Mục lục
Đối với nhiều người, việc sử dụng hashtag trong các bài post trên các nền tảng mạng xã hội (Facebook, Instagram, TikTok…) chỉ như một thói quen, thấy mọi người làm thì mình cũng làm.
Tuy nhiên, việc lựa chọn, nghiên cứu, tối ưu hiệu quả của hashtag là cả một thế giới kiến thức, có rất nhiều tips & tricks để mình có thể tận dụng trên các nền tảng khác nhau.
Dưới đây là những nội dung tổng quan đến chi tiết về việc phân tích và sử dụng hashtag:
- Định nghĩa về Hashtag
- 04 kiểu Hashtag khác nhau
- Các chỉ số để đo lường hiệu quả Hashtag
Hashtag là gì?
Hashtag là một từ hoặc một chuỗi các ký tự liên tiếp nhau và được đặt sau dấu thăng (#). Hashtag lần đầu tiên xuất hiện trên mạng xã hội Twitter vào năm 2007, sau đó mở rộng sang rất nhiều nền tảng mạng xã hội khác như Facebook, Instagram, TikTok, … Hashtag chủ yếu được sử dụng để phân loại nội dung trên các nền tảng mạng xã hội và giúp người dùng tìm thấy các bài đăng về từng chủ đề một cách dễ dàng hơn.
Chỉ cần ấn vào một hashtag cụ thể, bạn sẽ được dẫn đến tất cả các bài viết khác có cùng hashtag đó. Khi một hashtag bất kì trở nên phổ biến, nó có thể thu hút nhiều người dùng hơn cùng thảo luận về các vấn đề có liên quan đến tag đó.
Dưới đây là một số fact về hashtag:
Năm 2014, cụm từ “hashtag” đã được công nhận và định nghĩa trong từ điển Oxford English Dictionary
Các hashtag về văn hóa, giải trí xuất hiện nhiều và thông dụng hơn so với các hashtag về tin tức chính sự
Top 4 hashtag được gắn nhiều nhất trên Instagram (tính đến 2019) là #love, #life, #instagood, #photooftheday
Bộ hashtag có thể dùng cho cả tuần: #MondayMotivation, #TipTuesday, #WomanCrushWednesday, #ThrowbackThursday, #TGIF, #SaturdayVibe, #SundayFunday
Các thể loại hashtag
Về cơ bản, hashtag được chia làm 4 nhóm:
Hashtag về thương hiệu: Đây là những hashtag sử dụng tên thương hiệu, tên sản phẩm để tăng độ nhận diện. Mỗi một thương hiệu đều nên có một vài hashtag đặc trưng của riêng mình (Ví dụ: #theinfluencer, #hm, #mango)
Hashtag theo từng chủ đề: Hashtag này sẽ liên quan trực tiếp đến những điều bạn đang nói trên các nội dung social của bạn (Ví dụ: #influencermarketing, #thitruongmarketing, …)
Hashtag theo sự kiện: Khi bạn chuẩn bị tổ chức một sự kiện, hoặc một chiến dịch, bạn có thể tạo riêng một vài hashtag cho nó, và sử dụng hashtag này trong tất cả các bài post truyền thông cho chiến dịch. Ví dụ, nhân ngày kỉ niệm lần thứ 100 của mình, thương hiệu Oreo đã tạo một hashtag đặc biệt là #oreomoment (khoảnh khắc cùng oreo) để khuyến khích người tiêu dùng chia sẻ những khoảnh khắc tuyệt vời của họ với sản phẩm Oreo.
Hashtag trending: Đây là những hashtag gắn liền với những xu hướng phổ biến tại từng thời điểm nhất định. Có thể nội dung của hashtag không thực sự phù hợp với thương hiệu của bạn, bạn vẫn có thể tận dụng để đưa thương hiệu của bạn được tìm đến nhiều hơn.
Các chỉ số đo lường hiệu quả hashtag
Khi sử dụng các công cụ đo lường hiệu quả hashtag, bạn sẽ được cung cấp rất nhiều các chỉ số, tuy nhiên, bạn sẽ cần tập trung nhất vào 4 chỉ số dưới đây:
Reach (Mức độ tiếp cận): Chỉ số này cho biết đã có bao nhiêu người xem nội dung của bạn và giúp bạn trả lời câu hỏi, liệu hashtag bạn đang sử dụng có đưa nội dung của bạn đến đông đảo đối tượng hơn hay không.
Engagement (Mức độ tương tác): Chỉ số tương tác biểu hiện chất lượng content của bạn. Khi người đọc nhận thấy nội dung của bạn hữu ích, họ sẽ để lại những hành vi như like, share, comment. Với một số công cụ phân tích, bạn sẽ biết được mức độ tương tác của những người tìm được đến bài post của bạn thông qua từng hashtag.
Hashtag popularity (Mức độ phổ biến của hashtag): Một trong những điều tuyệt vời nhất có thể xảy ra là hashtag bạn tạo ra trở nên thịnh hành. Mức độ phổ biến của hashtag biểu thị việc đã có bao nhiêu bài post từng sử dụng hashtag đó, đồng nghĩ với việc có nhiều người đang bàn về chủ đề đó/ sản phẩm đó/ thương hiệu đó hay không. Thẻ hashtag càng phổ biến, nội dung của bạn càng có nhiều khả năng tiếp cận được nhiều người.
Demographics (Nhân khẩu học): Đặc điểm nhân khẩu học của một hashtag thể hiện thông tin cơ bản về tuổi, giới tính, địa điểm sống, nghề nghiệp,… của những người đã từng sử dụng hoặc follow một hashtag cụ thể. Bạn sẽ không muốn sử dụng một hashtag mà người follow chủ yếu là các bạn trẻ từ 12 – 18 tuổi, trong khi sản phẩm của bạn dành cho người đang đi làm ở độ tuổi trên 25.
Chia sẻ của Hà Vy