Nhân dịp Group mới làm cầu nối gói vay nợ ngân hàng UOB không thế chấp với số tiền lên đến 1.6 tỏi, lãi suất chỉ từ 10%, nhiều Shop sẽ tự hỏi có nên vay không?
Cá nhân mình nghĩ vấn đề chính không phải là NÊN hay KHÔNG vì lợi ích của việc vay vốn ngân hàng quá rõ ràng rồi.
Tài chính không quyết định tất cả nhưng không có tài chính khó có thể triển khai một ý tưởng kinh doanh dù có độc đáo và hấp dẫn đến đâu.
UOB đề xuất vay không thế chấp hay là vay tín chấp tức là dựa hoàn toàn vào uy tín cá nhân. Ở đây, ngân hàng dựa vào doanh thu 12 tháng trên Shopee của bạn (Không cần phải là Mall hay Shop Yêu Thích nhé).
Xét duyệt trong vòng 03 ngày. Cá nhân mình thấy rất dễ dàng, thuận tiện và nhanh chóng. Nên dấn thân. Nhưng quan trọng ở đây là vay vốn ngân hàng làm sao cho thực sự hiệu quả.
Tránh viễn cảnh, bạn không ngừng theo đuổi đam mê còn nợ nần vẫn luôn theo đuổi bạn.
Chỉ số đầu tiên mà ai cũng biết và quan tâm đó chính là LÃI SUẤT. Nhưng vì quá đơn thuần ngân hàng cũng dễ dàng nắm được tâm lý của bạn. Do đó hãy lưu ý các cụm từ định tính “lãi suất chỉ từ 10%” – không phải là 10% mà là thấp nhất là 10%.
Hãy tìm hiểu thật kỹ lãi suất bạn phải trả CHÍNH XÁC là bao nhiêu. Ví dụ, 10% là cho lần vay thứ ba, trong khi lần đầu chính xác là 14.2%. Plus thêm phí giải ngân là 2%. Plus bảo hiểm. Plus phí đáo hạn sớm.
Hãy tập cho mình thói quen tự tìm hiểu tài liệu và đọc hợp đồng vay vốn, trong đó nói rất rõ quyền và nghĩa vụ của bạn, hay hiểu kỹ thì là rủi ro và thách thức. Mệt đấy nhưng vài lần kinh qua trong đời là dễ ngay ý.
Tiếp theo bạn sẽ tự hỏi vay nợ khoảng bao nhiêu? Không ai có thể nói chính xác được cả vì nó tùy thuộc vào điều kiện thực tế và ngành nghề kinh doanh. Nhưng hãy nhớ, thiếu tiền thì khổ nhưng nhiều tiền quá cũng không sung sướng gì hơn vì rất dễ nảy sinh hoang phí và tâm lý chủ quan.
Một số kiến nghị ở mức 30% là “vừa đủ”. Con số này không phải ngẫu nhiên, UOB cho bạn vay 30% tổng doanh thu Shopee/năm, chuyên gia cũng khuyên bạn chỉ nên vay đến 30% tổng giá trị ngôi nhà etc.
Đối với chủ Shop, cá nhân mình nghĩ chỉ số “sống còn” chính là lãi ròng, vì đây là những đồng tiền bạn sẽ dùng để trả nợ ngân hàng. Hãy nhìn vào ví dụ của UOB, nếu bạn vay 1 tỏi thì mỗi tháng, bạn cần phải trả lãi là 13 triệu.
Đồng nghĩa, bạn phải sử dụng số tiền 1 tỏi sinh lời ít nhất 1.3%, nghe quá đơn giản đúng không? Nhưng đấy là với điều kiện không có dư hàng tồn kho, tức bạn nhập về bao nhiêu phải bán hết bấy nhiêu.
Điều này khó, đối với ngành bán lẻ, tồn kho thường ở mức 30-50% thậm chí lên đến 200% phụ thuộc nhiều chu trình nhập hàng gối đầu. Do đó, Shop cần phải để ý đến cả con số 83.3tr (gốc) + 13tr (lãi) = 96.3tr thực tế phải trả cả vốn + lãi cho ngân hàng nha.
Lỡ nhịp thanh khoản tháng nào là điêu đứng tháng đó đấy.
Đừng nghĩ cứ có tiền là có tất cả. Vay vốn là một loại chi phí cơ hội, khi mà lợi nhuận từ kinh doanh kì vọng cao hơn lãi suất phải trả. Để đảm bảo an toàn, bạn cần phải chắc chắn về kế hoạch sử dụng khoản tiền này, trước khi quyết định vay vốn.
Đồng thời, nên vay vốn ngân hàng để phát triển, mở rộng kinh doanh chứ không nên vì mục đích giải quyết khó khăn, vì thế rủi ro quá cao. Ngân hàng cũng là một nhà đầu tư, họ sẽ luôn có cách để đảm bảo khoản tiền “gửi” nơi bạn an toàn và hiệu quả.
Vay nợ là bước đi mà gần như tất cả người làm kinh doanh đều phải kinh qua. Lợi nhuận nhiều thì rủi ro lớn. Hãy can đảm và thật thận trọng!
Chia sẻ của Mạnh Chu