Làm Thế Nào Để Bài Viết Không Bị Lan Man?

Mình thấy một lỗi rất lớn mà chúng ta thường hay mắc phải đó là bài viết quá lan man, khiến cho mở đầu và kết thúc không liên quan gì đến nhau. Vậy nên, mở đầu là một chủ đề, kết thúc lại là lời kết cho chủ đề hoàn toàn khác, thậm chí phần thân bài ở giữa cũng không hề liên quan đến mở bài và kết bài.

Lỗi này rất dễ xảy ra khi chúng ta cứ viết miệt mài mà không để tâm đến việc mình đang viết gì hay không quay về được với những ý định ban đầu. Theo cách này, những bài viết về cảm xúc vẫn thường ổn, giữ được mạch nội dung trọng tâm. (Mình vẫn khuyến khích mọi người áp dụng cách này trong quá trình đầu luyện viết).

Nhưng khi đã đạt được mục đích giải tỏa cảm xúc, nếu người viết muốn đưa ra thêm một quan điểm nào đó để chia sẻ với người khác mà vẫn cứ lan man thì sẽ cảm thấy rất bế tắc. Vì câu chữ đã bị kéo rê đi rất xa bờ và muốn quay lại là điều rất khó, dễ nản. Chúng ta sẽ có thể tự nhủ rằng mình viết không tốt nên bỏ qua bài viết ấy đi, cất vào một góc. Hoặc ta sẽ cố gắng viết lại, nhưng càng viết lại càng thấy không sao nói được thứ mình muốn, vẫn cứ sai sai…

Vì vậy, mình đưa ra đây 3 lưu ý để mọi người viết và biên tập bài viết của chính mình sao cho tránh được lỗi lan man nhé!

Đầu – cuối tương thông

Ví dụ, bạn có thể viết bài về việc bạn thích đọc sách, những quyển sách theo bạn trên hành trình lớn lên. Nhưng đến giữa bài, bạn nói đến chuyện bạn đưa sách ra ban công đọc rồi bạn nói ban công nhà bạn nhiều cây quá, có cái cây bạn mua từ hồi còn học đại học, chăm sóc đến bây giờ, có những kỷ niệm ra sao… Và rồi đang viết thì bạn thấy bài dài quá rồi, bạn kết luôn bài ở chỗ cái cây.

Nếu như thế, phần kết là cái cây với cái chủ đề những quyển sách ở đầu bài thật chẳng liên quan một chút nào. Bạn có thể tách những cái cây ra làm một bài khác và bạn hãy quay về với chủ đề những quyển sách của mình. Khi viết xong, hãy soát lại một lần nữa xem điều bạn nói ở phần kết đã thực sự liên quan đến phần mở đầu chưa nhé! Nếu chưa thì bạn biết cần làm gì rồi đấy!

Hãy nhớ rằng bạn mở đầu với cái gì thì hãy đi đến kết thúc với nó, dù đó không phải là một lời giải hay bài học đi nữa, nhưng hãy cho người đọc biết bạn đang muốn nói về cái gì. Họ không ngại chuyện đi theo bạn, nhưng họ chỉ sợ bạn bắt họ đi sang Đoài, lái về bên Đông mà không biết đi đến những nơi đó để làm gì, liên quan ra sao vơi nhau.

Vậy nên hãy sẵn sàng để viết lại thay vì tặc lưỡi chấp nhận một bài viết đầu voi đuôi chuột. Một khi bạn đã ý thức được việc cần sửa chữa lỗi của mình tức là bạn đang thay đổi và đặt chân lên con đường viết tốt hơn rồi.

Bất cứ khi nào thấy xa bờ quá, hãy quay về!

Đầu – cuối tương thông là để bạn biên tập lại một bài viết lan man. Nhưng trong quá trình viết, khi đã ý thức được sự lan man của mình thì hãy chú ý để sửa luôn. Thấy câu chữ đã chạy đi chơi xa quá thì hãy kéo nó về với bờ ban đầu (chủ đề ở mở bài).

Ví dụ, bạn đang hứa hẹn với độc giả “Trong bài viết này, mình sẽ đưa ra cách để bạn sống hạnh phúc”, nhưng viết một lúc, bí quyết của bạn lại chỉ toàn là tập trung thay đổi một mối quan hệ. Khi này, bạn sẽ không biết viết làm sao để bài có thể quay về với chủ đề sống hạnh phúc ban đầu và nếu cứ viết tiếp, bạn sẽ càng đi xa bờ.

Có vài cách để bạn hoàn thành bài viết của mình như sau:

Sửa đoạn mở đầu thành chủ đề đúng với cái bạn đang đi xa bờ. Vì bạn sẽ nhận thấy có những khi mình bắt đầu bằng một ý tưởng, nhưng đang viết thì có cảm hứng với ý tưởng khác hơn nên dẫn đến việc lan man, rời rạc nếu cố ghép chúng chung vào một bài.

Lồng ghép sao cho câu chuyện bạn đang nói liên quan đến chủ đề ban đầu. Ở đây, phụ thuộc vào sự linh hoạt trong câu chữ của bạn mà quyết định bài viết của bạn sẽ đi theo hướng nào. Trong ví dụ trên, nếu là mình thì mình có thể viết về cách mình đã sống hạnh phúc khi thay đổi cách ứng xử với những người khác. Và mình sẽ liệt kê thêm 2-3 ví dụ nữa để bổ trợ cho bài học, chủ đề này của mình.

Tâm lý chung của những người đang viết lan man là sẽ thường… tiếc công và ngại khó. Chúng ta viết được một đoạn dài rồi, hoặc ngại phải suy nghĩ thêm nên sẽ không muốn viết lại. Thậm chí khi viết xong một bài, biết là nó lan man và chưa được như ý mình nhưng cũng kệ đấy, không muốn sửa. Nhưng hãy nhớ là chúng ta chỉ có thể khắc phục được lỗi bằng bước đầu tiên: đối diện và chấp nhận nó thôi.

Sắp xếp các ý gần giống nhau về một chỗ

Một cách viết làm cho bài viết sa đà vào lan man nữa đó là lý luận, dẫn dắt một cách tùy tiện, không tuân theo sự logic nên gây ra tình trạng vừa thừa vừa thiếu. Mình đã từng sửa và đọc rất nhiều bài như thế này.

Ví dụ một bài báo kể về việc người bố dạy con đầu tư tài chính. Nội dung trong đó kể về việc khuyến khích con làm việc nhà, chơi thể thao rồi góp tiền thưởng nhận được tạo thành một quỹ để tiết kiệm, đầu tư. Nhưng người viết thay vì chia làm các ý như: dạy con kiếm tiền thông qua lao động và dạy con cách tiết kiệm và đầu tư thì lại viết lẫn các ý vào nhau. Tức là ở phần kiếm tiền chỉ điểm qua vài câu, viết rất ít rồi viết luôn vào phần kiến thức tài chính. Thành ra, ở phần kiến thức tài chính sẽ có rất nhiều nội dung không liên quan như cách bố trả công để con làm được nhiều việc hơn, dạy con ý nghĩa của làm việc nhà…

Nhẽ ra bài viết mạch lạc sẽ cần phải chia thành các phần (ví dụ): Mở đầu về thành quả của việc dạy con (ngầm ý rằng đây là một sự việc nổi bật cần được chia sẻ kiến thức lên báo); Nói qua về sự việc (tổng quan để độc giả hình dung được); Đi vào chi tiết các phần: Khuyến khích con làm việc nhà, Kiến thức tiết kiệm – đầu tư, Điểm qua các hoạt động dạy con khác; Kết luận và thông điệp muốn nhắn gửi.

Nếu xác định chia ra các phần như thế ngay từ đầu thì khi viết cũng sẽ không còn bị lan man nữa và chúng ta cũng có thể giữ được sự logic trong tổng thể.

Ngoài ra, để viết mạch lạc như vậy thì bạn nên lập dàn ý ngay từ đầu. Lập dàn ý là việc rất cần thiết trong những bài viết cần phân tích, lý luận và khiến cho nội dung không bị trôi đi quá xa trong quá trình chúng ta viết.

Hãy nhớ rằng một khi đã chia sẻ bài viết với người khác là bạn cần hướng đến việc giúp người khác hiểu được những gì bạn muốn nói đầu tiên. Nên đừng chơi trò đánh đố và bỏ rơi người đọc trong một ma trận do mình tạo ra nhé!

Chúc mọi người mỗi ngày lại viết tốt hơn!

Chia sẻ của Lá Xanh

Bài viết này có hữu ích với bạn không?

Click vào một ngôi sao để đánh giá bài biết!

Đánh giá trung bình 5 / 5. Số phiếu: 3

Không có phiếu bầu cho đến nay! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài này.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết có 0 bình luận
THÔNG TIN NGƯỜI GỬIĐóng (x)

Bài Hay Nên Đọc

Bài Mới Xuất Sắc

Case Study Mùa Dịch: Bán Hết 500kg Cua Trong 1 Ngày

Đây là một case study khá thú vị với mình trong mùa dịch, chưa dừng việc bán hết 500kg cua mà những ngày tiếp theo...

Seeding Facebook – Hiệu Ứng Đám Đông Không Bao Giờ Đi Sau Thời Đại

Mình làm chuyên về dịch vụ seeding từ lúc mà seeding còn chưa biết đến nhiều bị. Thậm chí anh chị em đánh đồng vào...

Cổ Phiếu Bất Động Sản Có Phải Là Những Tài Sản Bất Động Thời Gian Tới?

Trước khi tìm hiểu dòng cổ phiếu BĐS có tiếp tục là dòng cổ phiếu đáng đầu tư cho năm 2021-2022. Chúng ta cùng nhìn...

Hạng mục đầu tư – Tại Sao Stocks Có Thể Đánh Bại Bonds Hay Gold?

Đầu tư có thể được hiểu là việc từ bỏ nhu cầu tiêu tiền ở thời điểm hiện tại của bản thân mình, chuyển số...

Ma Trận BCG Là Gì?

Được tạo bởi Boston Consulting Group, ma trận Boston – còn được gọi là ma trận BCG hoặc ma trận tăng trưởng – cung cấp...

Ngày Kép 5.5 Thì Làm Gì Để Nhiều Đơn Hàng?

Trước tiên, shop cần tối ưu lại trang chủ của shop, banner, hình ảnh sản phẩm và nội dung mô tả của các sản phẩm...