Mục lục
Vừa rồi về Hồ Chí Minh, cà phê tâm tình với mấy đứa bạn cũ. Mới thấy sao tụi nó than khổ nhiều quá, mà khổ nhất là công việc, là sếp.
Tui nghĩ chắc mấy nỗi khổ đó không phải là chuyện của riêng ai, nên nay biên bài này, chắc là hữu ích.
Bài này giúp cho ai?
- Những ai thường xuyên nghe lời, thực thi theo lời sếp nhưng sếp thì đổi đề bài liên tục, hoặc luôn yêu cầu thêm nữa, thêm nữa không thấy đất liền.
- Những ai làm nhiều nhưng sếp không ghi nhận, trong khi đứa làm ít (so với mình) thì được sếp ưu ái trọng dụng
- Những ai mới “nhập môn” Marketing, cần có cái nhìn rõ hơn về công việc này. Để ít làm khổ, làm khó sếp tương lai (vì biết đâu đó là tui).
Cuộc đời cho tui cái may mắn là được (hoặc bị) phỏng vấn, làm việc, đào tạo (hoặc sa thải) với khá nhiều “kiểu” nhân sự. Nhưng sau hết, quy kết chung lại thì tui thấy có 3 dạng nhân sự theo đánh giá của sếp mà thôi.
Ở trong khuôn khổ bài viết này, tui sẽ tạm không đề cập đến năng lực công việc bởi 2 nguyên nhân:
- Một là đối với tui, “thái độ quan trọng hơn trình độ”. Bởi vì trình độ thì dạy được, đào tạo được nhưng nếu thiếu một thái độ làm việc thì có giỏi mấy cũng khó dùng, thậm chí là phản tác dụng.
- Hai là, ở trong mỗi team thì mỗi người có một chuyên môn khác nhau, năng lực khác nhau do vậy đánh giá về năng lực là so sánh giữa nhân sự cùng chuyên môn mới chính xác chứ chuyên môn khác nhau thì chắc chắn so sánh khập khiễng.
Tui sẽ xếp thứ tự theo tỉ lệ thường thấy nhất (theo trải nghiệm cá nhân chịu khổ làm sếp của mình):
Dạng thứ nhất, Nhân Sự Được Việc (50%)
Đây là dạng nhân sự phổ biến nhất, dễ thấy nhất ở các công ty. Đặc điểm của nhóm này là luôn thuộc làu tâm pháp khẩu quyết: “Em xin hứa sẽ làm tốt những công việc được giao”.
Từ lúc phỏng vấn đã không làm mình thất vọng, và lúc làm cũng y chang như thế. Giao gì làm đó, chỉ đâu đánh đó. Yêu cầu bao nhiêu, làm đúng bấy nhiêu, không bao giờ thấy hơn cũng không bao giờ thấy kém.
Đặc điểm nhận dạng khi phỏng vấn, làm việc cùng: học sinh giỏi, sinh viên ưu tú nhưng hoạt động ngoài việc học thì khá nghèo nàn, không tự tin lắm, và đặc biệt là có rất nhiều…nỗi sợ, rào cản.
Vậy nhóm này có dễ dàng để được thăng tiến không? Xin thưa là không. Bởi vì sao?
- Thứ nhất vì nhân sự dạng này không khó để thay mới, chịu khó tìm là sẽ có người. Chẳng việc gì phải đưa vào một vị trí quan trọng hơn một nhân sự có thể dễ dàng thay mới.
- Thứ hai, dạng này làm “thợ” thì tốt chứ làm “thầy” thì chưa biết thế nào. Khi thăng tiến vị trí cao hơn, bạn cần có thêm các kỹ năng khác như nhân sự, quản lý chứ không phải cứ giỏi chuyên môn là sẽ làm được leader.
- Những người mà giỏi chuyên môn, giỏi luôn nhân sự và quản lý thì làm chủ doanh nghiệp cả rồi (hoặc không sớm thì muộn cũng sẽ như thế).
Người chỉ đâu đánh đó, bảo gì làm đó thường không có năng lực chia việc, giao việc. Đặt người thiếu năng lực vào sai chỗ là tội ác, tội ác với cả người đó và cả người được họ giao việc.
Việc trở thành một nhân sự được việc sẽ giúp bạn được lòng sếp, giúp bạn tồn tại ở công ty nhưng để phát triển thì có lẽ là không. Nếu là tui thì những nhân sự nhóm này muôn đời không bao giờ được thăng tiến (trừ khi biết thay đổi, học tập và cải tiến bản thân)
Dạng thứ hai, Nhân Sự “Giống” được việc (40%)
Dạng này thường trà trộn vào nhóm nhân viên gần gũi, thân thiện và được việc. Đặc điểm của nhóm này là đông, không kém gì nhóm nhân viên được việc trên nhưng chỉ khác là nhóm này luôn làm mọi thứ trễ nãi hơn, chậm hơn hay nói cách khác là kéo tổ chức đi thụt lùi.
Đặc điểm nhóm này là thích gần gũi với sếp (hơn các nhân sự khác) và rất hay khoe thành tích với sếp. Một số thể hiện ra bằng sự xu nịnh, quan tâm lo lắng cho sếp, đôi lúc có phần dính đến đời tư.
Đặc điểm nhận dạng khi phỏng vấn, làm việc cùng: Nói rất tốt, hoạt ngôn nhưng thường thực thi kém. Đơn giản như tui hỏi khi phỏng vấn:
- Em có thích đọc sách không?
- Em có thích, em quan tâm đến lĩnh vực Marketing ạ (tất nhiên, đang phỏng vấn vô vị trí mà)
- Vậy cuốn gần nhất em đọc là cuốn gì?
- Dạ, em cũng không nhớ rõ ạ, chỉ nhớ nó nói về Marketing (lộ nguyên hình chém gió)
- Ồ vậy em có nhớ điều gì tâm đắc nhất trong cuốn sách đó không?
- Dạ cuốn sách đó nói…blah blah (thường đến đây tui biết là chém gió rồi)
Nhóm này nên đi làm sale, chứ không nên làm Marketing. Bởi vì khả năng ứng biến quá tốt, cư xử khéo léo dễ được lòng người.
Vậy nhóm này có thăng tiến được không? Nếu là tui thì sẽ là khó, nhưng thực tế thì ngược lại.
Bởi vì được lòng của cấp trên, nên nhóm này dễ được cân nhắc hơn nhóm được việc (nhưng chỉ biết làm việc) và nhóm thứ 3 (nói ở phần sau). Họ thường xuyên biết cách lấy lòng, chiếm thiện cảm của sếp và khéo léo đổ lỗi, trách nhiệm khi công việc không như ý muốn.
Quả bóng trách nhiệm được họ chuyền đi như thể Messi đang trình diễn trên sân Nou Camp. Quả thực muốn trách họ cũng không trách được.
Vì cuối cùng trách họ thì sẽ trở thành lỗi của lãnh đạo, nói kiểu gì cũng sẽ thành như thế. Vả lại, thông tin từ nhóm này thường là thông tin tốt nên sếp thường thích thú nhận tin. Trong khi những thông tin nói về rào cản, vấn đề thường thì sếp rất bực mình, dần dà tạo ra cảm xúc không tốt.
Nếu nhóm này mà làm sếp thì công việc vẫn sẽ trôi chảy, với điều kiện đó là những công việc đơn giản, không có tính thử thách hay buộc phải đổi mới, sáng tạo, rủi ro. Chứ công việc mà yêu cầu cao thì họ chịu chết.
Kết quả là công ty cũng chịu chết theo. Nếu nhóm này mà lãnh đạo thì suốt ngày chỉ có bàn với họp thôi, còn thực thi triển khai thì chả thấy đâu.
Việc trở thành nhân sự “giống” được việc sẽ giúp bạn được thông cảm, yêu thương bởi sếp và có thể được cân nhắc nếu sếp đó mù mờ, lựa chọn nhân sự thăng tiến bằng cảm xúc.
Nếu thế thì bạn có thể được làm sếp trong 1 thời gian ngắn (hoặc đủ dài) trước khi công ty chết. Bởi vì không có công ty nào tồn tại bền vững và lâu dài với một người sếp như thế cả.
Nhóm cuối cùng, Nhân sự Ngôi Sao (10%)
Viết 10% là hơi nhiều chứ thực tế chắc chỉ 5% thôi. Nhóm này là nhóm nhất định phải giữ, nếu nó dốt thì phải đào tạo phát triển nó lên, chứ nó mà bỏ đi thì tập thể yếu xuống, đối thủ mạnh lên. Gãy cổ chỉ là chuyện sớm muộn.
Nhóm này là gì mà lại quan trọng như thế? Đây là nhóm vừa có khả năng làm tốt giống như nhân viên được việc, nhưng lại có thêm kỹ năng tư duy.
Đặc điểm của tụi này sẽ là hỏi rất nhiều, hỏi đến nỗi sếp hết muốn trả lời. Bởi vì nhóm này chỉ có thể làm tốt nhất một khi đã nắm rõ đề bài. Nhóm này không có “Ủa” với lại “Em tưởng…”
Nhận dạng nhóm này khi phỏng vấn hay làm việc đó là tự tin, dám thể hiện quan điểm và bảo vệ nó. Họ cũng tương tác nhiều trong quá trình làm việc. Giao việc cho nhóm này cực kỳ an tâm bởi vì lúc nào cũng làm vượt trên kỳ vọng.
Nếu như kêu làm 1 cái plan thì nó sẽ làm 1 cái theo yêu cầu của mình, rồi thêm 1 cái mà nó nghĩ là làm thế này sẽ tốt hơn. Kêu nó đi lấy báo giá thì nó sẽ kiếm vài bên, rồi so sánh bên nào mắc, bên nào rẻ, lý do vì sao rồi sau đó mới gợi ý lựa chọn.
Tiền bỏ ra trả lương cho nhóm này là xứng đáng nhất. Đơn giản vì nó đúng với tiêu chí “anh mướn mày để đưa giải pháp, chứ không phải để đưa vấn đề”.
Vấn đề lớn nhất là, nhóm này thường dễ bị sếp “mệt mỏi”, bởi vì hỏi quá nhiều. Sếp nào mà yếu yếu công lực là liệt vô nhóm phiền phức, bảo sao nghe vậy đi, hỏi nhiều mệt mỏi.
Đâm ra không có cơ hội để họ được làm, được thể hiện. Xong rồi một thì xin nghỉ vì chán, hai là trở thành con rô bốt giao gì làm đó, năng lực sáng tạo mòn dần theo thời gian.
Vậy nhân sự nhóm này có nên được thăng tiến hay không? Chắc chắn là có rồi. Sau thời gian đào tạo đủ để họ có kỹ năng quản lý và nhân sự. Đây là nhóm phù hợp nhất để trở thành lãnh đạo.
Họ làm việc luôn có sự sắp xếp và chuẩn bị kỹ lưỡng, plan luôn có option 2, plan B. Nếu gặp được sếp (tức là môi trường) phù hợp, họ sẽ làm việc như thể đó chính là doanh nghiệp của họ. Đây đúng nghĩa là nhân sự ngôi sao.
Việc trở thành nhân sự ngôi sao sẽ biến bạn trở thành ngôi sao sáng thực sự trong mắt của sếp. Và việc thăng tiến tất nhiên chỉ là hệ quả theo thời gian. Chỉ có sếp sợ nhân viên giỏi hơn mình mới không cho bạn cơ hội thăng tiến.
Mà với những sếp thế thì nên mạnh mẽ cương quyết, dứt áo ra đi tìm bến đỗ thực sự có cơ hội phát triển. Đừng ở lại vì mấy lời hứa hẹn và đường mật.
Vậy bạn đang nằm trong nhóm nào? Và làm sao để dịch chuyển trở thành ngôi sao và thăng tiến liên tục tại công ty? Nếu bạn là sếp, hãy bình luận xác nhận xem thực sự team mình đã có nhân sự ngôi sao hay chưa?
Chia sẻ của Thông Phan