Mục lục
Khi là chuyên viên marketing của một công ty, bạn quan tâm tới việc làm sao để sử dụng ngân sách đã được phân bổ theo kế hoạch để đạt được hiệu quả cao nhất (về chất lượng data, chi phí data, tỷ lệ chuyển đổi…).
Khi lên vị trí trưởng nhóm marketing hay cao hơn, vai trò của bạn thêm phần đề xuất phương án phân bổ ngân sách marketing tổng thể. Vậy dựa vào đâu để phương án ta đưa ra có đủ cơ sở luận, hãy cùng tham khảo góc nhìn của DuyMarx trong bài viết này nhé.
Dựa vào độ ưu tiên danh mục sản phẩm
Thường mỗi tháng hay quý, công ty sẽ có chiến lược đẩy mạnh một hoặc vài đầu sản phẩm nhất định trong toàn bộ danh mục sản phẩm.
Vậy hiển nhiên sự phân bổ ngân sách sẽ phải điều chỉnh theo kế hoạch kinh doanh này. Nhưng đến đây không có nghĩa chỉ hiểu đơn thuần là mục tiêu doanh số càng cao thì càng dồn nhiều ngân sách, vì ta phải cân nhắc mối tương quan với chi phí để có thêm một khách hàng mua sản phẩm đó là bao nhiêu.
Chẳng hạn, nếu theo kế hoạch sản phẩm A cần doanh thu là 200 triệu và CAC (Customer Acquisition Cost) bằng 500. 000 trong khi đó sản phẩm B cần đạt doanh thu 300 triệu nhưng CAC chỉ là 150. 000 thì theo bạn nên phân bổ ngân sách như thế nào để đạt mục tiêu cả hai sản phẩm này.
Dựa trên hành vi khách hàng là quan trọng hàng đầu
Bản chất là chúng ta muốn từng đồng ngân sách phải được sử dụng đúng nơi, đúng lúc và quan trọng hơn cả là đúng đối tượng nên yếu tố cần tham chiếu tiếp theo, đó là hành vi khách hàng. Nói đơn giản, khách hàng tập trung nhiều ở đâu thì dồn ngân sách nhiều ở đó.
Đúng hơn cả thì là khách hàng ra quyết định mua/đăng ký ở đâu nhiều thì dồn ngân sách về đó nhiều. Chẳng hạn sau khi rà soát các tháng trước, nhận thấy tuy fanpage nhận được nhiều tin nhắn nhưng đa phần thông tin đăng ký mua sản phẩm lại nảy sinh từ website, vậy quyết định được ngay sẽ dồn ngân sách kéo traffic về website chứ… Khoan đã, hãy cân nhắc yếu tố dưới đây.
Dựa cả vào tỷ lệ chuyển đổi trên từng kênh
Nối tiếp yếu tố trước, nếu mục tiêu là tăng độ nhận biết thương hiệu bằng việc tiếp cận tới càng nhiều người càng tốt thì các kênh mạng xã hội sẽ được dồn ngân sách.
Chuyển sang mục tiêu tối ưu hóa chi phí data thì bạn phải xem xét tỷ lệ chuyển đổi sang data của kênh nào đang hiệu quả hơn cả. Đó là website, hay landing page, hay Facebook, hay kênh YouTube, hay email marketing…
Nhưng lại một lần nữa, không nên nhìn phiếm diện rằng cứ kênh nào đổ nhiều data về thì chỉ việc dồn tiền vào đó là xong vì còn phải xem tại sao khách hàng lại truy cập tới kênh đích đó.
Giả sử theo thống kê thì website đạt chuyển đổi tốt nhất, nhưng nếu không dành ngân sách chạy tăng lượt thích fanpage hay tương tác bài viết hay xem video chứa link tới website thì liệu khách hàng có đủ hứng thú nhấp vô đường link đó không.
Dựa thêm độ dài thời gian và deadline chiến dịch
Hiểu đơn giản thì thời gian chạy càng dài thì càng tốn nhiều chi phí, đồng thời cũng phải ưu tiên dồn ngân sách cho các chiến dịch gần hạn deadline nhất.
Ví dụ nay là đầu tháng, công ty có một chương trình ưu đãi lớn nhất trong năm chạy đến giữa tháng và một sự kiện sẽ tổ chức vào cuối tháng sau nhưng truyền thông ngay từ bây giờ với quy mô dự kiến hơn ngàn người tham dự, vậy phương án phân bổ ngân sách cho cả hai chiến dịch này hẳn bạn đã có cho mình rồi.
Dựa nốt chiến lược marketing tổng thể của công ty
Sau cùng thì vẫn phải luôn nhớ lấy chiến lược marketing tổng thể làm trọng. Nếu công ty xác định đầu tư kênh bán hàng online là một website thương mại điện tử thì sẽ cần một phương án phân bổ ngân sách khác so với chiến lược tạo dựng cộng đồng, gây ảnh hưởng trên các mạng xã hội.
Với mô hình B2C bạn có thể vẽ đủ hình thức đốt ngân sách trên tất cả các kênh online, nhưng liệu tư duy đó có còn đúng với mô hình B2B hay C2C, C2B…
Kết luận thì tuy là người viết ra bài này, nhưng DuyMarx thừa nhận hầu như chúng ta đều dùng cảm tính và kinh nghiệm để lên kế hoạch hơn là dùng lý trí để phân tích đủ các dữ kiện hay yếu tố như nội dung trên.
Cũng khó, thôi thì cứ gõ ra một con số nào đấy trong sheet phân bổ ngân sách và rồi khi triển khai thì tùy cơ ứng biến sau, nghe có vẻ thuận tự nhiên và dễ dàng hơn nhiều nhỉ.
Chia sẻ của Nguyễn Công Duy