Mục lục
Design Thinking ở đây hiểu rộng là Tư duy sáng tạo, chứ không hiểu hẹp là Tư duy trong ngành Thiết kế nhé mọi người.
Bên cạnh những vấn đề về công cụ (toolset) như sử dụng các phần mềm phân tích Google Analytics, Google Data Studio, hay công cụ Quảng cáo như Google, Facebook, Zalo, TikTok Ads… thì một Marketers sẽ cần những bộ kỹ năng (skillset) và tư duy (mindset) rất chuyên biệt.
Design Thinking là một món như vậy. Nó cung cấp cho Marketers những kỹ năng để tư duy sáng tạo và đưa ra các ý tưởng giải quyết vấn đề.
Mời mọi người vọc thử một số ứng dụng của Design Thinking với Marketers nhé.
Empathy Maps và Customer Journey
Empathy Maps và Customer Journey là hai công cụ để bạn thấu hiểu khách hàng. Về cơ bản mọi hoạt động từ Marketing, đến Thiết kế hay Giáo dục đều vận hành trên một nguyên lý chung “People Centered” hay “Customer Centered”, tức là “Đặt con người làm trọng tâm”.
Từ đó, chúng ta hiểu rõ hơn về đối tượng mà chúng ta đang hướng đến, và đưa ra các ý tưởng, giải pháp Marketing hay thiết kế sản phẩm phù hợp với họ hơn.
- Empathy Maps (tạm dịch là Bản đồ thấu hiểu khách hàng): thì đưa ra các câu hỏi như: Người dùng của chúng ta là ai, họ đang có vấn đề (pain point) gì, sản phẩm của chúng ta có thể đáp ứng được gì cho họ. Họ sẽ thấy gì, nghe gì, tìm hiểu gì khi mong muốn tìm hiểu về một sản phẩm.
- Customer Journey (tạm dịch là lộ trình trải nghiệm của khách hàng): thì đã khá quen với marketers chúng ta rồi. Ý tưởng của mô hình này là đặt một người dùng vào quy trình (process): Nhận Biết – Tìm Hiểu – Cân Nhắc – Mua Hàng – Trung Thành. Mỗi bước như vậy là một điểm chạm để marketing có thể truyền tải thông điệp đến họ.
Kỹ thuật tạo ra ý tưởng bằng Connecting the dots.
Với việc sáng tạo ý tưởng, có lẽ chúng ta đã quá quen với mô hình Brainstorming (thảo luận nhóm), hay Mindmap (bản đồ tư duy) để tìm ý tưởng, nên mình không nhắc lại nữa.
Mình giới thiệu với các bạn một món mới hơn, cái này 1/2 là mình tự nghiên cứu, 1/2 là mình tham khảo … nên mình tạm đặt tên cho mô hình này là “Connecting the dots” (nối điểm thành hình).
Kỹ thuật “Connecting the dots”
Ý tưởng của mô hình này là bạn vẽ ra một ma trận gồm các Yếu tố liên quan đến sản phẩm như Method / Phương thức , Audience / Đối tượng, Feature / Đặc tính, Others / Tính chất khác, rồi liệt kê ngẫu nhiên các thuộc tính vào các nhóm này.
Sau đó là phần thú vị nhất, bạn cứ nối điểm ngẫu nhiên. Rồi từ đó, một ý tưởng hình thành.
Trong ví dụ bên dưới, mình nối Elearning – Doanh nghiệp – Sinh động, video, audio – Bút, xinh đẹp.. để tạo ra một ý tưởng sản phẩm. Đó là một bộ onboarding kit dành cho các nhân viên mới, gồm có 1 cuốn sổ và 1 cây bút thật đẹp.
Cây bút đó là 1 chiếc USB có chứa toàn bộ thông tin, tài liệu và các bài học e-learning dành cho bạn nhân viên mới tìm hiểu về Doanh nghiệp.
Giải pháp này sẽ khắc phục được vấn đề về thiếu hụt quy trình training nhân sự mới ở các công ty, và có một thị trường tiềm năng rất lớn.
Kỹ thuật sàng lọc ý tưởng
Đây cũng là một công cụ ưa thích của mình trong Design Thinking, nó sẽ giúp bạn sàng lọc để lựa chọn thực thi các ý tưởng nào phù hợp nhất.
Mô hình này áp dụng 3 góc nhìn
- Business Capability View – Góc nhìn về năng lực doanh nghiệp: Doanh nghiệp của chúng ta có khả năng sản xuất, thực hiện ý tưởng này không?
- Customer View – Góc nhìn của khách hàng: Khách hàng của chúng ta có yêu thích ý tưởng, sản phẩm này không?
- Commercial View: Góc nhìn thương mại: Ý tưởng, sản phẩm này có đóng góp vào doanh thu hiệu quả không?
Nếu một ý tưởng đáp ứng được cả 3 yếu tố này, thì đây sẽ là một ý tưởng phù hợp để triển khai.
Tạm kết
Còn rất nhiều kỹ năng tuyệt vời của Design Thinking cần thiết cho Marketers mà một bài viết mình không thể gói ghém được.
Nhưng trong thời buổi các vấn đề mới phát sinh liên tục như thế này, Design Thinking sẽ là một kỹ năng không thể thiếu cho tất cả mọi người, chứ không chỉ là dân Marketer tụi mình.
Chia sẻ của Hồ Đông Thụ