Thân chào bà con!
Các bạn đọc tiêu đề thì cũng hiểu rồi ha. Hôm nay tôi sẽ chia sẻ về một “căn bệnh” mà tôi tin ai cũng mắc phải. Không nhẹ thì nặng. Vì sao tôi lại gọi nó là một căn bệnh? Bởi đơn giản nó ảnh hưởng tiêu cực quá nhiều đến công việc, cuộc sống của tôi. Thử kể sương sương vài ví dụ về ảnh hưởng của nó ha!
Bạn hẹn sáng nay đúng 7h phải viết bài và chụp hình để đăng sản phẩm mới. Nhưng trời lạnh quá, dậy không có nôi. Thôi thì hẹn qua 8h vậy. Trễ một tiếng đồng hồ thôi có chết ai đâu. Đúng không? Thế là yên tâm tắt báo thức và ngủ lại. Ai dè, tỉnh dậy thì đã 10h mất rồi. Lại mệt mỏi, lại chán nản với bản thân.
Một ví dụ khác nè: Bạn hẹn người yêu 7h tối nay đi xem phim. Nhưng ngồi lướt facebook thì đọc được mấy tin về con vi rút corona. Bạn sợ quá, lao vào tìm hiểu tình hình thế nào. Ai dè đọc mãi, sa đà đến 6h45 thì mới nhận ra là có hẹn. Bạn lao vào makeup rồi ăn uống. Nhưng mà đi chơi thì phải đẹp. Đâu có thể qua loa được.
Thế là cho người yêu đợi đến 8h mới xuống. Người yêu tính tình nó tội, nó không có dám giận bạn. Nhưng đến rạp thì bộ phim định xem nó chiếu mất rồi. Thế là phải xem phim khác. Nghĩ mà bực. Đến sớm một tí thì đã được xem phim yêu thích rồi. Chứ giờ xem phim này nó phí thời gian quá.
Mấy kiểu kịch bản này nó lặp đi lặp lại hoài. Ai cũng biết trì hoãn nó ảnh hưởng xấu là vậy, nhưng dứt ra đâu có dễ. Đúng không? Tôi tự nhận mình cũng là một người đã từng vô cùng trì hoãn. Nhưng vì nó mà bao nhiêu đơn hàng, bao nhiêu công việc, bao nhiêu thứ không thành.
Tôi mới tìm cách để hạn chế sự ảnh hưởng của nó đến cuộc sống của mình. Tin mừng là đến nay nó đã đỡ nhiều rồi. Vẫn còn chứ! Chưa thể hết hoàn toàn được. Nhưng ít ra tôi cũng biết khống chế nó đến mức thấp nhất có thể. Và tôi sẽ chia sẻ lại cách mà tôi thực hiện. Hy vọng nó cũng giúp bạn “hạn chế” được giống như tôi.
Nhưng tôi tin, nếu kiên trì làm theo cách này, đảm bảo về lâu về dài, bạn gần như sẽ loại bỏ được nó ra khỏi cuộc sống của mình. Để những công việc mình làm nó trôi chảy hơn, cuộc sống vì thế mà cũng viên mãn hơn. Thôi dài dòng vậy được rồi, tôi sẽ đi vào các bước mà tôi thực hiện.
Đầu tiên, bạn phải ý thức được những công việc nào không được phép trì hoãn.
Tôi ví dụ nè:
Nếu ngày mai bạn phải dậy đi thi lúc 7h thì nhiều khả năng là bạn không dám ngủ nướng. Đúng không? Cho dù hôm đó trời có lạnh đi chăng nữa thì trễ nhất cũng 6h30 bạn phải lo dậy để chuẩn bị rồi còn đi nữa. Đặc biệt là những kỳ thi quan trọng như thi Đại học, thi cuối kỳ,…
Chứ nếu nó chỉ là một buổi học thì bạn sẽ có lý do để trì hoãn rồi. Nghỉ một bữa thì có chết ai. Vì thế, việc xác định ngay trong tâm trí mình rất quan trọng. Những việc nào bạn không được phép trì hoãn thì thường bạn sẽ không trì hoãn. Điều thứ hai mà tôi hay thực hiện là thường xuyên nghĩ về những tác động tiêu cực nếu mình trì hoãn một việc gì đó. Hãy dùng trí tưởng tượng của bạn, suy diễn càng kinh khủng càng tốt, haha.
Cái hay ở chỗ là, khi bạn suy diễn càng sống động những tác động tiêu cực của việc trì hoãn một việc gì đó, thì não bộ của bạn nó sẽ giúp bạn tránh được những điều này. Lại ví dụ một tí cho nó sống động nhé. Còn một tuần nữa là bạn phải thi bằng lái xe ô tô rồi. Nhưng nếu tối nay mà phải ôn thì cũng còn xa quá, bạn sẽ tìm được lý do để trì hoãn.
Vậy hãy làm theo cách mà tôi nói.
Hình dung những tiêu cực có thể ảnh hưởng nếu bạn thi rớt thử xem? Tiền thi cũng bằng một tháng lương của tôi rồi, nếu tôi rớt thì phải thi lại. Con tôi sẽ không có được quà vào dịp sinh nhật của nó. Nó sẽ khóc, và không còn yêu thương ba nó nữa. Rồi vợ tôi sẽ chê cười vì tôi là một thằng tệ hại. Có thi cái bằng lái xe mà cũng chả xong. Rồi lại bỏ theo thằng khác thi một phát là đậu ngay. Haha. Nghĩ mà cay.
Rồi nghĩ đến cảnh khi đi thi lại, bạn bè nó cười mỉa mai mình. Rồi khi đi nhậu chung, nó lại đem chuyện này ra làm trò cười cho cả đám. Nghĩ sương sương như vậy cũng đã đau lòng rồi. Bạn nào có óc hình dung tốt thì tiếp tục hình dung nha. Bước này quan trọng ở chỗ, bạn phải hình dung thật sống động và tưởng tượng cảm giác nó giống như thật kia. Càng thật thì độ hiệu quả càng cao.
Thử xem nhé!
Bước thứ ba, là bạn phải luôn có một “To do list” cụ thể các công việc cần thực hiện hằng ngày. Mỗi tối trước khi đi ngủ, tôi sẽ viết các công việc nào tôi phải làm vào ngày hôm sau, những công việc nào tôi bắt buộc phải hoàn thành và thời gian dự kiến cho mỗi công việc.
Tôi phải hoàn thành hết list này rồi làm gì làm. Và điều cuối cùng là bạn phải tránh xa các tác nhân có thể gây trì hoãn. Nhìn vậy chứ nó quan trọng lắm. Bạn biết mình hay sa đà mỗi khi check tin nhắn facebook thì khi bạn đang làm một công việc nào đó, hãy cất điện thoại đi.
Quy định cho mình, khi nào xong công việc này tôi mới được mở điện thoại lên xem. Sẽ có bạn lại sợ nhỡ có việc gì khi tôi không để điện thoại thì sao. Trừ khi bạn đang chờ một cuộc hẹn quan trọng, còn lại thi đa số là do bạn sợ vậy thôi.
Chia sẻ của Lê Tấn Nghĩa