Hiểu đúng để làm đúng! Nhiều bạn hỏi tôi phân biệt thế nào giữa quản trị kinh doanh, quản trị công ty và quản lý công ty. Để làm rõ các khái niệm quản trị, quản lý và lãnh đạo, tôi cũng đã chia sẻ quan điểm về các khái niệm này.
Những chia sẻ của tôi là dựa trên thực tế được thấy, được nghe, được đọc, được học, và được trải nghiệm.
Quản trị kinh doanh (Business Administration) là ngành học mà các sinh viên, đặc biệt các sinh viên MBA (Thạc sĩ Quản trị kinh doanh), học khá sâu về cách thức quản trị và quản lý một doanh nghiệp.Trong chương trình quản trị kinh doanh, các sinh viên MBA quốc tế thường học cả các môn học về Quản trị công ty (Corporate Governance), lẫn các môn học về Quản lý công ty (Corporate Management).
Quản trị công ty và các nguyên tắc quản trị công ty (gọi tắt là CGP) là những khái niệm rất quan trọng và rất phổ biến ở những công ty cổ phần, đặc biệt là những công ty đại chúng, công ty niêm yết, nơi có nhiều cổ đông (shareholders) tham gia và có nhiều mối quan hệ phức tạp với nhiều đối tượng liên quan khác (stakeholders).
Theo OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế), các nguyên tắc chính trong quản trị công ty bao gồm việc đảm bảo cơ sở cho một khuôn khổ quản trị công ty hiệu quả; quyền của cổ đông và các chức năng sở hữu cơ bản; đối xử bình đẳng đối với cổ đông; vai trò của các bên liên quan; công bố thông tin và tính minh bạch; trách nhiệm của hội đồng quản trị…
Còn quản lý công ty là những hoạt động thông thường mà một TGĐ hay CEO cần phải quan tâm như quản lý chiến lược (strategic management), thiết kế mô hình kinh doanh (business model), marketing, branding, sales, sản xuất (production), cung ứng (supply chain), nhân sự (human resources human capital management), tài chính (finance), kế toán (accounting), đầu tư (investment)…
Như vậy, có thể hiểu rằng hoạt động quản trị kinh doanh bao gồm và bao trùm lên cả hoạt động quản trị công ty lẫn quản lý công ty. Và cả quản trị công ty lẫn quản lý công ty đều là những phần không tách rời của hoạt động quản trị kinh doanh.
Nói vậy để hiểu rằng một doanh nghiệp chết như Món Huế, dù là do yếu tố quản trị công ty (vấn đề công khai, minh bạch, bảo vệ quyền lợi cổ đông, nhà đầu tư…) hay yếu tố quản lý công ty (chiến lược, mô hình kinh doanh, marketing, sales, vận hành chuỗi cung ứng…) thì cũng là do QUẢN TRỊ KINH DOANH mà ra cả!
Và một lần nữa, tôi muốn nhấn mạnh, hoạt động quản trị kinh doanh của một công ty bao gồm cả hoạt động quản trị công ty lẫn hoạt động quản lý công ty!
Hình minh họa cho chúng ta thấy QUẢN TRỊ KINH DOANH (Business Administration) ở trung tâm bao gồm nhiều môn học, trong đó có cả quản trị công ty (Corporate Governance, trong khoanh bầu dục màu đỏ) và các môn quản lý công ty chung quanh.
Chia sẻ của Long Nguyen Huu