Lão Tử nói: “Nước suối và mưa nguồn sở dĩ đều chảy về sông sâu biển lớn vì sông và biển dám chấp nhận ở vị trí thấp.”
Muốn làm được những điều đáng quý mà không phải ai cũng làm được thì hạ cái tôi của mình xuống thấp hơn, không tranh giành lấy hư danh.
Người đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ giành được giải Nobel hòa bình chính là Tổng thống Theodore Roosevelt, ông là một người cực kì giỏi. Ai từng tiếp xúc qua cũng đều ngạc nhiên trước vốn kiến thức uyên bác của ông.
Dù đó có là một cậu bé chăn bò Texas hay là một chính khách New York, một người huấn luyện ngựa hay là một nhà ngoại giao, Roosevelt đều biết cách làm cho câu chuyện trở nên cực kỳ thú vị và đây là bí quyết của ông.
Mỗi khi hẹn gặp ai, đêm hôm trước, ông thức rất khuya để tìm hiểu thật kỹ những vấn đề mà ông biết chắc chắn rằng người khách này sẽ quan tâm. Roosevelt cũng như tất cả các nhà lãnh đạo kiệt xuất trên thế giới đều biết rằng, con đường nhanh nhất dẫn đến trái tim một người là bàn luận về những điều mà người đó quan tâm nhất.
Là Tổng thống Mỹ – người đứng trên đỉnh cao quyền lực nhưng Roosevelt luôn sẵn sàng quan tâm đến người làm thuê, phục vụ cho mình. Ông không chỉ để ý đến suy nghĩ, ý kiến, tâm trạng, cảm xúc của người khác mà còn luôn quan tâm đến cả nhu cầu vật chất, động cơ cũng như ước mơ của họ.
Tổng thống Theodore Roosevelt khiến ngay cả những người phục vụ cũng phải yêu mến ông chân thành chính là vì ông luôn quan tâm đến người khác theo cách: sâu sắc và rất thật lòng không vụ lợi.
Dù ông là một trong những người có địa vị cao nhất nước Mỹ thời bấy giờ, lẽ ra ông có thể không cần để ý tới ai cả nhưng ông tôn trọng và quan tâm thật sự đến những người xung quanh từ người làm vườn, người phục vụ đến những người có quyền chức khác.
Làm sao bạn lại có thể không kính nể một nhân cách tuyệt vời như vậy – một người luôn quan tâm đến người khác từ những điều nhỏ nhất, bộc lộ ra ngoài đầy chân thành như một bản năng?
Ngẫm lại thì thấy bản thân mình cũng không phải người thật sự biết lắng nghe. Cách thông thường là cầm cuốn sách lên đọc, điều gì “cảm thấy có lý” theo tư duy của mình thì mới làm theo với tâm thế nửa tin nửa ngờ, điều gì “không thấy có lý” theo tư duy thì bỏ qua.
Nhưng ít ai để ý, tư duy sẵn có của mỗi người vốn là hệ quả những tri thức, kinh nghiệm họ đã cóp nhặt từ vô vàn loại sách vở, tình huống trong cuộc sống đã trải qua, đúng có nhiều – mà sai cũng vô số.
Hạ cái tôi của mình xuống không có nghĩa là bản thân trở nên thấp bé và không có chính kiến, chấp nhận ý kiến của người khác không có nghĩa bản thân là kẻ thua cuộc.
Đời người có câu:
Đãi người rộng ba phần là phúc
Xử thế lùi một bước mới cao
Nên nếu bạn cầm trên tay một cuốn sách, có thể nó có rất nhiều bài học, quan điểm, góc nhìn khác bạn. Nhưng đừng vì nó khác bạn mà bạn bỏ qua hay chỉ đọc cho biết. Đừng chỉ đọc để lấp đầy kệ sách nhà bạn mà hãy đọc để lấp đầy vốn sống của bạn.
Nếu có một lối nghĩ, cách làm nào đó khác bạn thì có nghĩa là bạn sắp học được một điều gì đó hay ho rồi đó!
Chia sẻ của Trần Thị Quỳnh Hương