Một lý thuyết, một phương pháp quản trị mới chưa hẳn là thần dược cho những cơn đau đầu kinh niên của chủ doanh nghiệp và càng không kể là cứu cánh cho các nhà quản lý yếu kém. Lý thuyết chỉ hữu dụng khi được tìm hiểu nghiêm túc, ứng dụng thử và cá nhân hoá theo đặc thù năng lực của tổ chức thì mới mong thành công.
Hiện nay có vô số sách mới về Marketing, Quản trị bán hàng, Quản trị mục tiêu được dịch từ sách nước ngoài, đó là những kiến thức rất tốt nhưng luôn ẩn chứa nhiều sự bất cập bởi nó được hình thành trong nền văn hoá quản trị và ý thức nhân lực rất khác biệt với chúng ta.
Khi các Doanh nghiệp nổi tiếng ở các quốc gia phát triển áp dụng thành công một lý thuyết nào đó sẽ vẫn không có gì đảm bảo chúng ta sẽ áp dụng thành công nếu không xem xét các kiến thức mới một cách nghiêm túc. Nếu cứ đọc hết các cuốn sách Marketing -The Best Seller của các tác giả nổi tiếng, sẽ đảm bảo cho tất cả chúng ta thành công thì đã chẳng có tỷ lệ trên 90% Start-up phá sản sau 3 năm.
Việc tiếp thu kiến thức mới là cần thiết nhưng chỉ có ích khi chủ doanh nghiệp, nhà quản lý tự nâng cao và thay đổi nhận thức trong quản trị, phá bỏ sự kháng cự với đổi mới và phân quyền. Đây chính là tiền đề để chuyển hoá các kiến thức học được thành bí kíp và công cụ của doanh nghiệp theo đặc thù riêng. Sự nhăm nhe dập khuôn của nhiều người với những lầm tưởng nghiêm trọng sẽ dẫn đến thất bại rất cao.
Ngần đây Mr.Kool nhận được nhiều chia sẻ về sự khó khăn trong triển khai các chiến lược Digital Marleting và Quản lý hiệu suất; hoặc sự bất thành trong vận hành OKR hoặc áp dụng lương 3P nhưng không tạo được động lực như sách nói mặc dù các nhà quản lý đã nhiều lần cắp sách đi học hết khoá này tới khoá khác, thậm chí chi nhiều tiền để mua các hệ thống quản trị như OKR, 3P… và rồi họ bắt đầu phàn nàn và thất vọng.
Sự phàn nàn “từ lý thuyết đến thực tế rất xa vời” là chưa hoàn toàn đúng bởi nhiều kiến thức quản trị được đúc kết từ môi trường thực tiễn quá khác biệt với chúng ta. Mấu chốt của sự xa vời không phải do lý thuyết mà chủ yếu do nhận thức của ngưởi tiếp nhận kiến thức.
Đối với nhà Quản lý, Khi tiếp cận kiến thức mới hãy thể hiện thái độ tích cực và nỗ lực chắt lọc các nội dung tiềm năng để từ đó tiếp tục cải biến cho phù hợp với bối cảnh và nguồn lực của tổ chức, còn nếu dập khuôn thì thất bại là khó tránh khỏi.
Chia sẻ của Hoang Ha MrKool