“Ở Mekong Capital, chúng tôi không cố gắng để nhân viên cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Chúng tôi tạo ra môi trường để họ tận hưởng và trải nghiệm cuộc sống ngay tại nơi làm việc”.
Đó là chia sẻ của chị Nguyễn Thị Minh Giang, Tổng Giám đốc khối Nhân tài và Văn hóa doanh nghiệp của Mekong Capital (MC) về một trong những tiêu chí trong xây dựng Văn hóa doanh nghiệp.
Chị Giang gọi là “work-life integration” (Work-Life Integration) – hòa hợp giữa cuộc đời và công việc.
Nghe thì rất hay phải không quý vị, nhưng mà không phải doanh nghiệp nào cũng có điều kiện để tạo ra được một môi trường làm việc đáng để nhân viên “tận hưởng và trải nghiệm”.
Nhất là với những doanh nghiệp còn đang phải vật lộn tồn tại.
Nếu chúng ta hiểu sự “tận hưởng và trải nghiệm cuộc sống” là văn phòng to đẹp, tiện nghi, có những không gian thư giãn rất chill, có đồ ăn vặt, có bữa trưa “chuẩn cơm mẹ nấu”, được đi du lịch liên tọi, định kỳ có những sự kiện – party tưng bừng… thì doanh nghiệp nhỏ, startup nghèo không có cửa để theo quan điểm “work-life integration” này.
Nhưng rất may, “cuộc sống” không chỉ được định nghĩa cứng nhắc bởi số m2 sàn, số tầng building, chất liệu nội thất, hãng điều hoà, máy vi tính, máy chiếu, hàm lượng dinh dưỡng trong khẩu phần ăn…
Và sự “tận hưởng và trải nghiệm” với một số người không/ chưa nhất thiết phải là ăn sung, mặc sướng, ở tiện nghi mà là được làm thứ mình thích, mình có khả năng, được thách thức bản thân mỗi ngày, được thấy mình hoàn thiện và trưởng thành hơn, được làm hết sức quẩy hết mình trong một team máu lửa gắn kết, thậm chí càng khổ, càng bầm dập lại càng thích.
Vì thế, để thực hiện Work-Life Integration thì quan trọng nhất là doanh nghiệp phải hiểu mình là ai, đang ở đâu, muốn đi tới đâu rồi chọn những con người phù hợp với quan điểm Work-Life Integration của mình để cùng lên xe buýt.
Và ngược lại, người lao động cũng nên tự xác định trước xem mình thuộc trường phái Work-Life Integration nào rồi hãy chọn xe buýt, tránh ngộ nhận rồi làm khổ nhau.
Tất nhiên, đảm bảo được “sự tận hưởng và trải nghiệm cuộc sống” cho nhân viên theo hướng thoả mãn cả đời sống vật chất và tinh thần ở mức độ cao là lý tưởng. Đó nên là mục tiêu, là cái đích phấn đấu của doanh nghiệp nếu doanh nghiệp muốn người lao động gắn bó với mình lâu thật lâu.
Còn nếu nhắm thấy sự hoàn hảo đó là khó quá thì làm tốt một vế nào đó thôi cũng chả sao. Vì vốn dĩ cuộc đời của người lao động cũng chia ra làm những quãng khác nhau. Có quãng họ ưu tiên học hỏi và phát triển kiến thức, kỹ năng, tích lũy kinh nghiệm.
Có quãng họ ưu tiên thu nhập. Có quãng họ thích sự thử thách, phiêu lưu. Có quãng họ cần một nơi bình yên; an toàn… Mỗi một quãng họ tìm đến một doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp đủ lớn, đủ rộng thì có thể cover tất cả các quãng này của một đời nhân sự.
Công việc lúc đó của HRM là đặt nhân sự đang ở quãng nào vào đúng vị trí công việc phù hợp với quãng đó. Còn doanh nghiệp không đủ lớn thì cần biết mình thuộc ngành hàng nào, định vị, văn hoá, chiến lược của mình ra sao để chọn nhân sự với quãng đời lao động phù hợp.
Có những công ty chuyên là ngôi trường sau đại học, là bệ phóng cho những tài năng. Có những công ty là “máy ép hoa quả”, nhân sự đến đây sẽ được trả lương, thưởng rất cao nhưng workload cũng siêu kinh khủng.
Ép xong, ép hết thì bye bye chuẩn quy luật cung cầu. Mọi thứ rất fair! Lại có những công ty mãi mãi là chốn yên bình, mọi người quây quần như gia đình, cứ từ tốn, túc tắc mà đi…
Nên chốt lại, trong xây dựng Văn hóa doanh nghiệp thì đầu tiên và quan trọng nhất vẫn là sự PHÙ HỢP.
Work-Life Integration hay Work-Life Isolation hay bất cứ quan điểm, mô hình nào cũng có ok nếu doanh nghiệp thu hút được nhận sự phù hợp và họ gắn bó với doanh nghiệp trọn vẹn một quãng trong đời lao động của mình.
Chia sẻ của Vu Trung Hiep.