Các bậc đạo sư biết rõ những câu hỏi khi nó hiện ra trong trí óc học trò và nếu trí óc họ yên tĩnh, họ sẽ nghe được những câu trả lời của ngài ngay lập tức. Đó là điều người phương Đông gọi là “Dĩ tâm truyền tâm”. Hãy nhớ ngôn ngữ không phải là phương tiện truyền thông duy nhất. Nếu chúng ta chỉ tùy thuộc vào nó để cảm nhận mọi sự thì chúng ta rất thiệt thòi.
Không phải bất cứ ai cũng có những phản ứng giống nhau trước một đạo sư. Có những người lôi cuốn được chúng ta và có những vị không ảnh hưởng gì đến chúng ta cả.
Những người học đạo phương Đông thường đến gần vị thầy của họ với “cái ly trống rỗng”. Tức là họ lặng lẽ đến, lặng lẽ ngồi bên cạnh vị thầy và lặng lẽ ra về.
Họ biết cách giữ cho xác thân yên tĩnh, trí não không chất chứa những thành kiến này nọ, không mong đợi, không phán đoán, không ao ước hay mong cầu bất cứ điều gì. Đôi khi họ lên tiếng hỏi một vài điều nhưng thường thì không đặt câu hỏi nào cả.
Nếu chúng ta không biết cách làm chủ tư tưởng thì tâm hồn ta dễ bị lôi cuốn vào những chuyện viển vông không ích lợi gì hết. Vì vậy, trước khi lên tiếng, hãy xem mình có thể cảm nhận được câu trả lời đằng sau các lời nói của người khác không?
Chỉ khi nào tuyệt đối cần thiết mới phải đặt câu hỏi bằng lời. Đó là cách nghe những điều người khác phát biểu bằng Tâm c hứ không phải bằng trí. Hãy lắng nghe với một đầu óc yên tĩnh, để cho cái thông điệp đằng sau những câu nói đi thẳng vào trong tâm mà không bị cái trí óc lộn xộn làm sai lạc, méo mó nó đi qua các quan niệm hay thành kiến.
Khi tâm đã yên tĩnh, bạn sẽ cảm nhận được điều người khác muốn nói.
Trích sách Minh triết trong đời sống.
Chia sẻ của Long Thành