Trưa nay (và nhiều thời điểm khác trong ngày, trong tuần), truyền hình tiếp tục có một bản tin kêu gọi người dân cài đặt App Bluezone. Tiếc thay, bản tin này đưa tin không chính xác.
Với một chủ trương đúng là vận động người dân có smartphone cài đặt Bluezone, bản tin nói rằng cần đạt được 60% dân số cài đặt để app này phát huy tác dụng. Nhưng cách đặt vấn đề thì lại rất sai.
Bản tin nói App Bluezone “giúp người cài đặt an toàn hơn vì phát hiện được xung quanh mình có ai nhiễm bệnh”.
Để minh chứng cho điều đó, bản tin phỏng vấn một anh phi công người nước ngoài, để anh này nói “vì thường xuyên phải tiếp cận với nhiều người lạ” nên anh ta “cài Bluezone để biết xung quanh có ai nhiễm bệnh không”.
Và nhờ Bluezone, anh ta “thấy an tâm”.
Đây là một thông tin sai. Và hiển nhiên sử dụng thông điệp này để kêu gọi sẽ vô tác dụng, thậm chí là phản tác dụng.
Thông điệp này có 2 cái sai căn bản:
Một là, Bluezone KHÔNG THỂ NÀO VÀ KHÔNG BAO GIỜ có thể cảnh báo cho chúng ta biết xung quanh có ai nhiễm bệnh.
Nên nhớ, xét nghiệm nhanh sai liên tục, xét nghiệm chậm cũng có thể sai (vụ phong toả bệnh viện E vừa rồi). Vậy Bluezone “xét nghiệm” kiểu gì mà cảnh báo?
Hai là, nếu thực sự Bluezone cảnh báo cho chúng ta xung quanh có ai đó nhiễm bệnh thật thì app này quá đáng sợ vì vi phạm cam kết bảo vệ thông tin cá nhân, những người đang cài thậm chí còn muốn xoá nó ngay lập tức!
Thông điệp đúng, theo cô giáo, phải sửa lại từ “Bluezone giúp bảo vệ bản thân” qua thành “Bluezone giúp bảo vệ người thân trong gia đình bạn”.
Là bởi vì, Bluezone KHÔNG phát hiện được người xung quanh chúng ta có đang nhiễm bệnh không, mà nó chỉ ghi lại lịch sử tiếp xúc của chúng ta TRONG QUÁ KHỨ.
Nếu một ngày nào đó, trong số n người mà chúng ta ĐÃ TỪNG TIẾP XÚC được Bộ Y Tế khẳng định là nhiễm bệnh, thì nó mới cảnh báo cho chúng ta biết là chúng ta thuộc diện có nguy cơ.
Như vậy, tới thời điểm Bluezone cảnh báo thì việc tiếp xúc ĐÃ XẢY RA TRƯỚC ĐÓ RỒI, nếu chúng ta bị lây nhiễm thì cũng đã lây nhiễm xong rồi.
Nhưng Bluezone giúp chúng ta biết nguy cơ để tự cách ly, không vô tình lây nhiễm tiếp cho người khác (nếu có).
Thông điệp “Bluezone giúp bảo vệ người thân trong gia đình bạn” đảm bảo tính chính xác của thông tin, lại đề cập ngay đến lợi ích của việc cài đặt app (bảo vệ người thân). Khi triển khai trực tiếp, tuỳ vào đối tượng mà customize thông điệp sâu hơn. Thí dụ:
Với nhóm nam giới, thì đưa thông điệp: cài Bluezone để bảo vệ vợ, con bạn trong đại dịch
Với nhóm thanh niên sống cùng gia đình, thì đưa thông điệp: cài Bluezone để bảo vệ cha mẹ bạn, vì họ là đối tượng rất dễ tổn thương
Với nhóm thanh niên sống độc thân làm việc xa nhà, thì đưa thông điệp: cài Bluezone để bảo vệ người yêu, bạn tình của bạn
Vân vân…
Ngày trước, có (nhiều) tờ báo còn giật tít: Bluezone là…khẩu trang điện tử! Nghe thật kêu, và thật là hình tượng. Nhưng, tất nhiên, thông điệp đó cũng sai.
Ngay trên chính trang cài đặt ở Appstore, Bluezone cũng được quảng bá là khẩu trang điện tử. Nhưng dường như team phát triển Bluezone đã phát hiện ra vấn đề nên họ sửa lại thành “Contact detection” (phát hiện tiếp xúc).
Rõ ràng đó là thái độ cầu thị rất đáng hoan nghênh. Nếu được, Bluezone – Ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần, bảo vệ mình, bảo vệ cộng đồng có thể sửa, thêm ý “trong quá khứ” thì rõ nghĩa hơn nhiều.
Bluezone là một ứng dụng hữu ích, hiện đại, an toàn của Bkav. Nỗ lực tuyên truyền của báo đài cũng đáng hoan nghênh.
Cái gì chưa đúng thì chúng ta cùng góp ý sửa cho nó tốt hơn chứ đừng ném đá. Vì cuộc chiến này cần sự đoàn kết của tất cả mọi người.
Cô giáo đã cài Bluezone ở cả 2 điện thoại. Bà Trưng cưỡi voi Phan Thu cũng đã cài dù chả hiểu gì. Còn các em, đã cài Bluezone để bảo vệ gia đình mình chưa nhỉ?
Chia sẻ của Nguyễn Ngọc Long