Mục lục
Để tạo 1 shop trên Shopee thì thực rất dễ, nhưng làm sao để bắt đầu ra đơn, được Shopee chú ý hơn và phát triển mạnh hơn qua từng năm thì không phải là chuyện dễ dàng.
Nhân dịp nhận lời review từ team Lập Nghiệp với Shopee, chủ shop Dino Kingdom đã có 2 câu hỏi mà mình nghĩ cũng là mối quan tâm của khá nhiều shop như sau:
Vì shopee hiện tại có rất nhiều công cụ để quảng bá sản phẩm với mục đích cuối cùng là tăng traffic, có nhiều người biết đến sản phẩm và shop mình hơn. Chính vì có nhiều công cụ nên mình muốn được góp ý thêm về cách phối hợp các công cụ uyển chuyển để đạt hiệu quả cao nhất phù hợp với chi phí.
Làm sao để một shop mới lên sàn có thể vượt qua được giai đoạn đầu tiên. Rất nhiều bạn bè của mình gặp vấn đề sau khi setup rất kĩ về gian hàng & sản phẩm nhưng ko có đơn, hoặc vận hành vài năm mà lượng đơn vẫn làng nhàng <20-30 đơn/1 ngày. Khiến rất nhiều người rời bỏ shopee.
Vậy cùng theo chân mình để tìm câu trả lời cho 2 vấn đề này nhé:
Làm sao để một shop mới lên sàn có thể vượt qua được giai đoạn đầu tiên?
Shop bạn thì mình đánh giá là đã vượt qua được giai đoạn đầu tiên, và bạn cũng nói là hỏi hộ bạn bè gặp vấn đề này. Vậy nên trong bài này sẽ rất ít nội dung review về shop của bạn, vì shop của bạn đã tạm ổn và ít thứ để review, nên mục tiêu chính sẽ là những chia sẻ hữu ích cho các bạn shop mới, shop bé.
Đầu tiên chúng ta có thể so sánh sự khác biệt giữa shop bé (shop mới hoặc shop cũ nhưng không khác gì shop mới) và shop lớn đứng top để có thể thấy được sự khác biệt.
Shop bé là những shop có các chỉ số kết quả bán hàng rất thấp: lượng mua rất thấp, lượng đánh giá rất thấp, lượng follow rất thấp. Shop lớn thì ngược lại.
Ngoài ra còn các yếu tố khác shop lớn có nhưng shop bé có thể còn thiếu như: giá cả cạnh tranh, phù hợp; trang trí shop hấp dẫn và hiệu quả; bài viết sản phẩm hữu ích, chuẩn SEO; mức độ liên quan và khả năng mua kèm các sản phẩm trong shop cao; đóng gói hợp lý, hấp dẫn; chính sách bán hàng tốt; và khả năng vận hành tốt.
Đặt mình vào vị trí khách hàng thì nếu được lựa chọn, tôi sẽ chọn mua hàng của shop lớn nếu không có sự khác biệt quá lớn giữa 2 shop.
Đặt mình vào vị trí của Sàn Shopee thì tôi sẽ chọn phân bổ phần lớn lượng truy cập cho shop lớn, đặc biệt là những bài sản phẩm đã có lượng mua, lượng đánh giá cao và tốt nhất.
Vậy thì, để vượt qua được giai đoạn “cá bé” đầu tiên, mình xin đưa ra giải pháp mà mình đã áp dụng và thành công với những shop bé của mình:
Hoàn thiện shop tốt nhất có thể theo các tiêu chí mình kể ở trên để tạo nền tảng cơ bản, phải có 1 lượng bán, đánh giá cơ bản cho mỗi sản phẩm (10 trở lên, tùy sản phẩm) để giảm thiểu tối đa khả năng rời đi của khách hàng khi vào shop mình.
Sử dụng các công cụ trong danh mục Kênh Marketing của sàn
Cuối cùng, cũng là việc quan trọng nhất, đó là kéo traffic ngoại sàn từ các kênh khác như Facebook, Tiktok, Youtube, Google,… Việc này các bạn có thể sử dụng Link Affiliate để được hưởng hoa hồng từ Shopee, bù đắp lại chi phí quảng cáo ngoại sàn.
Các bạn phải kéo traffic ngoại sàn cho tới lúc các bạn thấy traffic tự nhiên nội sàn ổn, chạy ads nội sàn giá tốt. Lúc này các bạn mới quyết định có kéo traffic ngoại tiếp hay không, cái gì có lợi hơn thì làm.
Mình thấy shop bạn cũng đã có lượng bán và đánh giá khá ổn, nếu muốn tăng trưởng bạn có thể đẩy mạnh việc kéo traffic ngoại sàn. Tuy nhiên bạn nên xem lại mã giảm giá, mã follow, trang trí shop giao diện PC nhé, mình thấy mã giảm giá chưa đa dạng, không có ưu đãi cho khách hàng follow mới, trang trí shop PC cũ và đơn điệu. Khuyên bạn nên sớm cải thiện những điều đó.
Cách phối hợp các công cụ Marketing của sàn Shopee để đạt hiệu quả cao nhất phù hợp với chi phí
Việc này tùy tính chất của từng shop, mình xin đưa ra quan điểm và phương án áp dụng các công cụ Marketing cơ bản với shop của mình như sau:
Mã Follower: Mục tiêu là khách hàng mới, mình muốn họ theo dõi shop để tiện truyền thông và bán hàng về sau dễ hơn, chi phí thấp hơn. Nên mã follow mình để đơn từ 0đ và giảm theo %. Tối đa 20-30k tùy shop.
Mã giảm giá: Mục tiêu là vẫn mang lại niềm vui được giảm giá cho mọi khách hàng. Nhưng cần phân loại khách hàng khác nhau thì được hưởng mã khác nhau: Ví dụ đơn dưới 50k thì chỉ giảm 2k, còn đơn 250k thì có thể giảm 22k. Ngoài ra còn các mã như xin lỗi khách hàng, trò chơi, chương trình do shop tổ chức, mã traffic ngoại để tiện thống kê…
Chương trình của tôi: Mục tiêu là giá bán shop mong muốn, nên bạn hãy để giá mà bạn mong muốn bán được của sản phẩm, phù hợp với giá trị của sản phẩm. Không nên để giá sale quá cao, khách hàng sẽ không mua kèm vì họ không thích bị mua đắt.
Combo khuyến mãi: Mục tiêu là tăng số lượng bán cho 1 bộ sản phẩm (có thể tạo nhiều bộ combo nhưng nên hạn chế, vì khách mua 2 sp khác combo thì sẽ không được giảm giá và khách sẽ cảm giác mình bị lừa)
Mua kèm deal shock: Mục tiêu là bán kèm các sản phẩm có liên quan với nhau. Ví dụ đệm + chăn, ga, gối; laptop + chuột, bàn phím. Công cụ này sản phẩm bán kèm có thể để mọi mức giá, giúp gia tăng sự hấp dẫn để chốt deal. Mà vẫn tăng được lượng bán cho sản phẩm bán kèm. Ngoài ra có thể chọn chế độ quà tặng thay vì mua kèm, các bạn có thể dùng thử.
Khuyến mãi phí vận chuyển: Mục tiêu là hỗ trợ phí vận chuyển cho khách, gia tăng khả năng chốt đơn. Vì hiện tại mã miễn phí vận chuyển của sàn chỉ giảm tối đa 15k, nên thường khách hàng vẫn mất thêm phí ship. Các shop có thể cài đặt trợ giá cho đơn hàng tối thiểu tùy chỉnh hoặc tài trợ 100% phí vận chuyển. Bạn nên cân đối khi dùng công cụ này.
Quảng cáo Shopee: Mục tiêu là hiển thị để kéo traffic nội sàn. Các bạn hãy tối ưu shop, tối ưu sản phẩm như mình chia sẻ ở phía trên rồi hãy chạy ads Shopee nhé.
Shop mới thường chưa có công cụ Tin nhắn quảng bá. Vì tệp khách hàng tương tác với shop bạn không đủ để sử dụng. Cái này do thuật toán của Shopee quy định, tới 1 lúc nào đó bạn sẽ được Shopee mở khóa công cụ này.
Chúc shop các bạn ngày càng phát triển!
Chia sẻ của Hoàng Dương