Mục lục
Đập tay một cái nếu như mỗi ngày các bạn nhận được ít nhất 1 tin nhắn quảng cáo bằng điện thoại
Nói như vậy để thấy được sự trường tồn âm thầm mà mạnh mẽ của SMS Marketing. Tuy không thu hút bằng cách hình thức khác như Email Marketing hay Marketing qua các nền tảng Social Media nhưng SMS Marketing vẫn tạo ra những hiệu quả nhất định.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ có cái nhìn tổng quát về quảng cáo qua tin nhắn điện thoại.
Thị trường SMS Marketing
Theo dự báo Statista 2020, hiện nay Việt Nam có đến hơn 120 triệu thuê bao di động. Và con số này ngày một gia tăng. Điều này chứng tỏ thị trường của SMS Marketing chưa bao giờ ngừng mở rộng, kể cả trong tương lai.
Bên cạnh đó, đối tượng sử dụng điện thoại di động hiện đã phủ rộng hơn trước rất nhiều. Từ những người lớn tuổi đến học sinh tiểu học, từ vùng thành thị đến nông thôn, điện thoại di động đã không còn xa lạ như thời điểm mạng di động đầu tiên được thành lập và cung cấp dịch vụ năm 1993.
Mặt khác, nhu cầu về quảng bá thương hiệu (SMS Branding) hay chăm sóc khách hàng bằng tin nhắn điện thoại của các doanh nghiệp vẫn luôn có. Chúng ta dễ dàng nhận thấy sự nổi lên của Email Marketing, tuy vậy, Email về cơ bản không thể hoàn toàn thay thế SMS.
Bởi lẽ, Email không phải là chức năng thiết yếu của một điện thoại di động cơ bản mà chính là tin nhắn và cuộc gọi.
Ưu điểm của SMS Marketing
Khi xem xét một cách tổng thể, lợi thế của SMS Marketing gần như đồng nhất với ưu điểm của các hình thức marketing tiếp cận khách hàng gián tiếp nhưng không thông qua mạng internet. Có thể kể đến những ưu điểm nổi bật sau:
Tiếp cận lượng khách hàng lớn
SMS Marketing truyền tải thông điệp của nhãn hàng đến với số lượng khách hàng lớn một cách đơn giản bởi lẽ tệp số điện thoại là một tệp dữ liệu dễ dàng thu thập được.
Gần gũi với khách hàng
Khách hàng khi nhận được tin nhắn có thể dễ dàng mở ra đọc ngay mà không nhất thiết phải kết nối với internet. Đây cũng chính là sự khác biệt lớn nhất giữa SMS Marketing và Email Marketing.
Các nhãn hàng có thể sử dụng các biện pháp cá nhân hóa (qua xưng hô, quán ngữ,…) để tăng sự thân thiện.
Chi phí rẻ
SMS Marketing là một trong những cách tiếp cận tới khách hàng có chi phí rẻ nhất hiện nay. Tùy vào lĩnh vực và mục đích marketing mà sẽ có mức chi phí khác nhau.
Tuy nhiên với mỗi tin nhắn quảng cáo thông thường mất khoảng 30 đến 99 đồng. Bởi vậy, cân nhắc sử dụng SMS Marketing có thể tối ưu hóa ngân sách của doanh nghiệp.
Nhược điểm của SMS Marketing
Tin nhắn rác
SMS Marketing cần chú ý đến độ mới của nội dung thông điệp. Bởi lẽ, khách hàng sẽ cảm thấy phiền phức khi nhận nhiều tin với lặp đi lặp lại một nội dung. Từ đó, họ có thể có cảm xúc tiêu cực với nhãn hàng. Đây là điều không một thương hiệu nào mong muốn.
Quy định của các nhà mạng
Cũng giống như những kênh truyền thông quảng cáo khác, SMS Marketing vẫn phải tuân theo những quy tắc nhất định. Do vậy, để tránh bị các nhà mạng liệt kê vào danh sách đen, những nhà Marketer phải chú ý đến quy định của các nhà mạng mình sử dụng.
Sự hạn chế trong độ dài và hình thức trình bày
Một SMS giới hạn 160 ký tự không dấu hoặc 70 ký tự có dấu. Trong tiếng Việt, việc lựa chọn truyền tải thông điệp có dấu hay không dấu cũng nên được cân nhắc kỹ càng vì nhiều từ ngữ dùng không dấu có thể gây hiểu lầm. Ngoài ra, hình thức của SMS không đa dạng, do đó khó có thể làm cho SMS của nhãn hàng của mình khác biệt với đối thủ.
Vậy SMS Marketing thích hợp với ngành nào?
Tuy không thể đa dạng như các hình thức khác, nhưng SMS Marketing vẫn luôn là một trong những kênh phổ biến nhất. Dưới đây là những ngành phổ biến có thể tận dụng tốt những ưu điểm của SMS Marketing:
Điện tử viễn thông
Không ai khác, các nhà mạng chính là những người tận dụng lợi thế của kênh này một cách hiệu quả nhất. Các nội dung chủ yếu mà các công ty điện tử viễn thông thường sử dụng là thông tin khuyến mãi.
Tài chính ngân hàng
Các doanh nghiệp tài chính ngân hàng cũng là những người thường xuyên nhắn tin cho khách hàng. Thông báo về biến động tài khoản, ngày đáo hạn, ngày đến hạn tín dụng và giới thiệu về các dịch vụ mới là các nội dung thường thấy từ các ngân hàng hay công ty tài chính.
Chăm sóc sức khỏe (bệnh viện, phòng khám, spa,…)
Thông tin về phòng khám mới mở, thông báo lịch hẹn khám, cung cấp dịch vụ chăm sóc và tư vấn theo dõi qua văn bản cũng là những dịch vụ SMS Marketing phổ biến hiện nay.
Đặc biệt, một số đơn vị trong lĩnh vực này còn cung cấp dịch vụ tư vấn sức khỏe thông qua việc nhận và trả lời các câu hỏi của bệnh nhân bằng SMS.
Kinh doanh bán lẻ
Đặc trưng của ngành này là sự đa dạng trong sự lựa chọn của khách hàng. Tuy nhiên, nếu có thể gia tăng sự thân thiện và kết nối với khách hàng thì số lượng các khách hàng trung thành sẽ tăng lên đáng kể.
Những tin nhắn thông báo về địa điểm mua hàng gần nhất, các sản phẩm sắp có hàng hay chương trình khuyến mãi sẽ thu hút người đọc quan tâm hơn khi các thương hiệu bán lẻ biết cách điều chỉnh văn phong thích hợp.
Ngoài ra, SMS Marketing cũng được ứng dụng để tăng Brand Love với các hoạt động gửi lời chúc mừng vào các ngày lễ hay lời chúc sinh nhật đến khách hàng. Theo dự đoán, SMS Marketing vẫn sẽ là một kênh quan trọng trong Marketing trong ít nhất 5 năm nữa.
Chia sẻ của Hiếu Dương