Cùng Cô nghe những chia sẻ của anh Lê Mạnh Chung, chủ Shop HAPAS với gần 300, 000 lượt theo dõi tại Shopee với 9 cửa hàng bán lẻ mặt hàng thời trang nữ: túi xách, giày dép. Anh sẽ có lời khuyên gì cho các Shop về thời buổi cạnh tranh như hiện nay? (Bài viết khá dài, nhưng cô tin các Shop sẽ có được những lời khuyên cho riêng mình nếu đọc đến cuối nhé)
Anh có thể giới thiệu sơ qua về bản thân cũng như Shop của anh được không ạ?
Mình là Chung, sinh năm 1988, mình tốt nghiệp Đại học KTQD. Sau khi ra trường, mình có kinh nghiệm 3 năm làm nhân viên Sale, cũng nhảy nhiều công ty khác nhau, đủ các lĩnh vực như: Thương Mại Điện Tử (Vatgia. com), Camera… vv. Do có thời gian ngắn làm trong lĩnh vực Thương mại điện tử , nên mình cũng có chút ít kinh nghiệm về các nền tảng Online như Thương mại điện tử , Facebook, Google ads. Tuy không nhiều, nhưng cũng giúp mình 1 phần để sau này có thể tiếp thu các kiến thức Social Media dễ hơn.
Shop mình có thương hiệu ban đầu là HÀ TÚI (vợ mình tên Hà và bán Túi nên lấy luôn tên này), sau khi cưới thì mình cũng nghỉ việc ở công ty và về tự kinh doanh mở cửa hàng cùng vợ. Sau vài năm vật lộn với đủ thuận lợi, khó khăn… thì cũng phát triển từ con số 0 lên 9 Cửa Hàng bán lẻ, và đổi tên thương hiệu thành HAPAS, nhằm mục đích chuyên nghiệp và có thể bán được nhiều sản phẩm hơn. Hiện tại bên mình kinh doanh 2 dòng sản phẩm chính là Túi xách & Giày dép nữ.
Cơ duyên nào đã mang anh đến với Shopee ạ? Ngày đầu bán hàng tại Shopee anh đã gặp khó khăn gì không ạ?
Mình biết tới các nền tảng Thương mại điện tử khá sớm, từ năm 2016 mình đã tiếp xúc với các nền tảng như Lazada, Shopee.. rồi, tuy nhiên trong giai đoạn này mình vẫn chưa khởi tạo gian hàng trên các nền tảng Thương mại điện tử này, vì các khó khăn trong vấn đề giấy tờ hàng hoá, bản quyền thương hiệu… vv. Giai đoạn đó mình cũng tập trung nhiều vào phát triển mảng Offline hơn, nên gần như kênh Online bên mình vẫn chưa có hoạt động gì.
Tới cuối năm 2019, với sự phát triển nhanh chóng của các sàn Thương mại điện tử , mình mới bắt đầu chú ý tới và tiến hành khởi tạo gian hàng và chính thức kinh doanh trên sàn Thương mại điện tử.
Tuy nhiên mọi thứ cũng không dễ dàng như mình nghĩ, gặp rất nhiều khó khăn, trong đó nổi cộm là 2 vấn đề
Sự cạnh tranh về Giá: Loại hình mình tham gia là Shop Yêu Thích (dành cho các Hộ KD &ngườibán hàng nhỏ lẻ), nên giá bán trên sàn cực kỳ thấp, đôi khi giá bán của các Seller trên sàn còn thấp hơn cả giá mình nhập hàng tại các đầu mối trong nước.
Mâu thuẫn giữa kênh Offline (CH truyền thống) & Online: Đây là vấn đề nan giải với tất cả các chuỗi bán lẻ truyền thống khi tham gia thị trường Thương mại điện tử , tuy có ưu điểm về nhận diện thương hiệu, vận hành hệ thống, nhưng ngược lại sẽ xảy ra các Mâu Thuẫn lớn về: Sản phẩm, Giá cả, Chiến lược Marketing, Doanh thu CH Bán Lẻ… là những bài toán cực kỳ khó, mà tất cả các Brand truyền thống gặp phải.
Ngay cả thời điểm hiện tại, sau 2 năm bán trên sàn, mình tin mình và các Brand Bán Lẻ truyền thống khác, vẫn gặp rất rất nhiều khó khăn khi giải quyết các vấn đề này.
Cũng bởi vì gặp nhiều khó khăn như vậy, nên trong khoảng thời gian 1 năm đầu khi bán trên Shopee, doanh thu bên mình vẫn chỉ lẹt đẹt, dừng ở mức vài chục triệu/1 tháng. Kênh bán lẻ trực tiếp vẫn là nguồn doanh thu chính & quan trọng nhất của bên mình.
Mọi chuyện hoàn toàn thay đổi vào T3/2020, khi Covid bắt đầu xuất hiện. Doanh thu bán lẻ ngay lập tức sụt giảm không phanh, Team Marketing cũng nghỉ việc tới 90%, khi đó mình phải trực tiếp bắt tay vào tìm hiểu và học hỏi lại các kiến thức xây dựng và phát triển Thương mại điện tử 1 cách bài bản và chuyên nghiệp hơn.
Áp lực và khó khăn khi đó cũng rất nhiều do doanh thu liên tục thua lỗ, kinh nghiệm trên Shopee của mình là con số 0, vừa phải quản lý công ty vừa phải tự học kiến thức Thương mại điện tử , trong khi nhân sự không còn ai, mình phải tuyển dụng và xây dựng lại Team từ những vấn đề nhỏ nhất như Chụp hình, stylist, retouch, nhập hàng, sản phẩm, giá cả, chạy ads… vv
Rất nhiều khó khăn, nhưng rồi dần dần mọi thứ cũng ổn hơn.
Vì sao anh lại chọn theo đuổi ngành hàng hiện tại? Theo anh đâu là điểm đặc biệt và ưu thế của Shop so với các Shop khác cùng ngành hàng
Lý do mình lựa chọn theo đuổi ngành hàng hiện tại, thật ra mình không hề lựa chọn vì thật ra đây là lĩnh vực mà vợ mình đã kinh doanh từ trước, và mình chỉ làm cùng. Nên vô tình đây thành lĩnh vực kinh doanh mà hiện tại mình vẫn đang theo đuổi.
Khi tham gia bất kỳ thị trường nào, dù là ở Hà Nội hay TP HCM, Online hay Offline… thì mình nghĩ vấn đề phân tích thị trường, nghiên cứu đối thủ & đưa ra chiến lược cạnh tranh là 1 điều cực kỳ quan trọng. Ví dụ như trên sàn TĐMT, lĩnh vực của mình cũng có nhiều điểm tương đồng với thị trường bán lẻ truyền thống. Đấy là sự phân mảnh rất lớn của thị trường, không có shop nào hoàn toàn thống lĩnh được thị trường, sự cạnh tranh được dàn trải rất rộng từ các shop yêu thích cho tới các shop mall, từ thương hiệu lớn cho tới các thương hiệu nhỏ. Vì chưa có ai thống lĩnh, nên thị trường vẫn còn rất mở và nhiều cơ hội.
Tuy nhiên shop mình may mắn vẫn có 1 vài ưu thế so với các shop khác như
Đầu tiên là đối thủ: Các đối thủ chủ yếu hiện tại của mình, cũng có quy mô tương đối nhỏ và vẫn đang trong quá trình phát triển giống bên mình. Nhiều chuỗi & thương hiệu lớn, vẫn chưa để ý hoặc làm chưa chú ý hoàn toàn vào thị trường Thương mại điện tử , nên thị trường vẫn còn tương đối mở.
Về sản phẩm: Bên mình phát triển song song cả túi xách và giày dép, trong khi các Shop khác trên sàn chỉ phát triển 1 trong 2 lĩnh vực đó, vậy nên số lượng sản phẩm và tệp khách hàng bên mình được mở rộng hơn.
Về thời điểm tham gia: Thời điểm mình tham gia tuy không phải là sớm, nhưng vẫn chưa phải quá muộn, mình nghĩ tới năm 2025. Khi thị trường Thương mại điện tử đã phát triển tới ngưỡng cao nhất, lúc đó các Brand muốn tham gia vào thị trường này có lẽ đã quá muộn, và thị phần – định vị của các Brand trên sàn đã được phân tách khá rõ ràng.
Anh hãy cho một lời khuyên cho những bạn trẻ vừa khởi nghiệp bán hàng Shopee mà anh đã học được
Có 1 điều có lẽ chúng ta đều biết, thị trường Thương mại điện tử sẽ còn tiếp tục phát triển với tốc độ cực nhanh trong vòng 3-4 năm tới, vì vậy thời điểm này vẫn còn rất nhiều cơ hội cho các bạn phát triển trên shopee. Còn sau năm 2025, khi đó nếu chúng ta mới tham gia, thì có lẽ chỉ còn nhặt được những miếng vụn bánh rơi rớt còn lại.
Vì vậy theo mình
Hãy tham gia bán hàng trên nền tảng Thương mại điện tử (đặc biệt là Shopee) càng sớm càng tốt.
Hãy nghiên cứu kỹ thị trường, sản phẩm, và áp dụng nguyên lý vòng tròn con nhím để chọn hướng đi phù hợp. Đây là điều cực kỳ quan trọng, mình khuyên bạn nên dành thật nhiều thời gian, suy nghĩ & tìm hiểu thật kỹ trước khi chính thức bắt tay vào khởi nghiệp. Xác định sai thị trường, đánh giá thấp đối thủ, không hiểu rõ sản phẩm, không nắm được điểm mạnh của bản thân hay công ty… dù là mắc lỗi sai nào, cũng khiến khả năng thất bại của bạn tăng lên rất rất cao.
Nếu bạn đã chọn xong sản phẩm và đang kinh doanh: Bạn cần xác định rõ chiến lược của mình Cạnh tranh giá rẻ và thu lợi nhuận bằng yếu tố vận hành thật tốt, tiết kiệm tối đa. Hay là cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm, và thu lợi dựa trên thương hiệu, uy tín.. của sản phẩm. Dù là cách nào bạn cũng cần là người làm tốt nhất trên sàn.
Hãy tập trung nhiều vào nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, nâng cao trải nghiệm mua hàng. Đó là những thứ khó làm, khó bắt chước và đem lại hiệu quả lâu dài… chứ không phải các thủ thuật, tip, trick… dù có thể mang lại lợi ích ngắn hạn nhưng mình nghĩ không thể phát triển bền vững được.
Anh nghĩ thành quả lớn nhất của anh sau khi bán hàng tại sàn là gì?
Sau 2 năm bán trên sàn, thành quả minh thu được nhiều nhất không phải doanh thu hay lợi nhuận, mà là kinh nghiệm, kiến thức và đặc biệt là định vị thương hiệu trên sàn Thương mại điện tử. Thị trường của mình vẫn còn rất mở, và mình cũng như các Brand khác vẫn còn rất rất nhiều cơ hội để tăng trưởng doanh số, và củng cố thương hiệu vững chắc trên sàn Shopee.
Giai đoạn dịch bệnh khiến các Shop khó khăn về mặt vận chuyển, anh có lời khuyên gì cho tình hình hiện tại không?
- Hiện tại, do dịch bệnh căng thẳng. Nên tình hình vận chuyển gặp rất nhiều khó khăn. Theo mình, các bạn có thể khắc phục bằng các cách như
- Thường xuyên cập nhật tình trạng giao hàng ở các tỉnh thành xảy ra có dịch
- Kiểm tra địa chỉ trước khi gửi hàng kỹ càng hơn nhằm tránh vấn đề hàng hoàn.
- Cắt cử riêng 1 bạn để theo dõi kỹ đơn hàng, trạng thái,.. nhằm xử lý triệt để các vấn đề phát sinh.
Nếu với các shop mà nằm hoàn toàn trong vùng dịch, bị phong tỏa hoàn toàn, không thể giao nhận hàng được, nên dành thời gian đào tạo, kaizen lại quy trình,.. để khi shop trở lại hoạt động bình thường, shop của bạn vẫn có những sự phát triển nhất định ít nhất là về mặt vận hành.
Không có con đường nào là dễ dàng cho tất cả, thành công sẽ dành cho người biết nỗ lực và kiên trì. Hãy lưu lại những mẹo vận hành từ anh Chung trong giai đoạn dịch bệnh này như một cẩm nang để vượt qua mùa dịch an toàn Shop nhé.
Chia sẻ của Hoài Anh