Đầu tiên là Anh mừng cho các em và thật lòng cảm thấy ganh tỵ vì lớn lên trong một thế giới mà ngồi một chỗ thì tầm nhìn cũng rất rộng và rất xa.
Cái khỉ gì trên mạng cũng có người dạy, tha hồ mà học hỏi, đáp án nào cũng có, tha hồ mà tra cứu.
Nên anh thấy, thế hệ này có cái dũng khí, dám nghĩ lớn và nhìn xa hơn các thế hệ đi trước.
Cũng chính vì thế nên bị chửi là “Thứ Ảo Tưởng Sức Mạnh” nhiều nhất.
Thật ra, bệnh ảo tưởng sức mạnh đã có từ khi…có con người. (Thậm chí con nào cũng bị chứ ko chỉ riêng con người).
- Nó là sự tò mò, khám phá những điều chưa biết.
- Nó là sự tham lam cần thiết để phát triển.
- Nó cũng là trí tưởng tượng vô hạn của loài người.
Đừng cay cú, đừng trách những người lớn hay chỉ trích chúng ta. Họ chính là những người trẻ đầy ảo tưởng sức mạnh lớn lên, “ăn hành” ngập mặt, té đau nhiều lần riết đâm ra lo cho các em, sợ các em cũng vậy.
Và đương nhiên, một số đâm hèn, một số thì ko muốn thấy ai vượt qua mình (người this, người that mà).
Mà tụi em có nghe đâu phải không? Việc gì phải cay cú?
Ai cũng rứa cả, phải sấp mặt mới chịu nhận ra bài học chứ nghe lý thuyết suông nó ko có vào dc.
Anh thấy nhiều đứa Gen Z mắc cười lắm, lúc người ta chỉ dạy thì phủi phạch phạch, ta đây không cần, lúc té đau thì khóc tu tu, bắt người này người kia lo cho mình, “heo mi nga” mình giống như là mình oan ức lắm vại
Ủa, kỳ cục vậy?? Ghê lắm mà?
Vậy điểm yếu chung của thế hệ là gì?? Có 3 thứ anh nhìn thấy rất rõ và mong các em tìm cách khắc chế nó:
Thứ nhất, Bệnh hoang mang, khủng hoảng xảy ra thường xuyên, hầu như đứa nào cũng bị: này gọi là Người Giàu Cũng Khóc. Có quá nhiều sự lựa chọn, có quá nhiều con đường để đi, rối,biết chọn đường nào bây giờ??
Thuốc giải: hãy ưu tiên việc hiểu mình.
- Nhìn lại chặng đường lớn lên, xem kỹ sự lặp lại của những việc, những người, những môi trường mà mình thích hoặc mình ghét, ta sẽ hiểu bản thân khá nhiều đấy, rồi từ đó mà chọn đi những bước kế tiếp.
- Liên tục đo đạc cái trình độ, cái kỹ năng, các hành trang liên quan của mình để biết mà cải tiến và chỉnh sửa cho phù hợp với con đường của mình đi.
Thứ 2. Bệnh lười tư duy, quen copy: lớn lên trong một thế giới mà đáp án luôn có sẵn chẳng khác nào bị cướp đi quyền được suy nghĩ, quyền được trưởng thành cả.
Thật ẻo lả và tội tình. Giờ gặp cái gì khó là ngồi khóc, giãy đành đạch bắt người ta đưa đáp án rồi hãy giao việc. Ủa, robot hay gì??
Thuốc giải là ưu tiên rèn cái tư duy, tập dùng phương pháp, bớt hở chút là….search lại. Khờ vừa thôi. Tự mình suy nghĩ, tìm cách giải chán chê rồi hẳn hỏi, hẳn đi tìm kết quả để đối chứng. Thậm chí là làm thử để học trong an toàn càng tốt.
Thứ 3. Bệnh gấp:
Vũ trụ này đã được dàn xếp hết, mỗi một sinh vật sống đều cần thời gian phù hợp với nó để trưởng thành. Mỗi một sự việc bất kỳ cũng vậy.
Em làm một job, khởi 1 cái nghiệp, luyện một cái kỹ năng v..v…tất cả đều đòi hỏi Thời Gian.
Các em là thần thánh phương nào mà hở chút đòi giàu liền, giỏi liền, ra kết quả liền, đơm hoa kết trái liền?
Này là đại ngốc vì tự làm mình bứt rứt, đau khổ hoài vì một sự thật hiển nhiên. Ngu lắm luôn ý!
Thuốc giải nè: hãy tập trồng cây, chăm sóc, nuôi dưỡng và quan sát chúng. Để thấy rằng cái gì cũng đòi hỏi 2 yếu tố này: Sự Phù Hợp và Thời Gian.
Thế hệ của anh trở về trước, 20 – 30 tuổi, hình thành nhân cách xong, lối sống xong mới xuất hiện Internet (chỉ có web chứ chưa có mạng xã hội hay các nền tảng khác) nên bị người lớn thao túng sái cả cổ, dốt dốt và hơi chết nhát.
Đổi lại là khả năng tư duy tốt hơn, tự thân vận động tốt hơn, công việc cũng ít nên phải liên tục giỏi hơn để mà cạnh tranh với đời.
Cho nên, thấy ganh tỵ với các em là anh nói xạo hoy, vì thế hệ của anh cũng được hưởng những điều đó mà. Chỉ tội cho các em vì ko có khả năng tư duy, ko có khả năng tự suy nghĩ, chỉ số vượt khó thấp tè tè và càng ngày càng giống robot.
Bớt cười khẩy bọn già tụi anh, tụi chú, tụi cô đi. Khắc chế những điểm yếu nào.
Thương các em!
Chia sẻ của Lê Minh Mẫn