Tâm lý chung của nhiều nhãn hàng khi làm Influencer Marketing, là họ không hoàn toàn tin tưởng rằng Influencer sẽ hoàn thành tốt vai trò của mình.
Hoặc họ muốn khai thác tối đa phần lớn nội dung nhằm thể hiện sản phẩm là nhân vật chính quan trọng mang dấu ấn đặc biệt với người tiêu dùng. Đó chính là nguyên nhân vì sao trong quá trình làm việc, nhãn hàng muốn được can thiệp sâu vào trong quá trình sáng tạo nội dung.
Tuy nhiên, việc kiểm soát nội dung sáng tạo thực sự là không cần thiết. Ngay từ ban đầu, nhãn hàng nên lựa chọn kỹ càng Influencer có định hướng hình ảnh phù hợp với thương hiệu, sau đó gửi thông tin yêu cầu (brief) một cách ngắn gọn nhưng đầy đủ các hạng mục cần thiết. Influence sau khi tiếp nhận thông tin sẽ đưa ra một vài ý tưởng triển khai phù hợp, dung hoà được yếu tố quảng cáo và yếu tố sáng tạo.
Nhãn hàng có thể đưa ra một vài gợi ý cụ thể để ý tưởng được hình thành tròn trịa hơn, nhưng hơn hết chỉ nên chủ yếu can thiệp sâu vào yếu tố quảng cáo, cách sản phẩm / thương hiệu sẽ xuất hiện như thế nào để vừa tinh tế mà vẫn tạo được ấn tượng.
Giả sử, khi bạn quyết định hợp tác quảng cáo trên Instagram với @XY chẳng hạn, đây là kênh truyền tải lối sống tích cực đến thế hệ trẻ với hơn 100.000 followers. Họ đã khai thác nội dung hiệu quả bằng cách xây dựng các chuyên đề riêng tương ứng với sự quan tâm của đông đảo lượng người theo dõi, mỗi bài viết đều được đầu tư chất xám với hình ảnh vô cùng chỉn chu.
Vì thế, bạn có thể yên tâm giao phó công việc sáng tạo nội dung mới mẻ cho @XY và tập trung kiểm soát sự xuất hiện của sản phẩm / thương hiệu đã tiếp cập đến khách hàng mục tiêu như thế nào, đã đủ sự gần gũi, tin tưởng và kích thích mong muốn được trải nghiệm hay chưa. Influencer sẽ tôn trọng ý kiến đề xuất của bạn vì nhãn hàng là người hiểu rõ nhất sản phẩm và mục đích của chiến dịch.
Còn khi nhãn hàng can thiệp quá sâu vào yếu tố sáng tạo sẽ nảy sinh ra một số vấn đề thường thấy, ảnh hưởng rất nhiều đến tiến độ công việc. Đơn giản là vì, mỗi người có một thẩm mỹ khác nhau và khái niệm về sáng tạo khác nhau, Influencer là người hiểu rõ nhất cộng đồng của họ và định hướng hình ảnh của bản thân.
Nếu như một vài nhận xét mang hướng cảm tính chung chung của nhãn hàng sẽ không thể giải quyết vấn đề gì, thậm chí còn mất thêm thời gian chỉnh sửa và ảnh hưởng đến chất lượng cuối cùng của sản phẩm.
Hai bên có thể góp ý và đề xuất góp phần hoàn thiện chất lượng của sản phẩm truyền thông dựa trên tinh thần xây dựng mối quan hệ tin cậy. Đặc biệt là với những Influencer nghiêm túc, họ luôn tìm hiểu rất kỹ thương hiệu và dành thời gian để trải nghiệm sản phẩm trước khi giới thiệu với công chúng.
Vì thế, cách hiệu quả nhất là nhãn hàng nên để cho Influencer có chuyên môn tự do đưa ra ý tưởng sáng tạo, miễn sao vẫn truyền tải đúng thông điệp của chiến dịch và sản phẩm xuất hiện hợp tình hợp lý. Quá trình làm việc được bổ trợ quay lại lẫn nhau theo cách trơn tru và ăn ý, thường đem đến kết quả vượt mong đợi ban đầu.
Chia sẻ của Đức Thành