Mà không biết cũng không sao. Chỉ là không biết thì người ta mắng mình ấu trĩ, kém thông minh và cư xử sao sao sao sao.
Người có common sense không hẳn là người thông minh, lanh lợi hay hiểu biết. Người có common sense chỉ là người được chỉ dạy tốt (từ nhỏ), để tự hình thành một số thói quen tốt, từ đó chủ động trong tư duy, nhận thức, tiếp nạp thêm những thứ phải-biết-cần-biết trong giao tiếp cuộc sống.
Nó là những thứ hình thành lên cái mà chúng ta gọi là ý tứ, duyên dáng, biết điều và cư xử lịch thiệp tử tế. Nó là nền tảng cơ bản giúp chúng ta hành xử đúng và đàng hoàng, đứng thẳng và không phải sống trong cảm giác sợ hãi, ngờ nghệch, vô tri.
Như chuyện trong một chuyến tiếp đón khách vip gần đây, bạn đồng nghiệp dặn anh nhớ chào hỏi ông ấy, ổng thích được cư xử tôn trọng. Tôi bảo anh cảm ơn, lúc nào anh cũng chào hỏi mà, với tất cả mọi người, đặc biệt là người lớn hơn mình.
Hoặc là chuyện đứng dậy đi thì kéo ghế lại ngay ngắn khỏi phiền người khác, hay chuyện cảm ơn ai đó làm gì giúp mình dù họ là ai, người lái taxi, anh giao nhận hàng hóa hay ai hay ai.
Hoặc là chuyện nghe người khác nói thì thể hiện sự chú ý, xác nhận lại thông tin cho đúng; nhận một email thì phản hồi báo lại là đã nhận rồi và luôn làm rõ mọi yêu cầu trước khi làm một điều gì đó. Nếu làm được thì nói là làm được, nếu không thì nói không và tại sao, nên xử lý thế nào.
Common sense không phải là thứ giúp chúng ta cư xử khôn khéo mà là thứ giúp chúng ta cư xử đúng, chững chạc, mạnh dạn và rõ ràng.
Trở thành một người hành xử rõ ràng, quang minh lỗi lạc khó hơn là một người mưu mẹo, khôn lỏi để được việc. Và cũng khó hơn là thói giả lả qua loa.
Vậy làm sao để có common sense?
Tôi cóc biết nữa vì định viết cái gì đó dài dài như những cái tết mấy năm trước xong nghĩ đi nghĩ lại thấy không cần. Trưởng thành là quá trình chúng ta tự lớn lên, khôn ra, đẹp hơn và có trách nhiệm với bất kỳ điều gì mình làm. Có những thứ không cách nào học được trừ chuyện mình cần phải tự để ý đến người khác nhiều hơn là cá nhân mình. Mình cần tự để ý những điều nho nhỏ, cân nhắc kỹ lưỡng cẩn thận để bớt đi những cư xử ngờ nghệch và khờ khạo.
Cư xử tốt và đem lại giá trị phải đến từ sự nỗ lực học hỏi, nỗ lực để có một giá trị quan tốt đẹp, với một nội tại giàu có dần lên. Chuyện này không phải chỉ mỗi ngày post vài ba cái ảnh đèm đẹp, viết vài ba câu có vẻ sâu sâu là được. Ý là tôi nói mình, xin hứa sẽ bớt he he.
Tôi sẽ kết thúc cái post này bằng chuyện nhỏ nhảm nhí như sau.
Tháng một, sau hai tháng đi xa xa với vài thứ thay đổi, tôi nhắn hỏi một cô bạn đã nghe đồn là nộp đơn xin nghỉ khỏi team. Tôi bảo hình như cô phải có gì đó để nói với tôi mới đúng, đúng không. Nó bảo dạ có, em đã soạn một email vào ngày 31/12 cho anh nhưng rồi không dám gửi, em thấy mình thất bại toàn tập, chẳng làm được gì.
Tôi hỏi vì bạn là do tôi phỏng vấn, bạn xin vào làm việc cùng tôi, rồi bàn giao nhân sự này nọ không làm việc cùng nữa. Lúc bạn xin nghỉ tôi không biết. Và tôi không thích cảm giác không biết này.
Tôi bảo ngại ngần sợ sệt gì thì cũng phải gửi, cũng phải nói cho rõ ràng. Chuyện lý do đi là gì, không còn phù hợp nữa hay định hướng khác đi hay như thế nào tôi không quan tâm, nhưng phải kết thúc câu chuyện mình đã bắt đầu một cách đúng đắn. Kết thúc rồi thì mới có cái mới, hình ảnh mình mới được giữ gìn. Bất kể làm gì, hình ảnh của mình phải rõ ràng, trước nhất là với chính bản thân mình. Mình dở mình chưa hay hay mình rời đi không vấn đề gì cả, nhưng mình phải cư xử cho đúng.
Tôi đã nhận lại lá thư bạn chia sẻ về lý do bạn nghỉ, tôi xem đó là một lời chào, với cá nhân tôi. Một lời chào để kết thúc một giai đoạn trong một mối quan hệ nhỏ mà bạn bắt đầu bằng câu chuyện chúng tôi có cơ hội làm việc cùng nhau như thế nào. Lời chào đó là khởi đầu cho một mối quan hệ tiếp diễn khác.
Biết cư xử và dám cư xử đúng là lựa chọn của mỗi người. Nhưng nó không thể bắt đầu bằng một tâm thế sợ và sợ sai được.
Làm đúng thì chẳng có cái quái gì phải sợ. Bai.
Chia sẻ của Phan Hải