Mục lục
Nếu bạn đang kinh doanh FnB, Ăn uống và đang chạy quảng cáo nhưng cảm thấy tốn kém và phí tiền xót của.
Hãy bỏ ra 8′ đọc hết bài viết này. Bạn sẽ tiết kiệm được rất nhiều tiền quảng cáo.
Vậy là tui lại gặp lại mọi người với bài này, chia sẻ tiếp về những điểm chạm (Touch Point) trong chu trình trải nghiệm của khách hàng.
Ở phần trước tui đã giải thích mọi người vì sao mình đi copy quảng cáo của người ta về chạy thì lại không hiệu quả rồi đúng không?
Ở phần này, tui sẽ chia sẻ về điểm chạm nhé. Cách để tạo ra điểm chạm và cách sử dụng nó để tối thiểu hóa chi phí quảng cáo. Làm sao mà chi quảng cáo thật ít mà khách cứ về ùn ùn nhé.
Hãy quay lại với tui vào một ngày cuối tháng 9 năm 2016, lúc đó tui làm Hoa Sơn Tửu Lầu. Về mặt sản phẩm thì thời gian có trôi qua đó, nhưng mà sự thay đổi của Hoa Sơn cũng không khác biệt là mấy. Vẫn là nó, có thêm vài trò vui này, mất đi vài trò vui nọ. Sản phẩm không quá thay đổi qua thời gian.
Nhưng sự khác biệt và vấn đề nằm ở chỗ. Cuối năm 2016, tui ế chổng chơ, có ngày không bán được đồng nào. Còn sau đó thì 40-50 củ/quán/ngày.
Rõ ràng là sự khác biệt rất lớn đúng không?
Vậy tui đã làm điều đó như thế nào?
Lúc đó là lúc tui nhận ra rằng, cho dù mình có cố gắng sáng tạo, viết content hay cỡ nào kết quả cũng không thể khá hơn.
- Một là khách hàng cũng không tin tưởng, bởi vì nó mang mùi quảng cáo. Mà đã quảng cáo thì người ta chỉ tin có 50% thôi. Hơn nữa lúc đó, ai cũng biết chạy quảng cáo rồi. Nên mình có chạy quảng cáo cũng rất khó để khác biệt.
- Hai là, dù giảm giá, đu trend, sáng tạo, làm thơ, chế nhạc tui cũng sẽ bị copy rất nhanh. Những cái ấn tượng lúc đầu thì hiệu quả, về sau thì giảm dần không còn gây kích thích nữa. Giống như Con Bò Tía Seth Godin nói á. Tui không thể cứ ngồi nghĩ hoài cho người ta sao chép được.
Tui phải làm khác.
Giải pháp là gì?
Thay vì dùng tiền để quảng cáo, tui đã đầu tư vào sự trải nghiệm của khách hàng.
(Lúc đó khái niệm trải nghiệm khách hàng chưa phổ biến như hiện nay)
Tui đầu tư vào chuyện sáng tạo chương trình như uống bia đập bát, mỹ nhân mời bia tại bàn, những vật phẩm để khách hàng vui vẻ và thích thú chụp ảnh, quy trình nhân viên tương tác với khách hàng.
Thay vì ở các nơi khác khách hàng giao tiếp với nhân viên bình thường thì ở quán tui. Mọi thứ sẽ được đổi thành ngôn ngữ kiếm hiệp.
Mục tiêu là để làm khách hàng ấn tượng liên tục, tạo trải nghiệm độc lạ với Khách hàng để họ nhớ.
- Ở đây không có toilet, nhưng mao xí đi hướng kia.
- Dạ đại ca đi bao nhiêu người ngựa để đệ sắp xếp bàn.
- Dạ, vị đại ca cứ để ngựa ở đấy sẽ có người dẫn cho.
- Dạ ở đây không có menu, chỉ có ẩm thực chân kinh thôi ạ.
Kiểu như thế, khiến khách hàng ấn tượng và vui vẻ chụp hình với những vật phẩm mà tui đã chuẩn bị sẵn như đao kiếm, bí kíp.
Khi họ chụp và post lên Facebook, bạn bè của họ sẽ nhìn thấy.
Lúc này tui có 2 cái lợi:
- Một là khách hàng vui vẻ, được bạn bè khen vì có những tấm ảnh ấn tượng.
- Hai là những bạn bè của họ, khách hàng tiềm năng của tui. Họ đã có điểm chạm đầu tiên với tui.
Tức là dễ hiểu là, họ đã thấy tui một lần bởi vì bạn bè của họ đã nhắc đến tui trước đó rồi. Nếu họ có thấy quảng cáo thì lập tức trong đầu họ sẽ bật ra:
“A, cái quán hôm trước thấy thằng bạn mình post thì ra là quán này”
Mà xác suất cao là họ sẽ thấy quảng cáo của tui bởi vì tui nhắm vào “Bạn của những người đã tương tác với Trang”
Lúc đó, may mắn tui được báo chí hỗ trợ nên có thêm một vài điểm chạm nữa, khiến cho việc tương tác với khách hàng mới trở nên thuận lợi rất rất nhiều.
Điều hay ho nhất là,
Với những đầu tư cho trải nghiệm này. Bạn chỉ đầu tư một lần nhưng có thể dùng rất lâu, không như quảng cáo chi tiền cái là mất luôn.
Hơn nữa, đầu tư cho trải nghiệm thì khách hàng của bạn là người được lợi. Không phải là Facebook.
Rõ ràng về dài hạn thì đây là chiến lược cực kỳ lợi hại đúng không?
Tối ưu trải nghiệm khách hàng thế nào?
Hãy xuất phát từ mục tiêu truyền thông. Bạn muốn khách hàng nhớ gì về mình thì hãy làm những hoạt động tương ứng. Tổ chức minigame nè, trò chơi dân gian nè, thi ăn, thi uống,…
Rất rất nhiều những cuộc thi có thể tổ chức và bí mật nhỏ ở đây là luôn cố gắng để khách hàng thắng.
Khi đó họ sẽ giúp bạn lan tỏa thương hiệu đến bạn bè của họ. Nghe thì có vẻ nhỏ nhưng sức mạnh của điều ấy thật sự rất ghê gớm.
Bạn cần tạo ra càng nhiều thứ xúc tác càng tốt, những thứ đáng để họ nói về như những thứ độc lạ, những thứ kỳ quái, những thứ tạo cảm xúc mạnh.
Tiếp cận họ ở những nơi ít cạnh tranh
Hãy tìm hiểu và quan sát những hành động hằng ngày của khách hàng mục tiêu của bạn. Không nhất thiết phải chăm chăm vào quảng cáo và kỳ vọng ra đơn luôn.
Hãy cố gắng xuất hiện ở những nơi khách hàng bạn thường xuyên lui tới. Cả trên nền tảng Offline lẫn Online.
- Nếu bạn đang bán quán ăn trưa, xuất hiện ở các bãi xe gần đó hoàn toàn không phải là ý kiến tồi.
- Nếu bạn bán hàng cho dân văn phòng, tạo ra một điểm chạm ở các anh xế chạy grab cũng là một ý kiến đáng thử.
- Nếu bạn bán trà sữa, không thể không xây ngay một kênh Tiktok đúng không.
- Nếu Online, hãy mò vào các group mà khách hàng bạn đang sinh hoạt, chủ đề thì không hề thiếu.
Không khó nhưng cần thời gian
Sau khi bạn đã làm được hết những điều trên, lúc này hãy quay trở lại Facebook và bật quảng cáo. Khi này bạn sẽ thấy rõ sự khác biệt. Tương tác cao, giá rẻ, mọi thứ đều tuyệt vời.
Và điều tuyệt vời nhất là dù đối thủ của bạn có copy cũng không thể hiểu vì sao bạn lại có tương tác tốt đến như vậy.
Việc tối đa hóa điểm chạm này không phải là việc dễ nhưng tui cam đoan với bạn, đây là việc có thể làm được nếu bạn đủ bền bỉ. Không cần nhiều, mỗi ngày bạn tối ưu thêm một tí, vài tháng sau thôi bạn sẽ thấy sự khác biệt.
Hãy cứ nghĩ nếu như bạn có thể làm những thứ tạo ra sự khác biệt, thay đổi ngay lập tức thì có nghĩa đối thủ của bạn cũng có thể như thế, thậm chí còn nhanh hơn bạn. Đúng không?
Vậy nên, muốn bền vững và lợi thế thì bắt buộc phải chịu khó thôi.
Bắt đầu từ hôm nay. Và cứ làm thầm lặng, từ từ. Kết quả sẽ không làm bạn thất vọng.
Còn bạn thì sao, sau khi đọc bài này bạn dự định sẽ làm gì để tối đa hóa điểm chạm khách hàng và giảm tiền quảng cáo xuống?
Chia sẻ của Thông Phan