Bài này được viết dựa trên kinh nghiệm cá nhân của bản thân tôi. Vì vậy, sẽ có người đồng tình nhưng cũng sẽ có người cảm thấy khó chịu. Nếu bạn đọc xong và cảm thấy phù hợp với mình thì bạn hãy áp dụng. Còn nếu không, đơn giản là hãy bỏ qua nó. Nói rồi, kinh nghiệm mà, ai lại đi tranh luận về kinh nghiệm bao giờ (Thầy Năm)
Nói vòng vo nãy giờ được rồi, tôi sẽ đi vào chủ đề của mình ngày hôm nay. Nhiều bạn muốn học Tiếng anh nhưng lại không biết nên tự học ở nhà hay đăng kí học ở một trung tâm nào đó để mình có thể tiến bộ và học nhanh hơn. Kinh qua cũng khá nhiều các trung tâm Tiếng anh lớn nhỏ nên tôi tin mình cũng có được chút trải nghiệm để chia sẻ về việc này.
Đối với bản thân tôi, nếu bạn chưa có một chút kiến thức nền nào thì không nên đi học tại trung tâm. Vì sao? Từ từ tôi sẽ giải thích, đừng có mà nổi xung lên như thế! Tôi Không nói học ở trung tâm không hiệu quả, nhưng đơn giản là ở giai đoạn này bạn chưa nên đến trung tâm để học.
Cái mà bạn cần là tự xây dựng cho mình một nền tảng vững vàng trước đã. Sau đó rồi tính tiếp. Mà xây dựng nền tảng là xây dựng kiểu gì? Nó bắt đầu bằng việc bạn hãy tạo cho mình một niềm đam mê với Tiếng anh hay tạo cho mình một tính kỷ luật trong việc học Tiếng anh mỗi ngày.
Bạn có thể nghe những bài hát Tiếng anh mà mình yêu thích mặc dù chưa hiểu mẹ gì. Cũng có thể, bạn đọc những mẩu truyện ngắn, đơn giản để vừa giải trí vừa luyện vốn từ. Nhưng gì thì gì, ở giai đoạn này bạn cần phải tiếp xúc với Tiếng anh nhiều nhất có thể.
Thử nghĩ mà xem, một trung tâm dạy nhiều nhất là 4 -5 buổi/ 1 tuần, mỗi ngày chỉ có 1.5 – 2h thì làm sao bạn có thể tiếp xúc nhiều với Tiếng anh được. Đó là còn chưa nói, người ta cũng sẽ đi qua các bài mới rất nhanh, chứ không thể nào chỉ học mãi một bài để bạn hiểu trọn vẹn được.
Còn nếu bạn tự học thì khác. Bạn hoàn toàn có thể nghe và đọc một bài hàng trăm lần, thậm chỉ hàng nghìn lần. Điều này sẽ giúp bạn hiểu trọn vẹn được bài, không sót một ý gì. Nó thực sự rất quan trọng, đặc biệt là ở giai đoạn mới bắt đầu.
Tôi Cũng đã nói về ý này rất nhiều lần trong các bài chia sẻ về việc học Tiếng anh của mình. Ở giai đoạn đầu, bạn không cần phải học quá nhiều đâu. Mà đơn giản, hãy học thật chắc chắn, từng bài một, từng bài một. Đây là điều mà trung tâm khó có thể cho bạn được.
Đến một lúc nào đó, bạn sẽ thấy mình học nhanh hơn, nghe hiểu nhanh hơn, đọc được các bài dài hơn mà không phải tra từ điển từng từ một. Còn lộ trình học chi tiết cho một người mới bắt đầu, học cái gì trước, cái gì sau, tôi cũng đã chia sẻ khá nhiều (Tất nhiên là miễn phí, có tâm chứ không làm trò mèo).
Tôi Cũng đã đi học nhiều trung tâm, nhưng tôi thấy, nếu mình không tự học thì thầy dạy hôm trước, mấy ngày sau mình mới đi học lại thì mình đã quên đâu mất rồi. Cái vòng luẩn quẩn này nó cứ lặp đi lặp lại hoài.
Vậy nên học ở Trung tâm khi nào? Theo tôi đó là khi bạn muốn tham gia các kỳ thi như Toeic, Ielts, Toefl. Vì sao?
Khi đi học bạn sẽ được thầy cô hướng dẫn cho phương pháp để luyện thi hiệu quả, các dạng đề hay gặp để khi vào thi mình không bỡ ngỡ. Mỗi kỳ thi nó có một format riêng, có một luật thi riêng. Nếu bạn muốn thi được điểm cao thì tất nhiên bạn phải follow theo format của nó rồi.
Tất nhiên, nếu bạn có thể tự học thì vẫn tốt. tôi có nhiều người bạn, đa số mấy đứa thi điểm càng cao thì nó hầu như không đi học mà toàn tự luyện. Cái này thì không thuộc về phương pháp nữa, vì bạn hoàn toàn có thể tìm thấy chúng rất nhiều trên mạng.
Thứ duy nhất mà bạn cần là sự siêng năng thôi. Nhưng nếu bạn không muốn thi lấy bằng mà chỉ muốn học Tiếng anh giao tiếp thì sao?
Bạn nên tự học để có vốn 3000 từ vựng thông dụng trước đã. Sau đó, khi đi học, bạn chỉ việc tập trung vào luyện giao tiếp sẽ nhanh hơn rất nhiều. Cuối cùng, dù gì thì gì. Điều quan trọng nhất mà tôi muốn nói là, cho dù bạn có học ở trung tâm hay tự học thì việc kỷ luật học mỗi ngày là điều quan trọng nhất.
Không có thứ này, thì coi như không ai dạy nổi cả. Bởi vì, phương pháp hay giáo viên chỉ giúp bạn đi nhanh hơn thôi, chứ nó không thay thế bạn học được. Và đã xác định học thì phải đầu tư thời gian cho nó.
Chia sẻ của Lê Tấn Nghĩa