Mục lục
Trước giai đoạn ra mắt sản phẩm, làm thế nào để thu hút sự quan tâm của công chúng là một trong các vấn đề không hề nhỏ mà ê-kíp truyền thông dự án cần giải quyết.
Không như các giai đoạn tiếp đằng sau đó như ra mắt sản phẩm, mở rộng kênh bán hay phát triển lượng người dùng, tối ưu chuyển đổi… thì giai đoạn vẫn hay gọi vui là “nhá hàng” (pre-launching) sẽ tập trung cho mục tiêu tạo được làn sóng quan tâm, hưởng ứng, chờ đợi đủ lớn để làm tiền đề cho buổi ra mắt thật sự hoành tráng.
Nhưng chẳng phải dù là sản phẩm công nghệ, thời trang, phim ảnh hay âm nhạc các thứ thì vẫn không thiếu những bom xịt (hiểu là quảng bá thì rầm rộ mà đến lúc ra mắt thì chẳng mấy ai quan tâm). Vậy “nhá hàng”, tư duy làm sao cho đúng chút, cùng DuyMarx chia sẻ góc nhìn nhé.
Mà nhá hàng là nhá cái gì đã ạ?
Mục tiêu của việc nhá hàng là phải khơi được làn sóng mong chờ đến ngày chính thức ra mắt sản phẩm, do vậy nhá hàng không thể đơn thuần chỉ là giới thiệu trước thông tin sản phẩm bởi như thế thì có gì đâu để khiến người ta hứng thú. Phải hút được sự chú ý của dư luận dù là cùng hay trái chiều, nhưng cụ thể thì dư luận (tức là cả chúng ta nữa đấy) dễ bị thu hút bởi những thứ gì nhỉ.
Để nhá hàng một chương trình như liveshow hay gameshow, người ta chụp một nhân vật bí ẩn đứng quay lưng lại trong bóng tối kèm một câu nói đủ khiến khán giả đoán già đoán non hoặc xuất hiện một người nổi tiếng trong hậu trường với một nét mặt không biết đang căng thẳng vì điều gì.
Để nhá hàng một địa điểm như nhà hàng hay khu du lịch, người ta thuê một studio quay dựng cảnh du khách đang được trải nghiệm một điều gì đó với biểu cảm rất gây tò mò, hoặc đơn giản là chụp cái menu món ăn kèm những cái tên gây hoang mang (mà giới trẻ dùng từ gây “lú” luôn cũng ngộ đấy).
Để nhá hàng một cuốn sách, người ta trích dẫn một câu nói hay chụp một trang khiến cho độc giả phải tò mò đoạn trước đó hay tiếp sau đó là gì, hoặc tổ chức bình chọn thiết kế ảnh bìa nào xứng đáng với cuốn sách hơn cả.
Để nhá hàng một bộ phim, người ta tung trailer với những tình tiết ngắt quãng, thoắt ẩn thoắt hiện một thứ gì đấy, mang máng đoán được phản diện rồi mà cũng không chắc có đúng thế không, tức mình chờ ngày ra rạp xem.
Để nhá hàng một bài nhạc, thường thì người ta đăng teaser nhưng đôi khi cũng giả vờ bị lộ một clip quay được trong studio một đoạn điệp khúc nghe bao phê.
Để nhá hàng một đồ công nghệ như smartphone hay laptop, người ta cũng giả vờ bị lộ thiết kế siêu mỏng hoặc cấu hình siêu khủng, rồi sau đó vài hôm lại nghe phong thanh hình như không phải thế.
Để nhá hàng một mẫu xe, người ta chụp cận cảnh một chi tiết thiết kế là cải tiến nổi bật nhất của dòng xe đó và tổ chức mini-game đoán xem đó là bộ phận gì…
Cơ mà quan trọng vẫn là sản phẩm có gì đáng tiết lộ?
Có thể thấy, tiết lộ cái gì đấy là thủ pháp nhá hàng kinh điển nhất. Dư luận thường cho rằng cái được tiết lộ là cái nổi bật của một sản phẩm hay chương trình, đến khi ra mắt hoặc công chiếu sẽ có xu hướng muốn kiểm chứng ngay hoặc thưởng thức điều đó một cách trọn vẹn.
Bởi vậy dễ nhận ra bản chất của một chiến dịch nhá hàng thành công là bản thân sản phẩm phải có điều gì đáng tiết lộ. Thế cái gì là mới là “đáng”, xem thử xem chi tiết đó có đủ hài hước, đủ phi lý, đủ hồi hộp, đủ nhầm tưởng, đủ xúc động, đủ phẫn nộ… hoặc có thể cắt nó dở dang đúng lúc khiến người ta đủ nôn nóng muốn biết kết cục ra sao. Vậy thế nào mới là “đủ”? Khó, chắc dựa vào độ nhạy bén của người làm truyền thông thôi nhỉ.
Sau cùng, dù là tiết lộ cái gì hay tiết lộ theo hình thức nào, lộ trước một tuần hay trước hẳn một năm… thì nhá hàng vẫn luôn là thủ pháp truyền thông hiệu quả với đa số khán giả nhưng đòi hỏi đội ngũ truyền thông phải cân nhắc chọn chi tiết đáng giá, tung ra ở thời điểm khôn ngoan cùng một kế hoạch rầm rộ hoá để hình thành làn sóng chú ý mạnh mẽ từ công chúng, khách hàng mục tiêu.
Tất nhiên mọi thứ luôn có rủi ro, nhất lại với khả năng suy diễn tài tình (đôi khi lên tới mức độ “không thể ngờ”) từ dư luận thì không khéo, nhá hàng sẽ trở thành dìm hàng đó ạ…
Chia sẻ của Nguyễn Công Duy