Mục lục
Bài 45 trong Series “QUẢN LÝ LINH HOẠT”
Trong mỗi cuộc khủng hoảng, trạng thái tinh thần của chúng ta dường như chỉ làm trầm trọng thêm tình hình. Khi Covid-19 thống trị toàn bộ tin tức trên thế giới, tất cả chúng ta đều chịu tác động ghê gớm của nó. Mọi người đều lo lắng và cảm thấy bất an.
Với tư cách là CEO của một công ty chuyên giúp các tổ chức và doanh nghiệp giải phóng tư duy để quản lý và làm việc theo cách mới linh hoạt, tôi muốn chia sẻ với các bạn lý do vì sao tâm trí của chúng ta lại hoạt động theo cách đó và thế nào để thay đổi được điều này?
Xu hướng tự nhiên của con người là bị phân tâm, ngay cả khi không có những tin tức xấu (theo một nghiên cứu có đến gần 60% nhân viên không có khả năng điều chỉnh sự chú ý của họ trong công việc). Tâm trí của chúng ta dễ đặt vào những suy nghĩ tiêu cực khi chúng ta phân tâm. Trong thời kỳ khủng hoảng xu hướng này trở nên trầm trọng hơn bởi cảm giác sợ hãi và bất lực.
Trạng thái tâm lý này kích hoạt một phản ứng dây chuyền. Nỗi sợ hãi làm tầm nhìn của chúng ta bị thu hẹp, chúng ta không nhìn thấy bức tranh lớn hay những yếu tố tích cực dẫn đến hạn chế sự sáng tạo hoặc có những phản ứng sai. Khi tầm nhìn bị thu hẹp lại chúng ta cũng có xu hướng thu hẹp sự kết nối với nhau lại và cảm giác bị cô lập càng làm mọi người càng lo lắng hơn.
Quan sát những gì diễn ra gần đây, bạn sẽ nhận ra rằng, đại dịch ập đến bất ngờ, không ai có sự chuẩn bị trước, chúng ta không kiểm soát được khi nó đến, giống như người bị đâm một nhát từ phía sau. Những hệ lụy của nó làm cuộc sống bị đảo lộn, kinh doanh đình trệ, thiếu thốn một số hàng tiêu dùng thiết yếu…
Nhưng nhát đâm thứ hai, mạnh hơn, làm chúng ta đau hơn, đó chính là sự lo lắng của chính chúng ta: Lo bản thân và những người thân yêu nhiễm bệnh, lo suy thoái kinh tế, lo xã hội bất ổn… những nỗi lo lắng này là do các phương tiện truyền thông xã hội ngập những tin tức đen tối – phần lớn là do chính chúng ta tạo ra.
Nếu nghĩ một cách thấu đáo, bạn sẽ thấy cú đâm đầu tiên là không thể tránh khỏi, nhưng cú đâm thứ hai lại là do cách chúng ta phản ứng với nhát dao đầu tiên tạo ra – chúng ta hoàn toàn có thể điều khiển nhát đâm thứ hai này. Cảm xúc tâm lý và phản ứng của chúng ta đối với khủng hoảng là tự nhiên và rất con người nhưng chúng khiến mọi người rối trí và không thể có hành động đúng đắn nhất.
Vậy chúng ta cần làm gì để hồi phục lại tinh thần sau cú đâm thứ nhất và tránh đón nhận cú đâm thứ hai? Đây là một số cách mà các bạn nên làm:
Hãy bình tâm
Giữ cho tâm trí bình tĩnh trong khủng hoảng là vô cùng quan trọng. Khi bạn bình tĩnh, bạn có thể quan sát những gì diễn ra xung quanh. Bạn sẽ tỉnh táo nhận ra đâu là facts đâu là những tin tức đang bị đẩy quá lên để tâm trí bạn không bị mắc kẹt trong nó.
Hãy thực hiện một số bài tập để luyện tâm trí như tập yoga, nghe nhạc… Dù ở quy mô cá nhân hay toàn cầu, chỉ có sự bình tâm mới giúp chúng ta vượt qua được khủng hoảng.
Hãy thư giãn nhiều hơn
Sự tuyệt vọng và sợ hãi có thể dẫn đến phản ứng thái quá. Hãy làm bất kỳ việc gì khiến bạn cảm thấy thoải mái thay vì ngồi một chỗ, nạp vào đầu những tin tức xấu và đẩy sự lo lắng leo thang. Bản thân tôi những ngày đầu khi mới có dịch đã khá chán nản và thất vọng vì nhiều kế hoạch làm việc với khách hàng bị ảnh hưởng.
Tôi đã cố gắng làm việc ít hơn và dành nhiều thời gian chăm sóc vườn tược và suy ngẫm về những gì tôi có thể làm thay vì lo lắng đến những điều tồi tệ nhất chưa chắc đã xảy ra. Khi thư giãn tôi đã có thể tìm thấy câu trả lời rõ ràng hơn về cách tốt nhất để tiến về phía trước và tập trung vào những việc quan trọng tôi có thể làm cho khách hàng giúp họ vượt qua khủng hoảng và cho gia đình mình.
Hãy chia sẻ, kết nối với mọi người
Ngày hôm nay New Zealand chính thức đóng cửa hoàn toàn (ngoại trừ những nơi cung cấp các dịch vụ thiết yếu như các bệnh viện, siêu thị, nhà thuốc…) để ngăn chặn sự lây lan của virus. Các trường học bị đóng cửa, các sự kiện bị hủy bỏ, các doanh nghiệp đóng cửa, toàn dân tự cách ly trong nhà.
Tôi e rằng ở nhiều quốc gia khác sớm muộn cũng sẽ phải làm điều tương tự. Điều này sẽ tạo ra cảm giác cô lập và làm tăng nỗi lo lắng của mọi người. Hơn nữa, cảm giác bất an và sợ hãi sẽ làm cho một số người tìm cách đổ lỗi cho những người nhiễm virus.
Những suy nghĩ đen tối, sự kỳ thị… làm mọi người quên rằng tất cả chúng ta cùng ở trong tình trạng mong manh ra sao và chúng ta phụ thuộc vào nhau như thế nào.
Với sự hỗ trợ của công nghệ, bạn có thể tạo ra những kết nối có ý nghĩa bất kể bạn đang ở đâu trên hành tinh này. Hãy quan tâm đến những người khác, đến hàng xóm, đồng nghiệp của bạn… Hãy bắt đầu bằng lòng trắc ẩn, hãy tự hỏi mình: Tôi có thể giúp được ai, bằng cách nào để người này có một ngày tốt hơn?
Hãy bắt đầu bằng những câu hỏi đơn giản đó, tôi tin rằng những điều kỳ diệu sẽ xảy ra. Khi tâm trí chúng ta mở rộng và kết nối với những người khác chúng ta sẽ khám phá những khả năng cho bản thân và những người khác.
Hãy nắm tay nhau vượt qua cơn khủng hoảng này. Together we’re stronger! Chúc chúng ta sớm vượt qua khủng hoảng.
Chia sẻ của Cherry Vu