Mục lục
Truyền miệng hay còn gọi là tiếp thị lan truyền thật ra bản chất của nó là B2C2C, tức là chúng ta mong muốn khách hàng của chúng ta sẽ mang câu chuyện của chúng ta, thông điệp của chúng ta kể cho bạn bè của họ, những người mà họ-nghĩ-là-khách-hàng-tiềm-năng của chúng ta.
Trong khuôn khổ giờ…nghỉ trưa, tôi sẽ chia sẻ một lĩnh vực cụ thể ở đây là ăn uống, ẩm thực (đơn giản vì tôi thích ăn uống).
Như đã nói ở trên, bản chất ở đây là B2C2C, tức là bạn đang mong muốn người khác truyền miệng và nói về bạn. Và sâu xa hơn, bạn phải biết được họ sẽ nói gì về bạn.”Nếu bạn không tự vẽ chân dung của mình, người khác sẽ làm thay bạn”.
Thế nên bạn sẽ phải liệt kê càng chi tiết càng tốt những điều mà bạn mong muốn khách hàng nói về bạn. Bạn muốn họ nói gì?
- Đồ ăn của cửa hàng của bạn rất ngon.
- Giá cả rất phải chăng.
- Thích hợp cho các nhóm đông người.
- Có món ăn đặc biệt.
- v.v…
Sự thật là thứ bạn mong muốn khách hàng nhớ đến là quá nhiều, và tôi chắc chắn là không ai có thể nhớ chừng ấy thứ. Nhưng tôi vẫn mong các bạn viết ra, và đối chiếu nó với thực trạng của quán ăn các bạn.
Điều gì ở quán các bạn được khách hàng yêu thích nhất? Điều nào bạn muốn khách hàng nhớ nhất? Hãy xác định và chọn ra một-và-chỉ-một điều đơn giản và ngắn gọn nhất thôi. (Vì sao thì để bài khác nói)
Vậy BƯỚC 1 đã làm: Xác định điều bạn mong muốn người dùng nói về bạn
Tôi sẽ lấy ví dụ ở đây là tôi muốn khách hàng nhớ đến quán của tôi là quán tôi có bạch tuộc nướng rất ngon. Tất nhiên câu chuyện của tôi sẽ không thể lan truyền rộng rãi nếu như chỉ có một mình tôi nói về điều đó.
Tôi sẽ phải tìm nhiều người tham gia vào câu chuyện này và tạo điều kiện cho nó lan rộng ra tới nhiều người khác nữa. Đó là điều mà bạn và tôi phải làm. Nhưng bằng cách nào khi chúng ta đang rất-không-có-tiền?
Có một cách rất đơn giản, đó là tận dụng nguồn lực đang có của bạn, đó chính là khách hàng, là bạn bè của họ. Hãy tạo điều kiện cho họ nói về bạn, hãy khuyến khích họ làm điều đó.
Đừng để khách hàng rời khỏi quán ăn của bạn với tay không, hãy cho họ một tấm thiệp nhỏ cảm ơn với mặt sau lưng là đôi lời giới thiệu về quán, hãy cho họ một tấm thẻ giảm giá khi đi chung với bạn bè quay trở lại.
Tóm lại, hãy cho họ một điều thú vị, một cảm xúc, một lý do để họ có thể nói về bạn và về cái câu chuyện bạn đang mong chờ.
Lúc này tôi sẽ tặng cho mỗi thực khách rời khỏi của hàng của tôi hai tấm thẻ cảm ơn xinh xắn nhỏ nho cùng lời đề nghị họ đăng tải trên Facebook cá nhân, và tôi sẽ cố gắng làm cho họ cảm thấy bất ngờ vì điều đó, bởi vì mặt sau là tấm hình tôi chụp ảnh lúc họ đang vui vẻ cùng bạn bè với miếng bạch tuộc nướng trên tay
(đây là điều tôi muốn họ nói về).
Sở dĩ có đến 2 tấm thẻ cảm ơn là bởi vì tôi muốn họ gửi tấm thẻ đó cho bạn bè của họ và nói về điều thú vị này đã diễn ra ở quán ăn của tôi,
và cũng có thể họ sẽ đăng tải tấm thẻ cảm ơn cùng thông tin hoặc hình ảnh của quán ăn của tôi lên mạng xã hội và bạn bè của họ cũng sẽ thấy, nhưng hơn hết, khả năng mà họ quay lại quán của tôi cùng bạn bè của họ sẽ là rất cao.
Vậy BƯỚC 2 đã làm: cho khách hàng lý do để họ nói về bạn
Nhưng nếu chỉ bấy nhiêu thôi vẫn chưa đủ, bởi đâu phải khách hàng nào cũng sẽ đăng tải hoặc cảm thấy thích thú trước những tấm thiệp cảm ơn của bạn, hay những hình ảnh bạn chộp lén lúc họ đang nhồm nhoàm món bạch tuộc trong miệng?
Thế nên bạn chỉ có thể tiếp cận thêm được khách hàng mới thôi chứ việc thông điệp bạn mong muốn được lan tỏa trong giới khách hàng của bạn thì vẫn chưa.
Vậy chúng ta cần phải làm gì tiếp theo để có thể nhân rộng hiệu quả chiến dịch này?
Chúng ta cần tìm đến những người chủ chốt, những người quan trọng theo nguyên tắc số ít được đề cập trong cuốn Nguyên Lý Điểm Bùng Phát (đây là một quyển sách hay, các bạn nên đọc nếu có thời gian).
Những người này có thể là những người được nhiều người biết đến, những người được sự tín nhiệm của số đông về một lĩnh vực cụ thể, những người chuyên gia,v.v…
Trong tình huống chúng ta đang đề cập tôi sẽ lựa chọn những người được nhiều người biết đến, lý do là vì thông điệp tôi đang muốn truyền tải là một món ăn rất phổ thông, món bạch tuộc nướng.
Vậy thì tôi sẽ cố gắng mời những nhân vật được nhiều người biết tới, ở trong nhóm khách hàng mục tiêu của tôi càng tốt, có thể là An Nguy, Toàn Shinoda, hoặc ai đó tôi biết mà tôi nghĩ là họ có thể cũng thích ăn (cái này nghiên cứu chưa kĩ nên tôi không nói sâu).
Tôi sẽ mời họ tới, chiêu đãi họ những gì tôi có, tặng cho họ những tấm thiệp, vài lời cảm ơn, xin của họ vài tấm hình, vài lời bình luận, hỏi xem họ nghĩ bạn bè của họ có ai thích món này không,v.v…
nói chung tất cả những thứ có thể sử dụng làm nguyên liệu truyền thông tôi sẽ xin hết. Để nếu họ có không đăng tải lên Facebook cá nhân của họ thì tôi sẽ…làm việc đó giúp luôn .(Tận dụng nguồn lực đang có) Và tất nhiên là không xa rời thông điệp bạch tuộc nướng bạn đã đề ra, nhớ là phải nhất quán.
Vậy BƯỚC 3 đã làm: Tạo điều kiện cho thông điệp lan tỏa
Nói thật chứ làm được 3 bước trên thôi chắc quán không đủ chỗ phục vụ khách hàng rồi, lại còn phải xử lý khủng hoảng truyền thông vì khách phàn nàn tới chờ quá lâu, không có chỗ ngồi, phục vụ tệ,v.v… Nhưng mà nếu làm thêm cái này nữa chắc sẽ bá đạo hơn.
Cũng giống như nói chuyện bình thường, sẽ rất thú vị khi bạn đang nói xấu về ai đó mà người ta lù lù xuất hiện sau lưng bạn, câu chuyện đó sẽ tiếp tục và một cách sôi nổi hơn.
Thì ở đây cũng thế, khi khách hàng đang nói về bạn và bạn xuất hiện trong câu chuyện đó, câu chuyện sẽ trở nên sinh động và bất ngờ hơn với sự xuất hiện của bạn.
Bạn sẽ khiến người dùng thú vị và muốn nói nhiều hơn, chứ không phải là chỉ chấm dứt chủ đề về bạn và chuyển sang chủ đề khác và sẽ tỉ lệ người dùng nhớ về bạn sau khi kết thúc cuộc hội thoại sẽ cao hơn.
Bởi vì khi người dùng nói chuyện với nhau thì họ nói về rất nhiều chuyện, đâu phải mỗi mình bạn, bạn biết mà
Thế làm thế nào để xuất hiện trong những cuộc nói chuyện như thế? Hãy sử dụng những công cụ theo dõi trên mạng xã hội, những công cụ theo dõi bạn đang được đề cập ở đâu, và xuất hiện ở đó, phản hồi họ, và mời hết về…quán ăn giải quyết.
Có khá nhiều những công cụ như thế (tất nhiên là có phí) trên Google, gõ 2 giây là ra.
Vậy BƯỚC 4 đã làm: Tham gia vào cuộc đối thoại và điều hướng nó
Tới đây thì cũng gần như là đủ rồi, chỉ thiếu rất nhiều bước nhỏ nhỏ nữa thôi (tại hết giờ trưa rồi, viết được nhiêu đây thôi). Nhưng tôi muốn nhắc với các bạn là, cho dù bạn có làm hết tất cả những điều kể trên, chiến dịch lan truyền của bạn chưa chắc đã thành công, bởi vì còn rất nhiều yếu tố khác chưa được phân tích đến.
Không phải cứ làm Chim Ngu là được nổi tiếng như anh Đông đâu
Vậy nên, đừng cố gắng điều khiển sự lan truyền tự nhiên, không làm được đâu. Nhưng mà có thể làm cho xác suất trúng số tăng lên nếu bạn làm được mấy điều trên (và mấy điều khác bài sau viết), vậy đó.
Làm hết mớ đó cũng tăng doanh thu được khá khá rồi, tới lúc đó chắc cũng chả cần nhớ lan truyền làm gì, lan truyền quá quán bán không đủ chỗ cũng như không, vừa phải được rồi.
Chia sẻ của Thông Phan