Sau bài này, các bạn lưu ý, đừng bao giờ đặt câu hỏi, quản trị, quản lý và lãnh đạo, cái nào quan trọng hơn, hay cái nào cao hơn cái nào nhé!
Cái nào cũng quan trọng cả, và không thể thiếu cái nào. Và không có cái nào là cao hơn cái nào cả. Đừng nhầm lẫn mà cho rằng nhà lãnh đạo thì cao hơn nhà quản lý; trừ khi bạn dùng nguyên cụm từ “nhà lãnh đạo cao nhất”, thì người ấy là cao nhất.
Còn không, thì ai cao hơn ai, xếp theo thứ bậc nào là do các tổ chức quy định. Ví dụ, lãnh đạo nhóm (team leader), mà nhóm này thuộc một phòng, do một manager phụ trách, thì team leader phải báo cáo cho manager này!
Lãnh đạo, thì bất kỳ ai làm việc với con người (dù là chỉ với một nhân viên hay với hàng triệu người) cũng đều cần có kỹ năng lãnh đạo. Tất nhiên, tầm lãnh đạo cao hay thấp là tùy vào năng lực của mỗi người, nhưng muốn dẫn dắt ai theo mình, dù là một người, ít nhiều bạn phải rèn luyện kỹ năng lãnh đạo. Có kỹ năng lãnh đạo, bạn mới thu hút, tác động, gây ảnh hưởng đến người khác, làm cho người khác tin tưởng và đi theo mình, thay vì lúc nào cũng phải dùng quyền lực để ép buộc họ.
Quản trị công ty, như tôi đã nhiều lần chia sẻ, là phạm trù liên quan đến thể chế, khuôn khổ pháp lý, điều lệ, các nguyên tắc về công bố thông tin, sự minh bạch, quyền và nghĩa vụ cổ đông, về hoạt động của hội đồng quản trị… Đó là những vấn đề đã được luật pháp và các chuẩn mực quốc tế quy định và chi phối (nên Group không tập trung vào phạm trù này).
Quản lý công ty là phạm trù liên quan đến các hoạt động quản lý, điều hành doanh nghiệp; là công việc mà CEO và các cấp quản lý ở các phòng ban, bộ phận phải làm. Họ cần được trang bị kiến thức, kỹ năng, thái độ; cần được chia sẻ kinh nghiệm…
Cần hiểu đúng vậy để không ngộ nhận là cái này quan trọng hơn cái kia, hay vai trò này cao hơn vai trò kia, các bạn nhé!
Chia sẻ của Long Nguyen Huu