Bài viết dành cho những lúc khó khăn nhất trong ngành, những khi đầu óc trống rỗng không nghĩ ra được bất cứ cái gì, những ngày deadline dập liên miên cùng một lúc, và cái đầu thì chỉ hướng tới suy nghĩ “Hay là thôi nghỉ việc đi kinh doanh cho rồi!”….
Nó bắt đầu vào ngành với sự thán phục & ngưỡng mộ những campaign hướng tới cộng đồng (k vì mục tiêu kinh doanh) của Coca Cola. Thằng nhóc khi đó luôn tự hỏi rằng không biết những thần thánh phương nào đã làm sao để nghĩ ra những Idea “khủng” như thế. Thế rồi nó bước vào ngành với sự ảo tưởng rằng bản thân mình cũng sẽ góp một phần với tập thể để tạo ra những điều kì diệu như thế.
Nhưng cuộc đời không như là mơ (nên vẫn thường giết chết mộng mơ) và ở cái thời mà ngành quảng cáo & creative ở Việt Nam chỉ là một khái niệm gì đó còn xa lạ với công chúng thì nhóc tì cảm thấy đuối sức. Bắt đầu bằng việc tham gia một khóa học về các phần mềm đồ họa – rồi sau đó là bước những bậc thang thấp nhất của bên “làm hình” – leo lên dần đến khi chuyển sang làm về Idea.
Dĩ nhiên là cũng như bao người, nó không phải là siêu nhân hay nhân vật đặc biệt nào đó nên thỉnh thoảng nó vẫn nghĩ rằng bản thân mình thật ra…. cóc hề sáng tạo tẹo nào & hình như nó chọn sai ngành rồi thì phải
Bù lại, nó được cái là hay quan sát và để ý những câu chuyện của mọi người xung quanh:
Nó hay ăn ở quán cơm bình dân của dì Bảy ở đầu hẻm. Dì trước sống cùng chồng & anh con trai, sau tai nạn thì cả 2 đều mất nên giờ mình dì quán xuyến cả quán cơm.
Nó hay hỏi: – Dì bán cả quán cơm này một mình có cực hông?
Dì Bảy: – Ừa cực lắm con. Như người ta nếu mua nhiều là có mối giao tới tận nơi hết. Còn dì do mua ít và một phần dì thấy giao tới mình cũng không được lựa chọn đồ tươi, nên cứ mấy ngày dì tự đi ra chợ đầu mối lựa rau, cá, thịt rồi mới về chế biến.
Cực và không lời nhiều nhưng bù lại đồ ăn ngon & đảm bảo vệ sinh cho khách. Khách quán dì toàn sinh viên và mấy cô chú đi làm không hà, ai cũng bận nên ăn đại cái gì đó rồi đi làm, đi học. Mà tụi nó có khác gì con dì lúc còn sống đâu, nhìn tụi nó ăn no rồi có sức lo công chuyện là dì đỡ nhớ ổng và nó…
Có bữa, có đứa nói với dì: – Con còn có 5 ngàn àh. Dì lấy cho con nhiều cơm và chan nước kho cũng được.
Dì mới nói: – Thôi bay vô đây ngồi ăn với dì. Đồ ăn cũng bán gần hết rồi nên dì chừa ra nhiêu đây để ăn trưa. Thêm một đôi đũa và cái chén chứ mấy, ăn chung với dì cho vui!
Vậy đó rồi hỏi sao dì không thương. Nếu không là dì nghỉ bán để đi kiếm việc khác làm cho khỏe rồi!
Chỉ qua một đoạn hội thoại đơn giản mà bạn có tin rằng chúng ta có thể dùng nó để xây dựng một chuỗi “Cơm Nhà” – với Brandname là “Dì thương!” – cùng Idea (thông điệp muốn truyền tải) xuyên suốt là: Điều chúng tôi quan tâm nhất là chất lượng bữa ăn của bạn.
“Dì thương!” sẽ cung cấp cho bạn một bữa cơm với đầy đủ dưỡng chất từ những nguyên vật liệu được chọn lựa kĩ càng để đảm bảo vệ sinh nhất. Hơn thế nữa, khi đến quán bạn sẽ cảm nhận một không khí đầm ấm như dùng cơm tại gia đình.
Từ câu chuyện nghe lỏm đâu đó hoặc chính bản thân trải nghiệm mà nó nhận ra rằng các “thần thánh phương nào” thật ra cũng chỉ là những người bình thường như mọi người.
Và SÁNG TẠO không bao giờ là tự dưng ngồi nhắm mắt lại “thiền” chờ quả táo rớt trúng đầu là sẽ Euréka ra một thứ siêu phàm nào đấy – mà phải là sự trải nghiệm & từng trải với vốn sống thật dầy.
Người sáng tạo chỉ là những kẻ may mắn và có đủ kĩ năng để kết nối mọi thứ lại với nhau (dân trong nghề vẫn hay gọi việc này là “Connecting the dots”)
Nếu bạn vẫn luôn nghĩ rằng bản thân mình không đủ sáng tạo hoặc thậm chí là không hề có tí tẹo nào sáng tạo thì… xin chia buồn! Vì sự thật đúng là như vậy đấy.
Bạn không thể ngày ngày cứ nhìn vào màn hình máy tính và hi vọng một Ý tưởng nào đó sẽ xuất hiện. Hoặc cứ bí cái gì là lại vào Google rồi gõ “Insight của giới văn phòng về việc chọn một quán ăn trưa… “. Hay nhìn vào data của một bảng báo cáo nào đó thì chắc chắn xác định được các bạn trẻ mới nhập môn trong ngành sáng tạo đang quan tâm tới điều gì…
Không có tool hay bất cứ công cụ social listening nào có thể giúp bạn nghe được câu chuyện của dì Bảy bán cơm ở trên hết.
Thay vì thế, bạn phải đi ra ngoài, phải nói chuyện với mọi người, phải tìm hiểu và quan tâm xem điều gì đang khiến họ có cảm tình hoặc chưa hài lòng ở một nhãn hàng, một dịch vụ nào đó.
Để rồi sau đó bạn sẽ biết chính xác mình cần phải nói gì với Customer / Consumer để giúp họ giải quyết những khó khăn đó.
Nó sáng tạo. Mình sáng tạo. Bạn sáng tạo. Tất cả chúng ta đều có thể sáng tạo.
Hãy luôn tin như vậy!
Chia sẻ của Viết Hùng