Chắc chắn, khi nhìn lại, mình sẽ thấy, cái tầm của mình nó đã nâng lên dần dần khi nào không hay.
Hồi còn đi học cấp 3, mình phải rất chật vật mới có thể giải được những bài toán ở dạng trung bình.
Và với mình, 8 điểm trong môn Toán được xem là một điểm số cao.
Những bài kiểm tra, mình mặc định những câu điểm 9 hay điểm 10 mình là mình auto bỏ qua.
Vì nó khó quá.
Khi vào Đại học được vài năm, có lần mình hướng dẫn cho đứa em bài toán khó.
Những bài Toán mà năm xưa mình gần như bó tay.
Nhưng bây giờ mình có thể giải nó một cách dễ dàng hơn rất nhiều.
Lúc đó, mình thực sự cũng không biết vì sao.
Khi bắt đầu làm kinh doanh, mình gần như không biết mọi thứ.
Từ việc chọn sản phẩm, Nhà cung cấp, đơn vị vận chuyển, Marketing, vận hành gian hàng và chăm sóc khách hàng.
Đụng vào cái gì là mình bí cái đó.
Cảm giác thực sự bế tắc vô cùng.
Nhưng mình cũng may mắn, được một vài anh chị giúp đỡ nên mọi chuyện dần cũng trở nên rõ ràng hơn.
Và có một điều là, mình thấy họ làm một cách rất dễ dàng.
Thậm chí, có những thứ mà mình suy nghĩ cả tuần liền không ra thì khi chia sẻ với họ xong, họ đã có thể biết được vấn đề của mình nằm ở đâu và mình nên làm gì.
Sau này khi có dịp ngồi nói chuyện và hỏi lại, họ mới làm mình được sáng tỏ.
Bởi vì, những vấn đề mà họ giải quyết hằng ngày nó kinh khủng hơn rất nhiều so với những việc mình đang gặp.
Vì vậy, những chuyện như mình là rất dễ dàng đối với họ.
Kiểu như, nếu bạn là vận động viên Olympic thì việc phá kỷ lục ở giải quốc gia là chuyện rất bình thường.
Mặc dù, đối với nhiều người đó là một việc không tưởng.
Và từ đó, mình bắt đầu hiểu những thứ khó khăn theo đúng bản chất của nó hơn.
Đó là: TẦM CỦA MÌNH CHƯA ĐỦ ĐỂ GIẢI QUYẾT NÓ. THẾ THÔI
Nếu tầm của bạn là 10, thì những vấn đề ở tầm 7-8 là bạn có thể giải quyết rất dễ dàng.
Nhưng nếu nó lên đến 11 bạn sẽ thấy bế tắc ngay.
Và người ở tầm 20 họ lại thấy vấn đề là rất đơn giản.
Và việc của mình là, luôn học hỏi, làm và trải nghiệm nhiều hơn.
Chỉ bằng việc, giải những bài toán ngày một khó hơn.
Chia sẻ của Lê Tấn Nghĩa