Mục lục
Cứ mỗi dịp Double Day, anh chị em lại đua nhau săn “sale sập sàn” trên các sàn thương mại điện tử.
Chưa bao giờ như bây giờ: Hội Nghiện Deal, Hội Săn Mã Giảm Giá, Nhóm Thợ Săn… thức xuyên màn đêm và hoạt động tích cực như trẩy hội. Hàng nghìn mã giảm giá không cánh mà bay chỉ trong một hơi thở nhỏ. Và kết quả là, mỗi mùa sale đi qua, túi tiền người ta ốm o vì chơi sale xa xỉ nhưng truyền thông lại mải miết đưa tin nhiều chủ shop hồ hởi cán mốc doanh thủ kỷ lục.
Vậy, lý do nào giải thích cho cơn nghiện săn deal của người tiêu dùng ngày nay?
Chúng ta nghiện săn sale vì… sale cho ta khoái cảm
Giảm giá đồng nghĩa với lợi ích giao dịch tăng cao và kích hoạt sự thoả mãn.
Theo Nguyên lý Tiêu khiển (Pleasure Principles), con người thường tránh né sự đau đớn và luôn hướng về những nguồn khoái cảm. Khi chúng ta mua sắm, tâm lý chúng ta vướng phải cảm giác ‘mất mát’ vì phải tiêu tiền. Vừa hay, sale xoa dịu nỗi đau ấy và khiến ta thoả mãn.
Đồng thời, giáo sư Catherine Frassen tại Đại học Longwood cho biết: “Niềm vui mua sắm bắt nguồn từ những hóa chất trong não bộ. ” Khi chúng ta muốn mua một sản phẩm, dopamine (một chất dẫn truyền thần kinh) sẽ tiết ra, thôi thúc chúng ta “phải mua được nó”. Não luôn nhắc nhở ta: Hãy mua đi để cảm thấy tốt hơn. Và thế là, chỉ với một mã code, ta dễ dàng thỏa mãn.
Chúng ta nghiện săn sale vì… đó là điều các seller muốn
Trong buổi phỏng vấn với SalesForces, tòa soạn CNBC đã ghi nhận: “Rất nhiều nhà bán lẻ hầu như không màng đến lợi nhuận: Họ chỉ quan tâm về tính sẵn có (availability) của sản phẩm và làm thế nào để vận chuyển đến tận nơi cho người tiêu dùng. ”
Nói cách khác, lời lãi không phải mối quan tâm hàng đầu của thương nhân. Họ chỉ muốn chiếm được thiện cảm của khách hàng và nâng cao doanh số trong tình hình dịch bệnh.
Chính vì thế, các thương hiệu “mặc kệ đúng sai” để đua nhau bão sale, tận dụng tối đa thương mại điện tử để kích thích tiêu dùng khi thời buổi kinh tế lâm vào tình cảnh khốn khó. Thế là, dịch bệnh càng hoành hành, chúng ta càng ngập tràn trong giảm giá, voucher, coupon… Nghiêm trọng đến mức, chỉ trừ những người khá giả hoặc mù công nghệ, thì hiếm ai ngày nay mua hàng mà không áp mã.
Chúng ta nghiện săn sale vì… nỗi sợ bị bỏ lỡ
Sale là dựa trên sự gấp gáp. Tức rằng, khi người ta thấy sale sẽ đánh đồng nó với một khoảng thời gian giới hạn. Người không săn deal sẽ cảm thấy bứt rứt, khó chịu vì sợ hãi nghĩ rằng mình bỏ qua một món hời đáng kể.
Hiện tượng tâm lý này được gọi là FOMO (Fear Of Missing Out), được phát triển thành FOMO Marketing. Các thương hiệu tận dụng Nỗi Sợ Bỏ Lỡ để kích hoạt hiệu ứng tâm lý mà không ai cưỡng lại được.
Hồng Ân, Anh Khoa