Để đọc 1 biết 100 hay thậm chí nhiều hơn thế, các bạn chỉ cần làm giúp tôi hai việc là: Đọc chủ động và đọc tỉnh thức.
ĐỌC CHỦ ĐỘNG nghĩa là chỉ đọc những gì mình chủ động tìm kiếm. Không phải vớ được cái gì đọc cái đó, nhìn thấy bài nào đọc bài đó.
Trong một thế giới ngày càng quá tải thông tin, bạn phải biết cách “scan”, tức là dựa trên những “keywords” (=từ khóa về những thứ mình đang tìm kiếm) để phát hiện ra thông tin liên quan, thông tin cần tiếp nhận. Từ đó mà đọc một cách chọn lọc.
Muốn vậy thì trong đầu phải biết rõ mình đang muốn cái gì, tìm cái gì. Lên mạng mà trong đầu không biết để làm gì là dễ bị lôi cuốn vào đủ thứ hầm bà lằng rất tốn thời gian và năng lượng mà những gì thu được (có thể vẫn có ích lợi nào đó) không giúp mấy cho việc thúc đẩy công việc hay phát triển bản thân.
ĐỌC TỈNH THỨC nghĩa là đọc chậm, đọc kỹ, đọc tập trung, đọc đến đâu thấy con chữ đến đó. Nói vậy nghe buồn cười nhỉ, đọc mà không thấy con chữ thì sao gọi là đọc?. Nhưng đúng vậy đấy, có rất nhiều người đọc xong cả một cuốn sách dày mà gần như không thấy chữ nào (gấp sách lại không nhớ đã đọc những chữ gì). Lại có những người đọc xong là rối tinh rối bời lên bởi thấy quá nhiều chữ. Cả hai trường hợp này đều là u mê trong chữ nghĩa.
Đọc đến đâu thấy con chữ đến đó nghĩa là luôn hiểu được tại sao tác giả lại dùng chữ đó, từ đó mà không phải chữ khác, từ khác. Ví dụ: nói “một công trình nghiên cứu khoa học không thể để quần chúng tùy tiện đánh giá” là rất khác với nói “một công trình nghiên cứu khoa học không thể để một đám quần chúng không hiểu gì vào ném đá.”
Chữ là người. Đọc chữ cần hiểu người, nếu muốn hiểu trọn vẹn thông điệp đang được truyền tải. Hút thuốc lá có thể gây ung thư phổi là những gì chúng ta vẫn biết, nhưng một ngày đẹp trời bạn vẫn có thể đọc được một nghiên cứu khoc học với đầy đủ dẫn chứng thuyết phục nói thuốc lá không phải là nguyên nhân dẫn đến ung thư phổi, thậm chí, hút thuốc lá có tác dụng rất tốt cho phổi. Bạn sẽ hoang mang cho đến khi biết công trình này được tài trợ bởi BAT (British American Tobacco).
Đọc tỉnh thức là phải biết nghi ngờ những gì đang đọc. Khi tiếp nhận thông tin thì việc đầu tiên cần làm là… nghi ngờ thông tin đó, kể cả khi nó được phát ngôn bởi các bậc thầy. Có như vậy bạn mới mở rộng cửa để tiếp thu thêm góc nhìn mới, kiến thức mới.
Đọc tỉnh thức còn có nghĩa là đọc có mục đích, có định hướng, đọc để tìm cái cần tìm, vừa đọc vừa tự hỏi, tự tìm câu trả lời, vừa liên hệ đến những kiến thức, kinh nghiệm mình đã tích lũy trước đó.
Một số gợi ý sau sẽ giúp bạn đọc 1 biết 100:
- Trước khi đọc: Hãy tìm hiểu xem: Tác giả là ai? Quan điểm, thái độ của họ thế nào? Họ có uy tín trong lĩnh vực đó không? Động cơ viết của họ là gì?
- Trong khi đọc: Luôn có những câu hỏi cái gì, tại sao, thế nào. Ta đang đọc cái gì? Tại sao tác giả lại viết như vậy? Tại sao dùng chữ đó? Viết như vậy nghĩa là thế nào? Nó liên quan đến những gì ta đã biết ra sao?
- Sau khi đọc: Hãy tự hỏi và tìm cách trả lời câu hỏi: Rốt cuộc ta vừa đọc cái gì? Quan điểm của ta đối với cái vừa đọc ra sao? Ủng hộ hay không ủng hộ? Ủng hộ vì sao? Không ủng hộ vì sao? Ở đâu ta có thể tìm thêm những bài viết khách, thông tin khác để bổ sung cho những gì vừa thu được từ bài mới đọc?
Cuối cùng, hãy tìm cách vận dụng những gì vừa đọc được vào trong câu chuyện với bạn bè, các cuộc thảo luận trong những nhóm hội mình tham gia.
Tôi rất thích đọc, nhưng tôi không đọc quá nhiều, mà tập trung đọc sâu, đọc kỹ. Mỗi quyển sách, mỗi bài viết tôi đọc, tôi đều cố gắng nắm được thật sâu sắc một hai điểm chính trong đó (mà thật ra một quyển sách có dày nghìn trang thì cũng chỉ để trình bày có một hay hai nội dung mà thôi).
Và khi có cơ hội, tôi sẽ thể hiện sự hiểu này với bạn bè, với đồng nghiệp và những người xung quanh để kiến thức có cơ hội được kiểm chứng, gọt dũa và tạo thành nếp nhăn hằn sâu trong não.
Chúc các bạn CHỦ ĐỘNG và TỈNH THỨC để đọc 1 biết 100… nghìn.
Từ Sydney, Australia
Chia sẻ của Anh Tuan Nguyen