Mục lục
Marketing có nhiều bộ phận, nhiều chức danh, nhưng xét cho cùng thì nó vẫn chỉ có một tác dụng duy nhất: kích thích nhu cầu mua sắm và tiêu dùng của khách hàng.
Vì vậy, một người làm marketing có trách nhiệm có thể sẽ đôi lần đứng trước sự băn khoăn, giữa trách nhiệm công việc: bán được càng nhiều sản phẩm càng tốt, và trách nhiệm với môi trường: tiêu thụ càng ít càng tốt.
Không chỉ riêng mình, rất nhiều người làm marketing khác cũng đôi lần có thể nhìn thấu những dối trá, mánh khóe mà ngành này đang cố gắng dựng nên – chủ nghĩa tiêu dùng, biểu thị bằng việc bạn càng mua được nhiều đồ đạc, càng chứng tỏ cho sự thành công của bạn.
Bạn có muốn biết sự thật đằng sau tấm rèm hào nhoáng của Zara, H&M – các hãng thời trang nhanh, hay những hãng thời trang cao cấp khác? Và vì sao mình, một người xây dựng nên thương hiệu cho doanh nghiệp, lại đôi khi không muốn sử dụng những sản phẩm cao cấp đầy thành công kia? Cùng xem tiếp nhé.
Quy trình của thời trang nhanh
Thời trang nhanh, hay thời trang ăn liền, là tên gọi của các hãng thời trang bình dân như H&M hay Zara.
Thành công của các cửa hàng này nằm ở việc rút ngắn tối đa thời gian và chi phí cho sản phẩm trong cửa hàng của mình: Bạn có thể cập nhật mốt, new season từ các hãng thời trang nhanh này chỉ cách mỗi khoảng 2 tuần, cùng một chi phí rẻ hơn nhiều so với các hãng thời trang cao cấp hay thời trang bền vững.
Ở một mặt trông có vẻ là tích cực, thì các bạn sẽ được dạo lướt shopping mỗi 2 tuần, mang về những món item mới đẹp đẽ, dạo quanh phố đi bộ với to nhỏ chiếc túi xách và vui vẻ, đầy vẻ sang chảnh như các bộ phim Mỹ.
Hệ quả? Đó là một tủ đồ chật chội, không bao giờ đủ chỗ cho càng ngày càng nhiều các món đồ “hứng lên thì mua”. Hệ quả là những người công nhân, từ sản xuất bông vải đến may mặc, đều bị bóc lột cả mặt sức khỏe và môi trường sống.
Rana Plaza là vụ tai nạn diễn ra vào năm 2013, vì giảm thiểu chi phí đến mức tối thiểu, hơn 1000 người đã chết vì tòa nhà nơi họ làm việc đã đổ sập do quá cũ nhưng không được tu sửa.
Vụ tai nạn này là ví dụ rõ nhất đối với ngành thời trang giá rẻ – khi những chiếc áo trông có vẻ là rẻ mà bạn đang dùng, lại là đánh đổi sức khỏe và máu từ những người khác – nghèo hơn, và ít tiếng nói hơn.
Bên cạnh đó, vì ưu tiên chi phí thấp, nên sản phẩm đều được làm ra từ chất liệu kém, khiến những bộ quần áo từ thời trang nhanh rất nhanh nhão, hư hỏng, và bị vứt ra môi trường. Nền công nghiệp thời trang là nền công nghiệp gây ô nhiễm môi trường đứng thứ hai thế giới, trực tiếp gây nên những cơn bão to, những đợt nóng – lạnh kỷ lục.
Sự thật của túi da thật
Khi các hãng thời trang cao cấp cố đưa vào những chiến dịch sản phẩm bio – thân thiện với môi trường hơn, hay việc ưu tiên ký kết, tham gia các chiến dịch không sử dụng da/lông động vật, thì với mình, mình ngầm hiểu rằng đây chỉ là một lời xoa dịu.
Tương tự như Highlands, Starbucks với những chiến dịch xanh chỉ nhằm xoa dịu đi làn sóng sống xanh, các hãng thời trang cao cấp chỉ bày tỏ quan điểm khi cảm thấy đe dọa trước sự thay đổi của người tiêu dùng.
Họ hiểu rằng, người tiêu dùng sẽ thay đổi dần về quan niệm phúc lợi động vật, trước sự kêu gọi ngưng ủng hộ các nhãn hàng sử dụng da lông động vật của các tổ chức cứu trợ lớn như PETA.
Do vậy, để thể hiện thương hiệu đi trước và đồng hành cùng khách hàng, chẳng gì tuyệt hơn việc hứa hẹn công khai.
Những con vật bị lấy lông và da, chẳng bao giờ được chết một cách nhẹ nhàng. Chúng bị lột da trước khi chết hoàn toàn, thậm chí những con non cũng bị giết chỉ vì một đôi bao tay da đầy sang chảnh và trưng bày trong tủ kính. Với mình, chiếc túi da hàng hiệu kia không mang dáng vẻ của sự sang trọng, mà mang dáng dấp của sự bạo lực.
Các bạn có thể tìm hiểu về da đà điểu qua video Ostriches Killed for Hermès, Prada Bags của PETA.
Chi phí Marketing, thực tế đều do khách hàng phải trả. Do vậy, những thương hiệu có marketing càng mạnh, sản phẩm của họ càng bị đội giá lên, trong khi chất lượng có khi lại chỉ bằng các nhãn hàng tầm trung khác.
Làm sao để ngưng tiêu thụ sai lầm?
Nhãn hàng sẽ luôn cho bạn một cái cớ để tiêu dùng, nhưng họ không thể ép buộc bạn phải chi số tiền đi đâu. Do vậy, mình mong rằng khi mua sắm bất cứ món đồ gì, bạn cũng hãy cân nhắc 3 tiêu chí sau:
Tính cần thiết: Liệu bạn có thật sự cần mua nó? Liệu bạn có thể sống mà không có món hàng này? Rất nhiều khi, chúng ta mua hàng không phải vì chúng ta cần, mà là vì marketing bảo chúng ta rằng chúng ta cần mua để trở thành ông A bà B, chứng tỏ với người khác.
Tất nhiên, bạn biết đấy, không ai lại để tâm bạn nhiều đến vậy, bởi họ cũng đang bận rộn với câu hỏi “Làm sao để nổi bật với người khác?”
Tính phù hợp: Món hàng trên có phù hợp với bản thân bạn? Có hợp với những outfit mà bạn đang sẵn có? Đừng để rơi vào cái bẫy “phải mua thêm món này mới hợp với cái áo này”, đừng để một món hàng khiến bạn phải mua thêm những món hàng khác. Hãy mua món thời trang hợp với tủ đồ hiện tại của bạn.
Cost-per-use (chi phí cho một lần sử dụng): Một chiếc áo rẻ 1-2 trăm ngàn, nhưng chỉ xài được vài lần, sẽ luôn đắt hơn một chiếc áo 4-5 trăm ngàn, nhưng xài được vài năm.
Bạn mua món hàng tuy đắt hơn nhưng càng bền, càng dùng được lâu, thì vẫn luôn rẻ hơn so với những chiếc quần áo rẻ của thời trang nhanh, mà chỉ xài được đôi ba lần là vứt.
Khi lớn hơn, các bạn sẽ thấy được, ăn mặc đẹp nhất vẫn là khi hợp với bạn nhất. Đừng để marketing lừa, cũng đừng để người khác nói rằng bạn phải ăn mặc như thế nào thì mới đẹp. Dù sao, người mặc lên những bộ cánh đó, vẫn chỉ là bạn, và khi đứng trước gương, nếu bạn vui vẻ hạnh phúc, thì vẫn là tuyệt nhất, đúng không?
Chia sẻ của Ton ton is coming