồi cái trực giác và những lo lắng của người làm mẹ khiến mình nghĩ thôi tốt nhất đừng nói nữa.

Đương nhiên chỉ được ít ngày êm trôi. Bởi con mình sau đó vẫn có những đợt ốm và bỏ ăn, dù mình không “khoe” gì về việc con đang phát triển tốt với ai cả. Và mình nghĩ, giống như trường hợp của em cũng vậy, kể cả em không viết tiếp thì việc con em có những thời điểm không chuyển giấc được, bỏ ăn hoặc ốm cũng sẽ diễn ra. Bởi những điều này vốn nằm trên hành trình phát triển của một đứa trẻ, phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác.

Hoàn toàn không phải giống như suy nghĩ của em rằng “Viết trước bước không qua”.

Mình và nhiều người khác thường đưa ra lời khuyên khi viết, rằng chúng ta hãy mạnh dạn và dũng cảm để viết lại những trải nghiệm. Không phải là đợi có kết quả rồi mới viết mà chính là viết khi đang ở trên đường đi, bởi chính những kinh nghiệm, chia sẻ, cảm xúc của từng bước chân mới là thật nhất. Đến khi ta có một kết quả nào đó, độc giả cũng sẽ hiểu tường tận về hành trình mà ta đã đi. Ta hoàn toàn có thể trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực đó.

Mình biết không ít những người mẹ ban đầu vốn cũng chỉ nuôi con rất bản năng, không có kiến thức gì cả. Nhưng khi bắt đầu cảm thấy bế tắc với tình trạng của con như học kém, không tiếp thu được hoặc chán ăn, khó ngủ…, họ đi tìm hiểu những thông tin từ sách, người đi trước, nguồn internet. Họ áp dụng các cách mới, đương nhiên cũng có thử nghiệm và sai, nhưng trên con đường này, họ không ngừng viết ra để chia sẻ, kết nối với những người mẹ khác.

Điều quan trọng là họ luôn chia sẻ với tâm thế mình đang là người học hỏi và với tư duy cầu tiến, cố gắng làm những điều tốt nhất cho con mình. Sau này, họ trở thành những chuyên gia trong lĩnh vực nuôi dạy con và dùng chính những kinh nghiệm, những lần vấp ngã của mình để chia sẻ, truyền cảm hứng cho nhiều người khác nữa.

Khi mà kiến thức đủ vững, họ càng hiểu sâu sắc rằng chúng ta không thể đòi hỏi một con đường hoàn hảo, không thể tin rằng hôm nay mình áp dụng thành công với con thì chắc chắn ngày mai sự thành công ấy vẫn còn giữ được. Nếu có vấn đề bất ổn nào đó, họ bắt buộc sẽ phải tìm hiểu tiếp để khắc phục. Hoàn toàn không có chuyện rằng kiến thức chỉ dừng ở đấy và con mình cũng không gặp thêm vấn đề nào nữa.

Đương nhiên không phải là thành công rồi mới được chia sẻ. Những tò mò khám phá, cả những thất bại… đều là kiến thức được đón nhận nhiệt tình.

Nhiều năm nhìn lại, mình đã quên mất việc mỗi lần chia sẻ thông tin của con với ai đó thì con sẽ bị ốm. Bởi mình có niềm tin mạnh mẽ hơn cái trực giác ngày xưa và hiểu rằng quá trình phát triển của con sẽ có những lúc con ốm và đó là điều không thể tránh khỏi. Chuyện ngày xưa chỉ là linh cảm và nỗi sợ thôi. Bây giờ mình vẫn nói về tình trạng của con cho bà nội, cho bạn bè và mình không nghĩ ngợi gì nữa cả.

Thật ra, mình kể thêm chuyện này bởi vì mình biết có những cây viết khác cũng giống như người em của mình, cảm giác không ổn lắm nếu viết những điều mà có thể gây ra bất trắc. Mình tôn trọng cái cảm giác không ổn này và không ép buộc ai viết ngay cả khi cảm thấy không ổn. Nếu muốn thì viết, không muốn thì thôi. Chúng ta vẫn còn nhiều chủ đề khác có thể viết ra, đâu nhất thiết phải viết ngay cả đang cảm thấy sợ hãi.

Phải nói thêm rằng có một nỗi sợ khác rất lớn đối với những người viết nếu chọn viết trên con đường đang đi đó là “cảm thấy mình chưa đủ kiến thức”. Đây là tâm lý dễ hiểu, bởi chúng ta luôn sợ hãi người đọc sẽ phát hiện ra lỗ hổng của mình hoặc lên án mình chưa phải là gì cả mà dám viết.

Mình cũng đã từng có những nỗi sợ hãi như vậy. Đó là khi mình bắt đầu chia sẻ kinh nghiệm viết lách, dù đã có 10 năm kinh nghiệm. Nhưng mình vẫn quyết định đi qua sợ hãi bằng cách viết.

Nếu để ý, mọi người có thể thấy mình luôn chọn viết với một tinh thần cầu thị, rằng mình vẫn vừa luyện kỹ năng vừa giúp đỡ những người cần mình chia sẻ. Họ cần sự đồng cảm, thấu hiểu và đôi khi là cả sự dẫn dắt. Mình có những điều này.

Và ở mặt dạy viết, mình chỉ nhận dạy những người ở mức cơ bản hoặc cảm thấy bế tắc, không thể khơi thông dòng chảy cảm xúc, suy nghĩ của họ bằng con chữ… Hoặc mình có kinh nghiệm cộng tác với báo chí thì mình có thể hướng dẫn nhiều người ở lĩnh vực này.

Trong quá trình viết và chia sẻ kinh nghiệm viết lách, mình nhận được rất nhiều lời cảm ơn. Và đó chính là liều thuốc giúp mình vượt qua sợ hãi.

Hãy nhớ rằng, những bài viết của chúng ta vẫn sẽ hữu ích với ít nhất một ai đó ngoài kia và sự chân thành chia sẻ kiến thức luôn đáng quý. Đặc biệt khi chúng ta không tự kiêu rằng mình đã giỏi, vẫn luôn mở mọi cánh cửa để học hỏi tiếp.

Kể cả có những bình luận trái chiều xuất hiện, nhói tim đấy, nhưng nếu ta dừng lại và đọc nó với tâm thế sẽ cố gắng tiếp thu điều hay, bỏ qua sự công kích thì cũng sẽ rất có ích cho chặng đường phát triển của ta.

Và đừng quên một điều, chỉ có khi viết thì ta mới đi đến được đoạn “đủ”. Còn nếu rụt rè, muốn âm thầm “tu luyện” kiến thức trong bóng tối, chờ ngày bước ra thật hoành tráng thì có thể ta sẽ bỏ lỡ rất nhiều cơ hội và chậm trễ thời gian. Đương nhiên chậm thì chắc, nhưng e rằng chậm quá thì mọi thứ vụt bay mất.

Có không ít người bỏ cuộc ngay ở đoạn “tu luyện” và thở phào rằng “may quá, mình chưa nói gì nên không ai biết mình đang muốn viết về nó, bỏ cuộc cũng dễ hơn”. Nhưng đó là khi họ đã bỏ lỡ một trải nghiệm được lớn lên của mình.

Cũng có không ít người vừa đi vừa viết, tìm hiểu được gì hay là chia sẻ và độc giả không ngừng đòi hỏi họ cung cấp thêm kiến thức. Họ cứ thế đào sâu nghiên cứu để đưa ra được những câu trả lời cho độc giả. Và cuối cùng, họ trở thành chuyên gia.

Quay trở lại với câu chuyện người em ở đầu bài, mình vẫn tin rằng nếu em đã yêu thích lĩnh vực về luyện ngủ, rèn nếp ăn cho con thì chẳng có cớ gì em không nên tiếp tục viết về nó cả. Nếu em không muốn khoe con cũng chẳng sao. Chúng ta hoàn toàn có thể viết theo những hướng khác đi, khai thác kiến thức theo cách mình muốn.

Hoặc em tìm được lĩnh vực khác mà em muốn viết, mình cũng tôn trọng và khuyến khích em. Và dù là ở lĩnh vực nào, thì em cũng nên viết trên chặng đường đi, kể từ khi bắt đầu chứ không phải là đợi thật đủ.

Không phải “viết trước bước không qua” mà đúng ra là “phải viết thì mới qua được”.

Cảm ơn các bạn đã đọc.

Chia sẻ của Lá Xanh

Bài viết này có hữu ích với bạn không?

Click vào một ngôi sao để đánh giá bài biết!

Đánh giá trung bình 0 / 5. Số phiếu: 0

Không có phiếu bầu cho đến nay! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài này.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết có 0 bình luận
THÔNG TIN NGƯỜI GỬIĐóng (x)

Bài Hay Nên Đọc

Bài Mới Xuất Sắc

Case Study Mùa Dịch: Bán Hết 500kg Cua Trong 1 Ngày

Đây là một case study khá thú vị với mình trong mùa dịch, chưa dừng việc bán hết 500kg cua mà những ngày tiếp theo...

Seeding Facebook – Hiệu Ứng Đám Đông Không Bao Giờ Đi Sau Thời Đại

Mình làm chuyên về dịch vụ seeding từ lúc mà seeding còn chưa biết đến nhiều bị. Thậm chí anh chị em đánh đồng vào...

Cổ Phiếu Bất Động Sản Có Phải Là Những Tài Sản Bất Động Thời Gian Tới?

Trước khi tìm hiểu dòng cổ phiếu BĐS có tiếp tục là dòng cổ phiếu đáng đầu tư cho năm 2021-2022. Chúng ta cùng nhìn...

Hạng mục đầu tư – Tại Sao Stocks Có Thể Đánh Bại Bonds Hay Gold?

Đầu tư có thể được hiểu là việc từ bỏ nhu cầu tiêu tiền ở thời điểm hiện tại của bản thân mình, chuyển số...

Ma Trận BCG Là Gì?

Được tạo bởi Boston Consulting Group, ma trận Boston – còn được gọi là ma trận BCG hoặc ma trận tăng trưởng – cung cấp...

Ngày Kép 5.5 Thì Làm Gì Để Nhiều Đơn Hàng?

Trước tiên, shop cần tối ưu lại trang chủ của shop, banner, hình ảnh sản phẩm và nội dung mô tả của các sản phẩm...