Tìm Trường Tiểu Học Cho Con Từ A -> Z

Mình viết post này để chia sẻ cách mà mình đã chọn trường tiểu học cho con.

Dù lựa chọn là chủ quan tuy nhiên mình nghĩ phương pháp mình đã áp dụng cũng khá hiệu quả và tiết kiệm kha khá thời gian cho các ông bố bà mẹ bận rộn.

Bố mẹ thấy hay có thể tham khảo cho các bạn năm tới nha.

Bố mẹ muốn gì?

Mình có follow khá nhiều group và đọc các post của nhiều phụ huynh thì thấy khá nhiều bố mẹ bị tắc ở ngay bước này. Đặc biệt với những bố mẹ có nhiều lựa chọn (thu nhập gia đình đủ tốt để con học tư CLC hay công đều được).

Lựa chọn tốt nhất không phải là lựa chọn nhiều người khen nhất, mà là lựa chọn phù hợp với hoàn cảnh gia đình mình và cái mình muốn nhất.

Ví dụ ở trường hợp của mình, vì đã làm kinh doanh trong ngành CNTT, nên mình không quá bó buộc con cái vào con đường truyền thống như đi học phải học trường chuyên lớp chọn (mình học Chu, còn chồng mình học Ams, vợ chồng mình đều học Bách Khoa hệ CLC nên có khá nhiều trải nghiệm các môi trường chuyên chọn).

Sau một thời gian đi làm và lập nghiệp ở Việt Nam và nước ngoài, mình thấy kiến thức không phải là một yếu tố quan trọng cho sự thành công. Mà là các năng lực dưới đây:

  • Thấu hiểu bản thân (năng lực, giới hạn, đam mê)
  • Sáng tạo (ngoài khuôn khổ)
  • Bền bỉ (theo đuổi một con đường trong một thời gian dài)
  • Tinh thần lạc quan, tự tin
  • Sức khỏe tốt
  • Ngoại ngữ có nền tảng (đủ giao tiếp, tìm kiếm thông tin)

Vì vậy, khi chọn trường tiểu học cho con, mình rất quan tâm đến các môi trường giúp bồi dưỡng các năng lực này, chứ không phải các môi trường giúp con thu nạp quá nhiêu kiến thức.

Đối với gia đình mình, đây sẽ là định hướng xuyên suốt cho cả 12 năm học của con. Một khi đã xác định được định hướng thống nhất, thì các lựa chọn cụ thể sẽ đơn giản hơn rất nhiều.

Từ định hướng này, nhà mình thống nhất con sẽ học trường tư CLC thay vì công lập. Lưu ý đây là một lựa chọn chủ quan. Một số bố mẹ có con học công, nhưng bỏ công bỏ sức giúp con bồi dưỡng năng lực này thì các bé đều phát triển rất tốt, thậm chí còn sáng tạo và năng động hơn các bạn học tư.

Vì vậy mọi lựa chọn không có tuyệt đối đúng sai. Chỉ là phù hợp thôi nha các bạn.

Sau khi chốt định hướng lớn này, nhà mình bắt đầu lọc các lựa chọn

Lọc các lựa chọn

Chọn trường cho con, mình thường liệt kê 3 nhóm yếu tố chính để lọc các lựa chọn:

Yếu tố phải có (Must-have)

Với mình các yếu tố must-have sẽ là:

Học phí ở mức bố mẹ chi trả được thoải mái (học phí học chính của tất cả các con tầm <20% thu nhập của cả bố và mẹ)

Yếu tố này rất quan trọng với gia đình mình vì mình nghĩ bố mẹ nếu bị quá áp lực chuyện tài chính sẽ có cái nhìn khắt khe và vô tình tạo áp lực, gánh nặng tinh thần cho con cái. Hơn nữa nếu tài chính “cố quá” thì định hướng giáo dục sẽ không xuyên suốt suốt 12 năm học.

Sẽ làm mất nhiều thời gian cho con để thích nghi giữa các môi trường giáo dục khác nhau (ví dụ từ song ngữ chuyển sang công lập). Nếu bố mẹ đủ sâu xát, thì ở môi trường nào con cũng phát huy được theo hướng tích cực.

Khoảng cách trường – nhà/cơ quan <= 3km

Về khoảng cách, nhà mình chỉ ưu tiên các trường trong vòng bán kính 3km tính từ nhà hoặc cơ quan bố mẹ và nói không với xe buýt ở cấp tiểu học.

Lý do là tiểu học là giai đoạn các con chuyển tiếp từ chơi sang học, từ môi trường “được chăm sóc” sang môi trường “tự hòa nhập, tự bơi” nên bố mẹ rất cần thời gian quan sát tâm tư tình cảm của con để can thiệp và hỗ trợ kịp thời.

Trừ các bạn quá chững chạc (mà mình tin là số này cực ít) thì đa phần các con đều còn non nớt khi mới vào lớp 1. Khoảng cách 3km này giúp bố mẹ luôn có thể đưa đón con trực tiếp, nói chuyện với cô giáo để kịp thời đồng hành cùng con những lúc khó khăn.

Tôn trọng sự khác biệt

Như mình đã nói ở trên, định hướng của gia đình là muốn con có khả năng thấu hiểu bản thân, để từ đó biết mình yêu gì, thích gì mà cố gắng theo đuổi. Vì vậy, môi trường con học cần “không ngăn cản” sự khác biệt của con.

Sự khác biệt này có thể là bạn thì thích văn, bạn thích toán, bạn rụt rè, bạn bạo dạn. Bạn thích thi thố, bạn không. Nhưng mọi lựa chọn và thiên hướng của con cần được tôn trọng ở mức độ nhất định.

Mình không quá đánh giá cao các môi trường đào tạo theo một chuẩn chung, nơi các con có chung một bộ tiêu chí đánh giá mà nếu ngoài bộ tiêu chí đó, thì con sẽ không có mấy giá trị trong mắt thầy cô.

Đây là tiêu chí cực kỳ cá nhân nên mình tin có bố mẹ đồng tình, có bố mẹ không.

Đề cao việc rèn luyện sức khỏe

Thực tế cho thấy, nếu không có đủ sức khỏe, thì mọi ước mơ hay mục tiêu chỉ là trên giấy thôi. Hoặc con sẽ nhanh chóng bị vào trạng thái burn-out (kiệt quệ) khi phải tải chương trình quá nặng mà ít rèn luyện sức khỏe.

Vì vậy mình cũng ưu tiên các môi trường cân bằng giữa việc học và việc tập luyện thể thao. Dù gì giáo dục cũng là con đường dài. Mình không muốn con dồn sức quá nhiều ở chặng đầu marathon và lúc cần nước rút thì lại kiệt sức.

Chương trình học nhiều tiếng Anh

Ngoại ngữ trong tương lai sẽ là cánh cửa mở ra cơ hội mà ai cũng phải có. Nên nếu có điều kiện, mình luôn muốn con học môi trường sử dụng nhiều ngoại ngữ nhất có thể.

Vì vậy số tiết tiếng Anh, chất lượng giảng dạy của chương trình tiếng Anh là cái mình khá ưu tiên khi chọn trường.

Yếu tố nên có (Nice-to-have)

Cơ sở vật chất mới

Khi đã lựa chọn mức học phí thì thường bố mẹ cũng xác định được kha khá về mức độ cơ sở vật chất mà con sẽ nhận được. Với nhà mình thì cơ sở vật chất cần an toàn, nhà vệ sinh cần sạch sẽ và có đủ không gian cho con vận động.

Còn việc cơ sở vật chất mới hay lung linh không quá quan trọng. Bạn thử nghĩ mà xem, hồi xưa bạn đi học, cái bạn nhớ nhất là tòa nhà của trường hay là những người bạn mà bạn có?

Với mình cái mình nhớ là những kỷ niệm với bạn bè thôi, còn Cơ sở vật chất thì đâu cũng như nhau.

Thầy cô dạy giỏi, có tâm

Nếu được gặp đúng thầy cô dạy giỏi, có tâm thì thực sự là cái duyên may mắn. Nhưng nếu không có cái duyên đó, thì mình nghĩ sẽ dạy con cách chấp nhận và tìm ra điểm sáng trong hoàn cảnh. (Tất nhiên là thầy cô mà bê bối quá thì cũng không ổn, nhưng nếu được 7/10 điểm thì mình nghĩ là đủ để con học tiếp).

Việc thích nghi với những người không hoàn hảo cũng là kỹ năng quan trọng. Vì khi đi làm có phải lúc nào bạn cũng gặp được người sếp vừa giỏi vừa tâm lý đâu, nên nếu chỉ chăm chăm vào cái không được thì tâm lý sẽ luôn thấy bất mãn.

Yếu tố không được có (Must-not-have)

  • Môi trường không an toàn về thể chất mà bố mẹ không bù đắp được
  • Môi trường không nhân văn, không tôn trọng con người

Hai yếu tố này thường rất khó đánh giá nếu chỉ xem thông tin trên mạng, mà phải đi khảo sát trực tiếp. Vì vậy mình sẽ nói thêm ở phần sau: Lên kế hoạch ứng tuyển.

Lên kế hoạch ứng tuyển

Shortlist các trường phù hợp

Sau khi liệt kê hết danh sách các trường đạt được tiêu chí Must-have thì nhà mình bắt đầu lọc top 5 các trường đạt các tiêu chí này cao nhất. Tất nhiên có trường này trường kia tuy nhiên top 5 là đủ để bố mẹ chuyển sang bước tiếp theo: Đi khảo sát thực địa từng trường.

Bên dưới là ảnh thực tế một danh sách mình đã lên cho con, có đánh dấu màu các trường vào shortlist top 5 (màu vàng). File này đối với mình là file tổng hợp, tức là chỉ cần nhìn qua là có đủ tất cả các thông tin mình cần để ra quyết định, từ học phí, vị trí, contact trường, đến note nhanh về chương trình học.

Danh sách này thường được mình chuẩn bị khá sớm (tầm 1.5-2 năm trước khi con phải ứng tuyển). Lý do là thời gian ứng tuyển của các trường thường là nửa năm trước khi nhập học.

Có nghĩa là việc con học trường nào, bố mẹ cần đã có sơ sơ shortlist trước khi nộp đơn, hay thi tuyển rồi. Để thời gian rộng dài thì khi có đủ thông tin, con vẫn có khoảng 6 tháng đến 1 năm để chuẩn bị nền tảng (học thêm TA, học thêm Toán, hay đăng ký lớp tiền tiểu học để thực sự tiếp xúc với môi trường tiểu học đó).

Khi đi khảo sát, mình thường tập trung vào các điểm mà không thể tìm thấy thông tin trên mạng như thái độ, cách giao tiếp của những người trong trường với học sinh (từ bảo vệ, cô bếp đến giáo viên…) vì đây là những người tiếp xúc trực tiếp và chịu trách nhiệm về con hàng ngày);

Sự an toàn và sạch sẽ của môi trường học (đặc biệt nhà vệ sinh và bếp), ngoài ra thì các cơ sở vật chất liên quan đến việc tập luyện thể thao, học hành. Mỗi người sẽ có một ưu tiên riêng, nên bố mẹ nên suy nghĩ về thứ tự ưu tiên của mình để khi đi khảo sát tránh mất thời gian.

Mình thường dành 1 buổi sáng để khảo sát tầm 1-2 trường cho đỡ bị “cưỡi ngựa xem hoa”. Nếu trường nào phạm vào các điểm Must-not-have thì mình sẽ out luôn để tránh mất thời gian.

Mình không ảo tưởng con mình là thiên tài, nên tiêu chí của mình là đi chầm chậm, chuẩn bị dần dần cho cả bố mẹ và con đều vui vẻ. Ngoài ra thì mình cũng luôn nghĩ phương án back up trong tình huống các lựa chọn ban đầu không phù hợp.

Ví dụ như con mình, đã đăng ký trải nghiệm hệ K arch (tiền tiểu học) và không đỗ. Trong quá trình trải nghiệm thì mình đều quan sát và nhận ra là phong cách cá tính của con không phù hợp với định hướng giáo dục của Arch.

Nên rất nhanh sau đó, nhà mình đã chuyển hướng. Vì chuẩn bị sớm nên việc chuyển hướng cũng rất thoải mái, không căng thẳng.

Lên timeline hành động

Sau khi đã shortlist được top 5, mình sẽ lên lịch theo dõi các mốc thông tin quan trọng của từng trường:

  • Lịch đăng ký lớp tiền tiểu học (có trường có, trường không)
  • Ngày thông báo tuyển sinh
  • Ngày thi tuyển hoặc phỏng vấn
  • Ngày biết kết quả (để nhỡ con trượt còn xoay phương án khác)

Timeline mình làm nó sẽ như hình bên dưới.

Với những bố mẹ hay quên như mình, thì cái timeline này rất hữu dụng. Mình không cần nhớ chi tiết mà chỉ cần đặt lịch các mốc quan trọng để điện thoại nhắc việc cho mình. Ngoài ra khi lên timeline, các bố mẹ sẽ thấy ngay các trường nào có lịch thi, tuyển sinh trùng nhau. Từ đó lại phải lựa chọn một lần nữa để quyết định mình sẽ ưu tiên trường nào.

Quá trình lựa chọn này khá hay. Việc liên tục cân nhắc giữ gì, bỏ gì cũng giúp bố mẹ nhìn rõ hơn các tiêu chí và ý muốn của bản thân dành cho con, cũng như luôn phải tự hỏi về năng lực của con mình để có phương án phù hợp

Ứng tuyển

Bước này là bước nhanh gọn nhất với gia đình mình. Vì những cái gì cần nghĩ đã nghĩ ở các bước trên hết rồi. Khi bạn nhà mình thi xong hệ G Newton, là nhà mình đã có thể tự tin chốt luôn phương án này và tìm các cách tối ưu học phí. Chứ không còn mông lung đi hỏi người này người kia nữa.

Một tip nhỏ mà mình nghĩ các bố mẹ có thể tận dụng là các group Facebook của phụ huynh các trường trong shortlist hoặc các group Đồng hành phụ huynh như group này.

Cá nhân mình thực sự biết ơn vì nhờ có group, mà mình có thêm được rất nhiều thông tin hữu ích và chân thực, cũng quen thêm được một số chị phụ huynh rất giỏi, rất tâm huyết với con để mà follow học hỏi.

Hy vọng bài này có thể hữu ích với bố mẹ nào có con sắp vào tiểu học.

Như mình đã nói, mọi sự lựa chọn không có đúng sai, miễn là nó phù hợp với gia đình và năng lực của con thì đều là lựa chọn tốt nhất.

Chúc bố mẹ luôn an nhiên, vượt qua Covid.

Chia sẻ của Ellen Minh Nguyen

Bài viết này có hữu ích với bạn không?

Click vào một ngôi sao để đánh giá bài biết!

Đánh giá trung bình 0 / 5. Số phiếu: 0

Không có phiếu bầu cho đến nay! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài này.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết có 0 bình luận
THÔNG TIN NGƯỜI GỬIĐóng (x)

Bài Hay Nên Đọc

Bài Mới Xuất Sắc

Case Study Mùa Dịch: Bán Hết 500kg Cua Trong 1 Ngày

Đây là một case study khá thú vị với mình trong mùa dịch, chưa dừng việc bán hết 500kg cua mà những ngày tiếp theo...

Seeding Facebook – Hiệu Ứng Đám Đông Không Bao Giờ Đi Sau Thời Đại

Mình làm chuyên về dịch vụ seeding từ lúc mà seeding còn chưa biết đến nhiều bị. Thậm chí anh chị em đánh đồng vào...

Cổ Phiếu Bất Động Sản Có Phải Là Những Tài Sản Bất Động Thời Gian Tới?

Trước khi tìm hiểu dòng cổ phiếu BĐS có tiếp tục là dòng cổ phiếu đáng đầu tư cho năm 2021-2022. Chúng ta cùng nhìn...

Hạng mục đầu tư – Tại Sao Stocks Có Thể Đánh Bại Bonds Hay Gold?

Đầu tư có thể được hiểu là việc từ bỏ nhu cầu tiêu tiền ở thời điểm hiện tại của bản thân mình, chuyển số...

Ma Trận BCG Là Gì?

Được tạo bởi Boston Consulting Group, ma trận Boston – còn được gọi là ma trận BCG hoặc ma trận tăng trưởng – cung cấp...

Ngày Kép 5.5 Thì Làm Gì Để Nhiều Đơn Hàng?

Trước tiên, shop cần tối ưu lại trang chủ của shop, banner, hình ảnh sản phẩm và nội dung mô tả của các sản phẩm...