Mục lục
Tôi luôn tin rằng không cần phải vào trường đại học cũng có thể học marketing, ở bài này tôi chỉ nói về marketing. Nhưng trước hết chúng ta cần làm rõ những điều sau.
Đại học là môi trường lý tưởng để học với:
- Hệ thống giáo trình và cơ sở dữ liệu bài bản, chuẩn mực
- Giảng viên, những người hướng dẫn có phương pháp sư phạm, được đào tạo để làm việc với người trẻ
- Những sinh viên cùng mục đích và cùng nền tảng với chúng ta
- Hệ thống chứng chỉ, bằng cấp, những thước đo cực kỳ quan trọng về năng lực
- Những lời giới thiệu
Nói tóm lại, khi bước chân vào trường đại học, bạn có một môi trường thuận lợi để học và chỉ việc học. Các sân chơi sinh viên cũng tạo ra cho bạn vô số những cơ hội gặp gỡ, giao lưu cùng ngành, trái ngành, nâng cao kiến thức, thay đổi kỹ năng.
Nếu bạn học nghiêm túc trong 4 năm, đầu tư đúng đắn cho việc học của mình, tôi nghĩ rằng nếu bạn không xuất sắc thì cũng có một nền tảng vào nghề cực kỳ vững vàng.
Vấn đề là chúng ta làm gì trong 4 năm đó? Vậy, nếu 4 năm đó chúng ta không bước vào trường đại học, học một chuyên ngành về kinh doanh hay marketing thì chúng ta sẽ làm gì?
Tự học bạn hoàn toàn có thể tự học marketing nếu bạn muốn
Tôi cho rằng tự học là phương pháp học hiệu quả nhất. Thật ra, trong trường đại học, bạn vẫn phải tự học, điều khác hơn là bạn có sẵn một môi trường tốt. Dĩ nhiên, bạn phải trả phí (phí học đại học) cho môi trường này, vấn đề sử dụng làm sao tốt nhất nguồn lực sẵn có ở trường đại học là vấn đề của bạn.
Khi bạn không học đại học, việc bạn cần làm là gì:
- Xác định mục tiêu rõ ràng
- Xây dựng lộ trình học và phát triển
- Xây dựng môi trường học: xác định các nguồn lực cần có ở trên, những nguồn lực có thể thay thế nếu không vào trường đại học
Mục tiêu, nguồn lực và con đường chúng ta phải đi
Một điều mà tôi có thể chắc chắn với bạn là tất cả mọi con đường đều phải đánh đổi, bạn cần đầu tư cho chính mình. Và đầu tư thì không bao giờ có chuyện miễn phí. Bạn có những loại tài sản như sau khi bạn 18 tuổi (ok, có thể muộn hơn 18 tuổi chút):
- Tiền và rất nhiều tiền
- Thời gian (ý tôi nói ở đây là sự nhẫn nại và kiên trì phi thường, không ngại khó, không ghét việc nhỏ nữa)
- Thông minh, khéo léo, nhạy bén nói chung bạn có một cái đầu ngoài tầm so với những đứa cùng tuổi
Tôi cho rằng tiền và thông minh là hai thứ chúng ta khó cầu được ước thấy. Cái này phụ thuộc vào “gia đình có điều kiện” và “trời phú” cbao nhiêu rồi. Năm chúng ta 18 tuổi, tài sản lớn nhất mà chúng ta có là THỜI GIAN, dĩ nhiên là đi kèm theo mấy cái trong ngoặc tôi nói ở trên.
Vậy BẠN CẦN DÙNG THỜI GIAN của mình như thế nào? Có một số câu hỏi như sau:
Năm bạn 18 tuổi, bạn có phải tự lập chưa? đã nhào ra đường để kiếm việc gì đó làm để tự mua lấy cái ăn, cái mặc mà không phải ngửa tay chờ phụ cấp của bố mẹ chưa?
- Nếu có, thì bạn dùng bao nhiêu thời gian trong ngày/tuần cho việc này?
- Nếu chưa, thì bạn để dành được bao nhiêu thời gian cho việc này?
Những nhu cầu ăn chơi giải trí của bạn có nhiều không, là bao nhiêu giờ mỗi ngày?
- Bạn có thích ngủ không? nếu có thì bạn cần ngủ bao lâu mỗi ngày?
- Bạn có chơi thể thao không, nếu có thì bao nhiêu thời gian mỗi ngày?
- Bạn có thích thứ gì ghê gớm không, nếu có thì cần bao nhiêu thời gian mỗi ngày để chơi với nó? (manga, phim, sưu tầm quần lót, …)
Trả lời được, bạn sẽ biết bạn có bao nhiêu thời gian trống cho việc tự học.
Ok, bạn có chắc là bạn thích marketing không hay chỉ thích mấy cái màu mè mà người ta nói về nghề này?
Đây là câu hỏi mà bạn cần tự-trả-lời. Để trả lời thì bạn cần đặt tiếp câu hỏi “LÀM MARKETING LÀ LÀM GÌ?”
Có rất nhiều sách, tài liệu, blog và vô số hội thảo đặt ra để trả lời câu hỏi này dưng hình như các bạn đọc xong, dự xong vẫn còn khá hoang mang. Tôi cho là hoang mang hợp lý bởi vì các bạn đến dự chỉ để NGHE-BIẾT nhưng chưa HIỂU. Có rất nhiều khái niệm, từ vựng mà chúng ta không hiểu. Bên cạnh đó, việc diễn giải xem “Marketing là gì?” nhiều hơn là “Làm Marketing là làm cái gì, người ta làm gì mỗi ngày và cần học gì để làm được nghề này (nếu không học đại học)?”
Để giải quyết việc này, bên Brandsvietnam có một loạt video mà tôi cho rằng các bạn nhất định cần xem và xem thật chậm với cái đầu rỗng. Các bạn tìm kiếm “PASSPORT TO MARKETING” trên google đi, đừng lười ạ.
Tôi chắc rằng các bạn xem qua vẫn chưa hiểu vì có rất nhiều từ mới, nhưng tôi tin rằng các bạn biết cách để tìm hiểu xem những từ đó nghĩa là gì. Chúng ta tiếp cận một vấn đề nếu chỉ dừng ở việc nghe và biết thì không đủ, hãy chắc chắn là mình hiểu.
Hiểu để chúng ta xác định xem ĐÂY CÓ PHẢI THỨ MÌNH THÍCH KHÔNG, CÓ PHẢI THỨ MÌNH MUỐN LÀM KHÔNG. Hãy tìm hiểu thật kỹ, và cố gắng hệ thống những gì mình biết lại để xác định xem con đường mình muốn đi có phải là Marketing không. Nếu không, thôi bỏ.
Xác định được mục tiêu, nguồn lực rồi thì chúng ta XÂY DỰNG LỘ TRÌNH THỰC HIỆN. Cũng đơn giản thôi, các bạn có 4 năm (hoặc 2, hoặc 1, hoặc ít hơn nữa), việc của các bạn là làm sao xài quãng thời gian này thật hiệu quả.
Sau quá trình đó, bạn cần tạo dựng lại MÔI TRƯỜNG HỌC TẬP mà tôi nhắc đến ở trên.
- Tài Liệu Học Tập
- Người Hướng Dẫn
- Bạn Học
- Chứng Chỉ
Cái cuối thôi bỏ qua cũng được, vì đây là con đường chúng ta đi và điều quan trọng nhất trên đời này là THỰC LỰC, không phải một tấm bằng. Nếu bạn tin rằng bạn có thực lực thì khỏi cần bằng. Nhưng, thực lực là thứ chỉ được xác minh dựa trên những gì bạn đã làm được, đã trải qua chứ không phải lời nói. Đừng xuất hiện trước nhà tuyển dụng rồi nói “Em sáng tạo lắm” “Em chưa học nhưng có thể thử, hãy tin vào đam mê bỏng cháy trong em”. Ô tê, bai bạn.
Làm sao để có một người hướng dẫn tốt và những người bạn cùng học thú vị?
Cái này thiệt ra tôi cóc biết nữa. Nhưng tất cả cơ hội đến từ hai thứ: sự quyết tâm và quá trình chủ động tìm kiếm. Đừng đứng yên chờ đợi một ngày sung rụng trúng đầu hay táo rơi xuống đất.
Đừng ngại ngùng giao tiếp, hay chờ đợi một ngày mình bỗng dưng toả sáng. Bạn cần tìm đến những người giống mình, những đội nhóm, câu lạc bộ đang tự học, đang giúp nhau học. Bạn cần chủ động follow những người giỏi, những người có cùng đam mê với mình.
Và mentor, thật ra cũng chỉ là những người như vậy. Khi bạn tìm, họ sẽ đâu đó trên đường bạn đi. Họ là bạn bè, là những người đồng nghiệp, là một anh chị nào đó xuất hiện trong một buổi workshop, hoặc họ chỉ là một người đến dự workshop. Bạn có thể học từ họ những điều nhỏ nhất, đơn giản nhất và những thứ họ giỏi nhất. KHÔNG AI GIỎI HẾT TẤT CẢ MỌI THỨ, HÃY HỌC NHỮNG THỨ HỌ GIỎI NHẤT và học ở nhiều người.
Tài liệu biết tìm kiếm nơi đâu chắc gì tài liệu này hay và đúng
Chẳng có thứ gì trên đời này là tuyệt đối đúng và luôn luôn hay. Đúng với người này, sai với người kia. Đúng với trường hợp này, sai với trường hợp khác. Và hay, chẳng có gì là hay cho tất cả mọi người. Vậy nên mọi thứ chỉ có giá trị để bạn đọc, học, tham khảo và tiếp tục đặt ra cho mình những câu hỏi. TRONG THỰC TẾ LÀM VIỆC, bạn sẽ có câu trả lời. Kiến thức luôn thay đổi, bạn chính là người thay đổi.
Tuy nhiên, đừng bao giờ chê bai, giè bỉu kiến thức. Việc của bạn là học và kiên trì nhẫn nại với việc học của mình. Tôi ví dụ như việc các bạn nên học blueprint nếu bạn muốn tìm hiểu về Facebook Ads. Ô tê, việc đọc mớ chữ này khiến bạn chán, bạn cần nhanh hơn nhanh hơn. Bạn có thể học nhảy, học gấp, rồi sao nữa? Bạn sẽ phải quay lại khi bạn bất ngờ vấp phải thứ gì đó lẽ ra bạn đã hỏi rồi nhưng đã bỏ qua.
Các thứ khác cũng vậy. Vì vậy, tôi vẫn quay lại với quan điểm bạn cần đầu tư và thứ tài sản lớn nhất mà bạn có là THỜI GIAN VÀ SỰ NHẪN NẠI, QUYẾT TÂM VƯỢT KHÓ, KHÔNG CHÊ NHỮNG VIỆC NHỎ.
Thứ tài sản này tiếc thay người thông minh (và cả người có điều kiện) thường không có. Nhưng chẳng may nếu họ có, thì họ còn đi nhanh và xa gấp mấy lần chúng ta, thế thì đành phải tăng gấp đôi nguồn lực của mình lên thôi.
Chia sẻ của Phan Hải