Mục lục
Content là một nghề sáng tạo, tuy nhiên áp lực “sáng tạo” khiến content creator thường rơi vào tình trạng bí ý tưởng, lặp đi lặp lại, gò bó và nhàm chán… dẫn đến bị khách hàng complain và hoang mang về nghề. Thú thật là mình cũng nhiều khi rơi vào tình trạng như thế, nên đã cố gắng list ra một vài chia sẻ dưới đây về cách mà mình sáng tạo và trụ được với nghề lâu dài nhé!
Luôn đặt ra những câu hỏi
Cách đơn giản để sáng tạo điều mới là đặt ra câu hỏi. Ở khâu tiếp cận sản phẩm để làm content, hãy đặt ra càng nhiều càng tốt câu hỏi cho sản phẩm và khách hàng. “Vì sao sản phẩm lại có công dụng này? Cơ chế hoạt động của nó là gì? Có chứng chỉ, tiêu chuẩn nào chứng minh điều đó? Quy trình hoạt động của nó là gì? Khách hàng thích nó ở điểm gì? Làm sao để khách hàng tin là sản phẩm có hiệu quả?,vv…….
Kể cả khi rơi vào bế tắc, cũng tự hỏi điều gì đã khiến mình rơi vào tình trạng này, mình đã thực sự khai thác hết góc cạnh sản phẩm? Khách hàng thực tế họ đang kỳ vọng điều gì? Hãy cứ đặt câu hỏi một cách vô thức và dồn dập mà chưa cần biết câu trả lời. Quá trình từ từ tìm lời giải cũng chính là quá trình tư duy sáng tạo.
“Quan sát” sản phẩm ở nhiều góc độ
“Quan sát” ở đây dành cho cả nghĩa đen và nghĩa bóng, bạn vừa cầm sờ nắm sản phẩm để cảm nhận bằng giác quan, vừa tư duy về nó. Nhiều góc độ, chúng ta có chiều ngang, chiều dọc, chiều sâu…Nói đơn giản, bạn hãy đặt sản phẩm ở nhiều góc độ, ngữ cảnh khác nhau.
Sản phẩm trong góc độ vật lý đơn thuần thì thế nào (bao bì, kiểu dáng, mùi hương,….” Sản phẩm tạo cảm giác hay suy nghĩ gì cho khách hàng vào lần đầu thử. Sản phẩm đặt trong hệ quy chiếu với các sản phẩm đối thủ, với ngành, với thị trường thương mại điện tử…Việc quan sát sản phẩm ở nhiều góc độ sẽ giúp bạn khám phá ra được những ĐIỂM KHAI THÁC đặc biệt đáng giá trong quá trình sáng tạo.
Lắng nghe
Có một điều thú vị trong rất nhiều năm làm nghề mà mình rút ra đấy là hãy cố gắng lắng nghe khách hàng (client) của mình nói về sản phẩm. Bạn sẽ được nghe những câu chuyện nghề, những tâm huyết, ý tưởng, thai nghén, những câu nói hay về sản phẩm, những điểm độc đáo của sản phẩm, hậu trường làm ra sản phẩm…
Khi lắng nghe những chia sẻ này, những người sáng tạo content sẽ rút ra được rất nhiều ý tưởng hay ho mới lạ mà bạn sẽ không bao giờ bằng kinh nghiệm hay trí thông minh sáng tạo của mình mà viết ra được. Từ đó, bạn sẽ có thêm cực kỳ nhiều vốn hiểu biết, vốn sống và cảm thấy nghề content không hề nhàm chán!
Học cách không – Hài – Lòng
Content là một nghề có tốc độ thay đổi nhanh đến chóng mặt theo các xu thế chung của truyền thông – tiếp thị và mạng xã hội. Content ngày hôm nay hay, ngày mai có thể đã có trend mới khiến nó lu mờ, ngày hôm nay hay, ngày mai có thể đã bị copy ra 1000 bản khiến nó ko còn giá trị.
Điểm chết của một người làm content là đứng yên một chỗ và hài lòng rằng mình đã viết hay, làm đẹp… Những người làm content hay rơi vào trạng thái stress, gò bó khó chịu là do từ ban đầu họ đã chưa chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc chiến trong thế giới sáng tạo mà họ phải nỗ lực từng ngày, thậm chí từng giờ. Hãy đọc sách nhiều hơn, tham khảo nhiều bài viết hay, follows nhiều người sáng tạo giỏi… bạn sẽ trở thành một “nhân tố đáng gờm” trong thế giới sáng tạo đó.
Sáng tạo theo công thức
Nghe hơi ngược đời. Nhưng mà từ từ đã… Sáng tạo cũng cần có logic và content cũng cần có công thức đấy! Nếu bạn “thả trôi” ý tưởng theo kiểu mỗi ngày nghĩ ra cái gì mới thì viết, thích thiết kế ảnh thế nào thì làm thì chắc chắc bạn không trụ nổi 1 tuần!
Ý tưởng sáng tạo là vô hạn, nhưng nó cần được xếp vào các ngăn chứa chứ không phải vứt lộn xộn rồi không kiểm soát được những gì mình đã nghĩ. Hãy chia các chủ đề cần sáng tạo vào những “chiếc hộp” content khác nhau:
- Hộp giới thiệu
- Hộp tư vấn
- Hộp quảng cáo
- Hộp khách hàng
- Hộp minigame….
Mỗi ngày hãy mở từ 1-2 hộp, tập trung sáng tạo trong phạm vi của nó, từ đó bạn sẽ tránh tình trạng lặp lại nhau, bạn cũng dễ dàng phát hiện trong từng hộp mình đã làm về đề tài gì và chưa làm đề tài gì. Tương tự như thế, form viết, style thiết kế, định dạng video…. Cũng có những “chiếc hộp” riêng của nó. Hãy sắp xếp gọn gàng trước khi bắt đầu sáng tạo nhé!
Chia sẻ của Bùi Lê Mỹ Dung