Mục lục
Chúng ta thường hay đặt câu hỏi là mình thích làm việc với một người sếp như thế nào, trong một công ty như thế nào, môi trường làm việc như thế nào.
Chúng ta ít khi hỏi ngược lại, doanh nghiệp sẽ muốn có một nhân viên như thế nào, sếp sẽ cần có một nhân viên ra sao. Mà thường thì, giải quyết được câu hỏi cả từ hai phía, chúng ta mới có thể làm việc cùng nhau được.
Doanh nghiệp, hay sếp là chuyện hơi xa, vì vậy bài này nói về chuyện, chúng ta muốn làm việc với một đồng nghiệp như thế nào.
Leadership tinh thần tự chủ
“Tinh thần lãnh đạo” là chữ dùng đúng, nhưng dễ gây hiểu nhầm. Dịch sang “làm chủ” lại càng dễ hiểu nhầm, thế nên tôi gọi là “tự chủ”. Đây là thứ tư duy cốt lõi mà bất kỳ ai cũng cần đó. Đó là tư duy độc lập, mạnh mẽ, tự cường. Là thứ tư duy giúp chúng ta tự mình làm chủ mọi vấn đề, mọi việc và chủ động giải quyết công việc của mình. Làm chủ bản thân, chủ động giải quyết những vấn đề của mình là thái độ đúng đắn.
Đối với những người làm chủ doanh nghiệp, làm sếp của nhiều người khác, tư duy này là thứ bắt buộc. Bởi vì tư duy này là thứ sẽ quyết định rằng, nếu như có bất kỳ điều gì diễn ra, dù đúng dù sai thì đều thuộc về trách nhiệm của anh, là sếp.
Công ty thua lỗ, thất bại, lỗi của sếp. Nhân viên làm sai, chung quy cuối cùng vẫn là lỗi của sếp. Mọi thứ đều quay về một thứ cốt lõi, nếu sếp có thể làm tốt hơn, kiểm soát và điều chỉnh mọi thứ tốt hơn thì cái sai đã không bao giờ xảy đến. Chính vì vậy, sếp là người đặt vấn đề, nhìn thấy vấn đề, tìm hiểu ra bản chất vấn đề, mọi thứ đang diễn ra như thế nào, tại sao và tìm cách giải quyết. Sếp quan tâm đến quá trình, nhưng quan tâm hơn đến kết quả. Bởi đó là tầm nhìn, là điều sếp mong muốn.
Thật ra, chúng ta cũng vậy. Chúng ta làm việc, chung quy cũng đều có thể tự mình làm chủ những thứ thuộc về phạm vi trách nhiệm của mình. Trách nhiệm to là của sếp, trách nhiệm nhỏ thuộc về chúng ta. Và cho dù chúng ta có tâm tư nhiều thế nào, có cố gắng ra sao, nếu kết quả không tốt, thì chúng ta đã không hoàn thành trách nhiệm. Chữ “trách nhiệm” này không nằm ở lời nói mà nằm ở hành động.
Trở thành người cộng sự ai cũng muốn làm việc cùng trước
Trở thành người cộng sự ai cũng yêu thích sau
Nói đến trách nhiệm là nói đến một thứ gì đó mà ai cũng ngán. Bởi nó đòi hỏi sự dũng cảm đương đầu, đây là thứ quan trọng hơn mọi cái tôi cộng lại.
Chúng ta thường dùng cái tôi cảm tính để lý giải về các mối quan hệ, về việc yêu quý, ghét bỏ hay đơn giản là không thích một ai đó. Chuyện này trong môi trường công việc thiệt ra quan trọng, nhưng không tất yếu. Điều quan trọng nhất quyết định chúng ta có làm việc với nhau hay không đó là năng lực giải quyết công việc. Là được việc.
Trách nhiệm với công việc chính là trở thành người chủ động làm việc, có tư duy tự chủ, tự giải quyết vấn đề của mình mà-không-để-ảnh-hương-đến-người-khác hoặc không-để-người-khác-phải-làm-giúp-công-việc-của-mình. Trong công việc, không có khái niệm “thông cảm vì tôi lỡ, xin lỗi anh chị rất nhiều”.
Lời xin lỗi chỉ có giá trị khi:
- Có thể sửa sai
- Sửa sai ngay lặp tức
Lời xin lỗi hoàn toàn vô giá trị khi mọi thứ đã xong-rồi và mình chỉ nói cho có. Thật lòng xin lỗi là thái độ đúng đắn, là điều cần làm nhưng nếu như chỉ-nói-cho-có thì giá trị của lời xin lỗi chẳng là gì cả. Bài học quan trọng nhất mà chúng ta cần học là đừng để ảnh hưởng đến người khác và khi tất cả mọi thứ diễn ra theo chiều hướng xấu, nếu không giải quyết được, nếu không sửa lỗi được thì chúng ta phải chịu trách nhiệm.
Chịu trách nhiệm tức là bị phạt, không phải nói miệng khơi khơi. Bởi vì đó là một sự thiệt hại lớn.
Bởi thế, trong công việc, cái tôi có thể chấp nhận được là thái độ tôn trọng giá trị bản thân, luôn nỗ lực để vươn lên, để giỏi hơn, để chứng tỏ mình.
Trong công việc, không có chỗ cho những cái tôi coi thường người khác, không tôn trọng người khác. Chuyện yêu ghét là chuyện chấp nhận được, nhưng đó là chuyện cảm tính. Tôn trọng sự khác biệt, tôn trọng người khác là thứ bắt buộc phải có. Bởi lẽ khi đó chúng ta mới tôn trọng giá trị, gạt bỏ những cảm xúc cá nhân để làm tốt công việc. Bởi lẽ khi đó chúng ta mới có trách nhiệm với những gì mình làm, không để những thứ riêng tư của mình ảnh hưởng đến người khác.
Cái tôi và sự ương bướng là cần thiết để phát triển. Nhưng thiếu một cái tâm tốt cùng sự tôn trọng giá trị của mọi người, sự ương bướng sẽ tạo ra một tầm nhìn hẹp kéo lùi sự phát triển.
Tất cả mọi thứ đều có giải pháp
Tất cả mọi thứ thuộc phạm trù công việc đều có giải pháp. Chọn giải pháp như thế nào là sự lựa chọn của người làm việc.
Đừng bao giờ nói “em không biết” và “chỉ có một cách như vậy”.
Hãy nói “em không biết giải pháp của em có thật sự đúng không, nhưng theo em thì…” và “em có cách như thế này, nếu không phù hợp lắm chúng ta hãy cùng nhau tìm cách khác…”
Thay câu “tôi không biết, anh làm đi” bằng câu “tôi không biết, anh có thể hướng dẫn, chúng ta cùng làm” luôn mang lại hiệu quả và cảm xúc tích cực hơn. Đừng bao giờ nói về thủ thuật, vấn đề cốt lõi của công việc là những giải pháp làm việc. Đó là thứ khác biệt của một người có tư duy và cỗ máy.
Việc khăng khăng giữ những định kiến công cũ với các lối mòn trong suy nghĩ không tạo ra sự thay đổi và giết chết những sáng tạo, tính hiệu quả và cả giao tiếp trong công việc. Nếu mọi thứ xấu đi, hãy nhìn thấy, chấp nhận để tìm ra giải pháp thay đổi.
Năng lực thật sự
Chúng ta có thể dùng lý do “người mới” để bào chữa cho những thiếu sót và sai lầm, nhưng chúng ta không thể chấp nhận “năng lực yếu kém” là nguyên nhân dẫn đến những sai sót, thất bại. Càng đáng ngạc nhiên hơn nếu chúng ta chấp nhận điều đấy và xem mọi thứ là điều hiển nhiên.
Năng lực không phải là thứ hiển nhiên mà có. Nó được đánh đổi bằng thời gian và sự rèn giũa theo thời gian. Nó là kết quả của việc phải-làm-những-thứ-không-mấy-thoải-mái và phải-học-cả-những-thứ-không-dễ-hiểu. Kiến thức không phải lúc nào cũng dễ hiểu, tri thức không dành cho tất cả mọi người. Nếu muốn thay đổi, chỉ có cách lao vào, điên đảo và nhẫn nại phi thường. Người thông minh sẽ đi nhanh.
Người kiên trì nhẫn nại sẽ đi xa. Người vừa thông minh vừa nhẫn nại sẽ đi vừa nhanh vừa xa. Đôi khi, chúng ta chỉ có thể thông minh hoặc nhẫn nại. Không ai tự nhiên giỏi tất cả mọi thứ trừ những người ham học hỏi và kiên trì bền bỉ. Họ là những người luôn có một khát khao bỏng cháy thay đổi chính bản thân mình.
Họ là những người cộng sự mà chúng ta luôn nể phục. Và nếu họ có cả những điều ở trên thì họ chính là người mà chúng ta rất mong muốn được trở thành đồng nghiệp, được làm việc cùng họ. Bởi vì lúc đó mọi thứ dễ dàng hơn nhiều. Không chỉ nể, mà mình còn tôn trọng họ.
2017, thật sự cũng chỉ mong muốn được làm việc cùng những người mà mình nể phục và tôn trọng.
Dĩ nhiên, được yêu quý họ nữa thì thật sự đúng là một món quà.
Chia sẻ của Phan Hải