7 Bước Viết Mô Tả Sản Phẩm Kinh Doanh Online

Bước 1 Động não (Brainstorm)

AI TẠI SAO TẠI SAO KHÔNG

Trước khi đặt bút hoặc gõ bàn phím viết một bài mô tả sản phẩm, hãy dành ra một ít thời gian suy nghĩ bằng phương pháp động não (brainstorm).

Bạn có thể dùng cách làm việc truyền thống bút viết, sổ tay và sticker hoặc những công cụ hiện đại máy tính với Microsoft Word và Google để viết ra các ý tưởng và nội dung mình nghĩ ra.

Nội dung brainstorm có thể xoay quanh việc trả lời các câu hỏi sau. Những câu hỏi này chỉ mang tính chất tham khảo và gợi ý, bạn cần linh hoạt tùy theo loại hình sản phẩm hoặc dịch vụ mình đang viết:

Người mua hàng là những AI?

  • Giới tính?
  • Độ tuổi?
  • Nghề nghiệp hoặc lĩnh vực công tác?
  • vân vân…

TẠI SAO người ta phải mua sản phẩm hoặc dịch vụ này?

  • Mua cho bản thân?
  • Mua để tặng?
  • Mua để thay thế cái cũ hoặc một thứ khác tương tự?
  • Mua để thể hiện đẳng cấp (nếu là những mặt hàng cao cấp, xa xỉ)?
  • vân vân…

TẠI SAO người ta có thể KHÔNG mua sản phẩm hoặc dịch vụ này?

  • Do kích cỡ không phù hợp, quá to hoặc quá nhỏ?
  • Do giá cả không phù hợp hay quá đắt?
  • Do vật phẩm không có nhiều giá trị sử dụng / có thể được thay thế bằng sản phẩm khác tiện và rẻ hơn?

Viết ra những giải pháp ĐẬP TAN các ý TẠI SAO KHÔNG:

  • Những sản phẩm hoặc dịch vụ của mình không có những khuyết điểm trên.
  • Những nhược điểm có thực sự đã được kiểm chứng?
  • Sản phẩm hoặc dịch vụ của mình có thể biến những nhược điểm đó thành ưu điểm?

Bước 2 Viết tiêu đề

Sau bước 1, bạn đã hoàn tất việc brainstorm AI TẠI SAO TẠI SAO KHÔNG cho sản phẩm của mình, nên bây giờ, ắt hẳn bạn đã có một danh những từ khóa (keyword) để sử dụng trong tiêu đề bài viết.

Một số mẹo nhỏ để viết tiêu đề hay:

Ngắn gọn:

Tiêu đề chỉ nên có từ 3 đến 7 từ khóa quan trọng.

Lưu ý khả năng gây chú ý của những ký tự đầu tiên vì chúng sẽ xuất hiện cùng với sản phẩm khi bạn tải sản phẩm lên mạng để quảng bá và bán.

Thân thiện:

Hãy viết tiêu đề dựa trên suy nghĩ và hành vi của khách hàng. Những từ khóa nào thường được khách hàng gõ để tìm đến sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn?

Tiêu đề nên có ngôn ngữ thân thiện và gần gũi, nhưng hạn chế dùng từ thông tục hoặc từ lóng mà chỉ mình bạn hiểu (Chúng ta đang bán sản phẩm hoặc dịch vụ cho khách hàng, nên ưu tiên hiểu khách hàng và dùng ngôn ngữ của khách hàng để viết).

Bước 3 Viết câu chốt

Đến đây, bạn đã hoàn tất bước 1 (brainstorm) để hiểu về sản phẩm và khách hàng của bạn, và bạn cũng đã hoàn thành bước 2 đặt một tiêu đề vừa hay vừa “tình thương mến thương” với con bọ tìm kiếm của Google (thông qua các từ khóa).

Giờ là lúc bạn bắt đầu đi vào sản phẩm hoặc dịch vụ cần mô tả, mở đầu bằng một câu chốt.

Câu chốt tạm hiểu là một câu tóm tắt chung về sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn. Sau đây là một số thủ thuật để viết một câu chốt hiệu quả:

 “Lần nữa, hãy ngắn gọn và súc tích”:

Độ dài của một câu chốt khi được nói ra với tốc độ vừa phải chỉ nên kéo dài tối đa 30 giây.

Số ký tự lý tưởng tối đa là 140 (phù hợp để quảng bá qua tin nhắn điện thoại hoặc Twitter).

Bạn có thể viết nhiều hơn một câu nếu cảm thấy chưa đủ ý. Nhưng số lượng lý tưởng nhất vẫn là một câu mà đầy đủ ý nghĩa.

 “Đơn giản là thượng sách!”:

Phần mô tả sản phẩm trong câu chốt nên đảm bảo rằng một người không có hiểu biết nhiều về sản phẩm khi đọc lên vẫn có thể mường tượng ra sản phẩm đó.

Hạn chế dùng những thuật ngữ chuyên môn mà phần đông khách hàng không hiểu.

 “Hãy là một cô nàng / anh chàng thú vị!”:

Sử dụng những động từ mạnh.

Ứng dụng những tính từ mô tả có khả năng gợi hình.

Làm cho sản phẩm trở thành một thứ tài sản không-thể-không-có.

Bước 4 Chi tiết sản phẩm

Okay, chúng ta đã động não ý tưởng (bước 1), viết tiêu đề (bước 2) và câu chốt (bước 3), giờ đã đến “miếng bánh ngon nhất” Chi tiết về sản phẩm.

Sử dụng những ý tưởng đã được brainstorm từ bước 1:

Mô tả những ai có thể sử dụng sản phẩm và giải thích tại sao.

Đề cập những hạn chế có thể có của sản phẩm để rồi sau đó đập tan chúng, tranh thủ cơ hội gia tăng lòng tin của khách hàng tiềm năng.

Hãy cụ thể:

Cho biết kích thước sản phẩm: chiều dài, chiều rộng, và các kích thước khác nếu có.

Sản phẩm có thể được sử dụng như thế nào?

Khách hàng sẽ cảm nhận thế nào khi dùng sản phẩm?

Tranh thủ nêu các từ khóa tìm kiếm / tag:

Bước số 4 này cũng chính là cơ hội để bạn thoải mái liệt kê những từ khóa tìm kiếm / tag cho sản phẩm để gia tăng khả năng được tìm thấy trên Internet.

Tuy nhiên, hiện nay phần lớn các blog hoặc trang web bán hàng cho phép đăng tải sản phẩm đều có tùy chọn thêm tag ngoài bài viết, nên bạn cũng không cần phải quá lo lắng đến nỗi “nhồi” hết từ khóa vào bài, làm giảm chất lượng nội dung.

Bước 5 Chia sẻ

Bước này đặc biệt quan trọng với những ai kinh doanh sản phẩm handmade hoặc tự mình làm ra. Người mua hàng rất thích nghe những câu chuyện về người sáng tạo ra món đồ cũng như những quá trình tạo tác chúng.

Sau đây là một vài thủ thuật:

Chia sẻ cho khách hàng về NGUỒN CẢM HỨNG giúp bạn tạo ra sản phẩm:

Điều gì gợi hứng cho bạn làm ra sản phẩm? Có phải ban đầu bạn chỉ định làm ra nó để dành tặng cho bạn bè hoặc người thân trong gia đình?

Hay việc được sáng tạo với chất liệu này đã hối thúc bạn làm ra nhiều hơn nữa những sản phẩm liên quan đến chúng?

Cho phép khách hàng được liên hệ trực tiếp với bạn (điều này đặc biệt quan trọng nếu bạn là người trực tiếp làm ra món đồ):

Những sản phẩm mới toanh hoặc tự làm thường rất dễ tạo được sự chú ý nơi khách hàng, vì trong thâm tâm ai cũng thích được khẳng định cá tính riêng của mình giữa thời đại của sản xuất hàng loạt ngày nay.

Hãy mạnh dạn chia sẻ về bản thân bạn để một lần nữa khẳng định nét riêng trong sản phẩm của bạn.

Điển hình như, nếu bạn đã từng đi làm thuê, sau đó bạn quyết định từ bỏ công việc căng thẳng chán chường đó để được ra riêng làm những gì mình thích chính là những sản phẩm mà bạn đang bán, hãy mạnh dạn chia sẻ.

Chia sẻ những chuyên môn kỹ thuật của bạn: Ví dụ như:

Bạn đã từng là một giáo viên dạy mỹ thuật trước khi mở ra cửa hàng của riêng mình?

Bạn đã bao giờ học chuyên sâu một lĩnh vực nào đó liên quan đến sản phẩm?

Kỳ thực, những trải nghiệm quá khứ của bạn không hẳn sẽ phát huy tác dụng ngay lập tức, nhưng chắc chắn chúng sẽ khiến khách hàng tiềm năng ít nhiều có ấn tượng về bạn.

Bước 6 Kêu gọi mua hàng

Hai bước cuối cùng đảm bảo sức mạnh của bài viết mô tả sản phẩm:

Bán gia tăng (upsell):

Trong trường hợp này, upsell nghĩa là gợi ý cho khách hàng về những sản phẩm khác của bạn có tính chất tương tự hoặc tăng thêm giá trị sản phẩm họ đang mua.

Ví dụ: Khi bạn gọi món ở một hiệu thức ăn nhanh như MacDonald, nhân viên rất hay upsell bằng cách hỏi bạn có muốn thay bằng một phần ăn tương tự nhưng có kích cỡ hoặc giá trị lớn hơn hay không.

Chọn những sản phẩm có tính chất tương tự để gợi ý cho khách hàng.

Vị trí lý tưởng cho phần upsell là ngay sau phần mô tả sản phẩm chính.

Kêu gọi mua hàng:

Dùng những ngôn từ có tính chất thuyết phục để kêu gọi người đọc mua ngay lập tức. Ví dụ: “Hãy mua ngay chiếc túi xách sành điệu này trước khi dịp khuyến mãi ngàn-năm-có-một kết thúc!”

Bước 7 Kiểm tra, hiệu chỉnh lại bài viết

Chúc mừng bạn đã hoàn thành bài mô tả sản phẩm sau 6 bước! Có thể bạn sẽ hỏi tôi còn phải làm gì nữa khi mà bước 6 đã là đoạn kết?

Đó chỉ có thể là việc kiểm tra và hiệu chỉnh:

Dù là người bán hàng hay một chuyên gia quảng cáo, chắc hẳn bạn cũng hiểu tầm quan trọng của một bài viết chỉn chu, không lỗi chính tả.
Khi mua hàng trên mạng, khách hàng đã phải chấp nhận một hạn chế rằng họ không thể trực tiếp nhìn thấy hay trải nghiệm sản phẩm của bạn được.

Nên những nội dung trên website của bạn không nên mắc phải những lỗi ngớ ngẩn có thể khiến cho họ mất cảm tình và bỏ đi.

Lỗi chính tả làm cho mọi thứ bạn làm trở thành nghiệp dư, khiến cho khách hàng nghi ngờ luôn cả chất lượng sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn.

Sau khi hoàn thành bài viết, hãy đi chơi nơi khác và quay lại:

Bạn có thể rời vị trí, đi chơi hoặc làm việc gì đó khác, sau đó quay lại kiểm tra bài viết. Việc thư giãn và thay đổi không gian như thế sẽ giúp bạn có cái nhìn tỉnh táo và khách quan hơn khi xem lại bài.

Đọc to bài viết:

Đọc lại sẽ giúp bạn phát hiện lỗi sai và những cách diễn đạt chưa lọt tai.

Hỏi ý kiến người khác:

Nhờ một người thân hay một người bạn đọc và nhận xét bài mô tả sản phẩm của bạn, hỏi xem nội dung bài viết có ổn và đủ sức thuyết phục họ mua hàng không?

Có thể sử dụng các phần mềm kiểm tra lỗi chính tả (nếu có).

Lời kết

Chúc mừng các bạn đã cùng tôi trải qua 7 bước viết mô tả sản phẩm kinh doanh online! Lời đầu tiên tôi muốn nói là một lời cám ơn chân thành đến Julie tác giả website On The Dot Creation vì tài liệu bổ ích này.

Tôi đã đọc sơ qua nhiều tài liệu viết mô tả sản phẩm trên mạng, và cá nhân tôi thấy 7 bước của Julie là hướng dẫn đơn giản, dễ hiểu và dễ thực hành nhất trong số những gì mà tôi thu thập được.

Chính vì vậy, tôi đã quyết định dịch tài liệu và chia sẻ trên blog, cho bản thân mình và cho những bạn và các anh chị nào quan tâm đến copywriting hoặc viết quảng cáo.

Để mỗi người chúng ta có thể tự mình viết ra những bài mô tả sản phẩm vừa hay, vừa đúng ý mình mà còn mang lại doanh thu bán hàng.

Các anh chị và các bạn có thể click vào link này để xem được toàn bộ 7 bước mô tả sản phẩm này trong một lần nhé!

Chia sẻ của Phan Nguyễn Khánh Đan

Bài viết này có hữu ích với bạn không?

Click vào một ngôi sao để đánh giá bài biết!

Đánh giá trung bình 0 / 5. Số phiếu: 0

Không có phiếu bầu cho đến nay! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài này.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết có 0 bình luận
THÔNG TIN NGƯỜI GỬIĐóng (x)

Bài Hay Nên Đọc

Bài Mới Xuất Sắc

Case Study Mùa Dịch: Bán Hết 500kg Cua Trong 1 Ngày

Đây là một case study khá thú vị với mình trong mùa dịch, chưa dừng việc bán hết 500kg cua mà những ngày tiếp theo...

Seeding Facebook – Hiệu Ứng Đám Đông Không Bao Giờ Đi Sau Thời Đại

Mình làm chuyên về dịch vụ seeding từ lúc mà seeding còn chưa biết đến nhiều bị. Thậm chí anh chị em đánh đồng vào...

Cổ Phiếu Bất Động Sản Có Phải Là Những Tài Sản Bất Động Thời Gian Tới?

Trước khi tìm hiểu dòng cổ phiếu BĐS có tiếp tục là dòng cổ phiếu đáng đầu tư cho năm 2021-2022. Chúng ta cùng nhìn...

Hạng mục đầu tư – Tại Sao Stocks Có Thể Đánh Bại Bonds Hay Gold?

Đầu tư có thể được hiểu là việc từ bỏ nhu cầu tiêu tiền ở thời điểm hiện tại của bản thân mình, chuyển số...

Ma Trận BCG Là Gì?

Được tạo bởi Boston Consulting Group, ma trận Boston – còn được gọi là ma trận BCG hoặc ma trận tăng trưởng – cung cấp...

Ngày Kép 5.5 Thì Làm Gì Để Nhiều Đơn Hàng?

Trước tiên, shop cần tối ưu lại trang chủ của shop, banner, hình ảnh sản phẩm và nội dung mô tả của các sản phẩm...