“Thiên kiến (bias) là xu hướng giữ hoặc nói một quan điểm không đầy đủ, thường đi kèm với sự từ chối xem xét các góc nhìn khác hoặc là không sẵn lòng tiếp nhận những thông tin mới, đặc biệt khi thông tin mới không thuận theo quan điểm cũ”.
Tôi có một cậu bạn (nhiều cậu bạn), cứ ai nói sai quan điểm là ghét. Tôi cũng khá ghét các quan điểm của cậu ta, đôi khi nói đôi câu là thấy khó chịu.
Tôi thử phân tích sao nó có thể nghĩ thế, tư duy thế, sai lệch hết cả. Và tôi rút ra kết luận, do môi trường sống cậu bạn khác mình, nên nó ăn sâu vào đầu như thế rồi. Và tôi kệ.
Nhưng … lỡ đâu tôi mới là sai lệch thì sao?
Hôm qua nghe a Vinh LeBros nói trong Workshop VMCC “Khủng hoảng thời Social” rằng khủng hoảng bắt nguồn từ Bias, mình mới ngớ người ra. Hoá ra nặng hơn quan điểm, tư duy là … thiên kiến. Thiên kiến thậm chí còn nặng hơn cả định kiến.
Khủng hoảng sẽ to hơn nếu 4 anh chàng khoả thân 99%, thay vì 4 cô gái đẹp.
Khủng hoảng sẽ xuất hiện nếu người nổi tiếng chế lại Chị Đậu, Lão Hạc. Nhưng nếu là các bạn 9x làm 1977vlog thì sẽ được ủng hộ.
Khủng hoảng sẽ xuất hiện nếu là người giàu (chắc là làm ăn bẩn), người nhà nước (chắc là tham ô), đàn ông (chắc là vũ phu).
Rất khó nhận ra thiên kiến của bản thân, nếu nhận ra thì đó đã không phải là thiên kiến. Nó ăn sâu vào máu.
Thời đại Social, thấy cái gì đó ngược lối, nghịch mắt là ta sẽ lên án, ta thậm chí share về và lên án để tìm kiếm sự ủng hộ từ network của mình … với thiên kiến của mình.
Vấn đề là, lúc nào thì ta đúng, lúc nào thì ta sai? Gặp điều xấu ta có nên lên tiếng, nhỡ đâu ta sai, ám hại người ta. Mà không lên tiếng thì điều xấu cứ hiển nhiên tồn tại. “Kẻ im lặng trước điều xấu, còn tệ hơn kẻ tạo ra điều xấu”.
Chưa kịp nghĩ đúng sai nên thế nào. Thì lại nghe diễn giả Lê Công Thành Infore chia sẻ “mọi tin tức trên đời đều là tin Fake, chỉ khác nhau là mức độ Fake đến đâu”.
Giật mình!
Người đọc tin vốn đã có thiên kiến. Nhưng hoá ra người đưa tin cũng đưa dựa trên thiên kiến của họ. Như vậy là có thể là “cái sai này” tiếp tay cho “cái sai khác”.
Còn người nhận tin cũng chỉ muốn tiếp nạp những gì mà … họ cũng tin.
Nếu một tin khởi đầu với thiên kiến hợp với thiên kiến số đông, khủng hoảng sẽ bắt đầu.
Thời đại Social, chúng ta tiếp nhận tin tức mọi lúc, mọi nơi, từ rất rất nhiều nguồn. Làm sao để không vô tình tiếp tay cho những khủng hoảng tai hại? Thật khó mà phân biệt.
Doanh nghiệp muốn không khủng hoảng, tốt nhất là đừng làm gì sai.
Nhưng đúng sai, lại do thiên kiến quyết định.
Ôi đm đau đầu rồi. Khó quá bỏ. Cuộc sống phức tạp vãi nhỉ. (Lưu ý, đm là định mệnh).
Như thầy Thích Phây Búc (Tuấn Hà đại sư) có nói: mục đích sau cùng không phải là tìm kiếm hạnh phúc, mà là thoát khổ. Vấn đề là “Khổ là gì?”.
Chia sẻ của Mai Xuân Đạt