Mục lục
Trong quá trình tìm hiểu về Thương hiệu, mình đã được tiếp xúc với vô số các thuật ngữ: brand identity, brand positioning, brand image, brand equity… mà đôi khi chưa phân biệt được và cảm thấy khá “rắc rối” về các khái niệm. Đặc biệt “Brand identity” và “Brand image” là hai thuật ngữ dễ gây nhầm lẫn nhất khi đặt cạnh nhau.
Brand Identity là gì?
“Brand Identity” chính là bộ nhận diện thương hiệu, là cá tính, là giá trị cốt lõi của một thương hiệu, được truyền tải tới khách hàng mục tiêu thông qua logo, màu sắc, bao bì, icon và hơn thế nữa.
Không quá ngạc nhiên khi cùng một sản phẩm nhưng bạn lại chọn mua qua Instagram, Facebook vì những hình ảnh long lanh, đã con mắt chứ không chọn mua giá rẻ trên Shopee.
Hay bạn sẵn sàng bỏ tiền ra ngồi 1 quán cafe decor đẹp mắt, được check in sang chảnh thay vì chọn cafe vỉa hè. Đó chính là lợi ích của doanh nghiệp khi đầu tư vào “Brand identity”.
“Brand identity” là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng giúp cho doanh nghiệp khẳng định vị trí và tạo khả năng ghi nhớ thật lâu trong tiềm thức của khách hàng.
Một doanh nghiệp có bộ nhận diện thương hiệu thật mạnh mẽ và ấn tượng chắc chắn sẽ tạo nên sự khác biệt đối với các đối thủ cạnh tranh trên thị trường, từ đó tăng cường khả năng nhận biết sản phẩm hơn trong mắt khách hàng.
Ngoài ra khi hình ảnh thương hiệu tốt đẹp sẽ tạo được lòng tin và sự ủng hộ của khách hàng, giúp doanh nghiệp tiến gần hơn với người tiêu dùng.
Vậy Brand Image là gì?
“Hình ảnh là tập hợp niềm tin, ý tưởng và ấn tượng mà một người nắm giữ liên quan đến một đối tượng”, (theo Philip Kotler)
Vậy nên Brand image chính là nhận thức, cảm nhận hay niềm tin của khách hàng về thương hiệu sau khi được tiếp cận, trải nghiệm với các hình ảnh, thông điệp mà doanh nghiệp mang tới.
Nói cách khác, Brand image cho biết cách khách hàng nghĩ và cảm nhận khi nhắc tới một thương hiệu nào đó.
Phát triển hình ảnh thương hiệu không chỉ trong ngày một ngày hai, mà cần một thời gian dài. khách hàng hình thành nên hình ảnh dựa trên sự tương tác và trải nghiệm với thương hiệu mà không nhất thiết liên quan tới việc mua và trải nghiệm sản phẩm đó.
Việc hình thành một hình ảnh thương hiệu nhất quán vô cùng khó khăn vì một thương hiệu có thể được cảm nhận khác nhau bởi những khách hàng khác nhau.
Ví dụ: Khi nghĩ tới KFC, hình ảnh hiện lên trong tâm trí mình (Brand image) chính là “Đồ ăn nhanh, không lành mạnh, béo phì”. Chắc chắn khác xa với những gì họ muốn khách hàng nhận diện thương hiệu (Brand identity) là: “Vị ngon trên từng ngón tay”, “Gà ngon mê ly” hay “hương vị ngon không thể cưỡng nổi”
Tóm lại:
- Brand identity là những gì doanh nghiệp muốn khách hàng hình dung và nhớ tới
- Brand image là những gì khách hàng thực sự hình dung và nhớ tới
Chia sẻ của Biệt Đội Marketers 4 Cấp Độ.