Mục lục
Hôm nay, Dũng xin chia sẻ với các anh chị có doanh nghiệp hoặc các bạn đang có ý định thành lập doanh nghiệp về BỨC TRANH TOÀN CẢNH DOANH NGHIỆP.
Thưa các anh chị, Dũng thành lập công ty cho tới thời điểm này đã 7 năm, và trong 2 năm trở lại đây Dũng đã tìm tòi từng ngày kiến thức để bổ cập cho hệ thống quản trị và định hướng phát triển sao cho công ty phát triển bền vững.
Dũng tin chắc rằng các anh chị có Doanh nghiệp có tuổi đời thấp hơn, tương đương hoặc thậm chí lâu hơn, cũng đang đi tìm cho mình những lời giải để làm sao đó công ty mình phát triển bền vững và trường tồn.
Vậy một công ty phát triển bền vững và trường tồn có phải là công ty hoạt động hơn 10 năm? 15 năm? 20 năm?… và bao nhiêu năm mới gọi là bền vững và trường tồn? Nói “trường tồn” thì nghe có vẻ to tát và xa xôi quá.
Thôi thì mình chân đất quen rồi, gọi đại khái là công ty hoạt động phát triển bền vững và không chết yểu quá sớm.
Các anh chị em xem hình đính kèm để có cái nhìn toàn cảnh về doanh nghiệp, xem chúng ta đang ở đâu và trong giai đoạn nào?
Giai đoạn nào cần tập trung phát triển marketing & sales?
Giai đoạn nào tập trung xây dựng cơ cấu vị trí các cấp quản trị, hệ thống quy trình…?
Trong hình gồm 5 gia đoạn, mỗi giai đoạn là 5 năm phát triển, gồm:
- Giai đoạn 1: Giai đoạn Định hướng.
- Giai đoạn 2: Giai đoạn phù hợp
- Giai đoạn 3: Giai đoạn thử thách
- Giai đoạn 4: Giai đoạn chứng tỏ
- Giai đoạn 5: Giai đoạn Duy trì
- Giai đoạn 6: Giai đoạn đột phá.
Giai đoạn 1: Giai đoạn phát triển 5 năm đầu tiên
Đây là giai đoạn phát triển cơ bản của một tổ chức, giai đoạn này là nền tảng, là điều kiện cần… quyết định tới sự phát triển bền vừng sau này.
Trong giai đoạn phát triển này, thường thiếu thốn về nguồn lực (tài chính, nhân sự, sản phẩm, thương hiệu…). Những người tham gia tổ chức trong giai đoạn này thường làm rất nhiều việc (một người kiêm nhiều thứ).
Tôi còn nhớ lúc tôi thành lập công ty được 2 năm, có một bạn sales ở công ty khác đến tiếp thị sản phẩm cho tôi, anh ấy đi xe hơi đến công ty và xin gặp tôi, lúc đó tôi đang cởi trần, xắn quần đến đầu gối – mồ hôi nhễ nhại – cậu ấy khi biết tôi là Giám đốc vẻ mặt rất ngỡ ngàng và có vẻ ngại ngại. Chúng tôi bắt tay nhau và mời cậu ấy lên phòng họp.
Sau đợt đó tôi không thấy cậu ấy quay lại, có lẽ cậu ấy nghĩ rất khác về tôi (một vị CEO phải bốc hàng).
Trong giai đoạn này tôi gọi là giai đoạn KHỦNG HOẢNG MỌI THỨ, từ khâu tìm kiếm sản phẩm để cho ra thị trường, cho đến tìm một nhà cung cấp uy tín và trách nhiệm…
Khi có khách hàng mua hàng thì lại không có tiền để trả tiền cho đối tác, việc thuyết phục công nợ không phải chuyện dễ (khi mà Việt nam có rất nhiều vị mua hàng xong không muốn trả tiền – ăn quỵt và trốn nợ…).
Trong giai đoạn này, thường các công ty hoạt động theo kiểu tự phát, các CEO thường đi lên từ nghề của chính mình trước đây, kiến thức quản trị và quản lý chủ yếu là chấp vá, học lóm và các khóa ngắn hạn (nếu là người chịu học).
Đa phần các CEO trong giai đoạn này lao vào kiếm tiền là chủ yếu, công ty hoạt động không có quy trình bài bản, chủ yếu là phát triển chính sách về bán hàng và làm sao đó có được nhiều tiền nhất.
Khi các công ty vượt qua giai đoạn 5 năm đầu tiên và bắt đầu bước qua giai đoạn 5 năm tiếp theo, tức là GIAI ĐOẠN PHÙ HỢP.
Giai đoạn 2: Giai đoạn 5 năm tiếp theo
Các công ty đã lọt vào trong giai đoạn này thì hầu hết đều vượt qua thời kỳ cơm áo gạo tiền, và bắt đầu có vốn để tái đầu tư vì công ty đang ngày càng phát triển hơn.
Chính vì vậy, CEO bắt đầu tập trung vào xây dựng quy trình nghiệp vụ, xây dựng các quy chế chính sách rõ ràng, sắp xếp lại tổ chức theo chức năng và đưa người vào từng vị trí cho phù hợp.
Đây là giai đoạn KHỦNG HOẢNG LÃNH ĐẠO. Giai đoạn này rất vất vả để thuyết phục các cổ đông (những người vừa tham gia góp vốn và tham gia điều hành) ngồi đúng vị trí vì trước đây họ toàn kiêm nghiệm và hoạt động theo kiểu gia đình không bài bản.
Khi đưa tổ chức vào hệ thống thì sẽ có những vướng mắc, những rào cản về quy định chính sách và địa vị trong công ty.
Trong giai đoạn này, công ty nào xây dựng hệ thống quản trị thành công thì chắc chắn công ty sẽ phát triển vượt bậc trong các giai đoạn tiếp theo.
Người CEO nắm giữa vai trò trong giai đoạn này phải là người bản lĩnh, công minh và am hiểu về quản trị, đồng thời cũng phải biết nhìn người, nhìn ra thế mạnh của mỗi cá nhân để sắp xếp phù hợp trong sơ đồ tổ chức của công ty.
Nếu trong giai đoạn này mà bố trí không công minh thì chắc chắn KHỦNG HOẢNG VỀ LÃNH ĐẠO sẽ làm cho tổ chức đi xuống và không phát huy hết sức mạnh của mọi người trong hệ thống quản trị của công ty.
Giai đoạn 3: Giai đoạn thử thách
Khi công ty đã vượt qua giai đoạn KHỦNG HOẢNG LÃNH ĐẠO thì bước tiếp theo sẽ là KHỦNG HOẢNG TỰ QUẢN.
Khi công ty đã xây dựng quy trình nghiệp vụ bài bản, mọi người đã được bố trí và sắp xếp đúng vị trí, việc phải làm trong giai đoạn này là bước đệm của sự tăng trưởng đột phá.
Trong giai đoạn này, khi mà quy mô công ty đủ lớn việc giám sát chi tiết giống như hai giai đoạn đầu giảm đi rất nhiều, và các công ty tập trung vào quản trị theo mục tiêu (management of objectives).
Vậy quản trị theo mục tiêu là gì? Quản trị theo mục tiêu là phương pháp quản trị trong đó nhà quản trị và những thuộc cấp cùng nhau thiết lập mục tiêu rõ ràng. Những mục tiêu này được các thành viên tự cam kết thực hiện và kiểm soát.
Trong thực tiễn quản trị ngày nay, quản trị theo mục tiêu bao gồm bốn yếu tố cơ bản:
- Sự cam kết của các quản trị viên cao cấp với hệ thống MBO;
- Sự hợp tác của các thành viên trong tổ chức để xây dựng mục tiêu chung;
- Sự tự nguyện tự giác với tinh thần tự quản của họ để thi hành kế hoạch chung;
- Tổ chức kiểm soát định kỳ việc thực hiện kế hoạch.
Giai đoạn 4: Giai đoạn chứng tỏ
Ôi dài quá, thôi dừng viết ở đây nha các anh chị. Ai có doanh nghiệp phát triển > 15 năm thì viết tiếp giúp. Đọc dài quá mọi người nản.
Chia sẻ của Dũng Nguyễn Xuân từ Phát Triển Doanh Nghiệp Việt