Mục lục
“Làm marketing không chỉ là làm quảng cáo, truyền thông, định vị, kích hoạt hay digital. Mà nhiệm vụ quan trọng nhất của người làm marketing là phải giúp cho đội ngũ sales bán được hàng”
Câu nói này đã ám ảnh mình trong suốt khoảng thời gian dài, từ khi là một cậu nhóc sinh viên năm nhất ngành Marketing vừa chân ướt chân ráo lên Sài Gòn.
Câu nói này của chị Thái Thùy Anh (thuộc khóa học Brand KPI trên BrandsVietnam) , lúc đó, chị là trưởng nhãn hàng cấp cao của NESCAFE.
Cũng từ đó mình đã dành 1 năm qua chỉ để xem đi xem lại các khóa học về brand của chị, vừa học vừa vận dụng nó vào công việc, khi may mắn có được vị trí là key member trong Phúc Tea, một nhãn hàng trà sữa Franchise (hơn 80 chi nhánh).
Mình may mắn có khoảng 2 năm trải nghiệm về Customer Service, Direct Sales & Telesales tại Thegioididong, Uber. Sau đó thì là Intern Wholesales & Retail Process ở Mercedes-Benz, nơi mình được tham gia những project về CRM, Sales Campaigns, tiếp xúc với toàn bộ các chỉ số chỉ má về Retail, Warehouse, Stock…
Gần đây nhất mình làm marketing tổng thể ở Phúc Tea (môi trường startup Franchise bao gồm 4P cơ bản). Ở góc độ truyền thông, thời ở WEPRO Agency, mình tham gia vào 2 social campaign với nhãn Trà Xanh Không Độ & Dr.Thanh.
Chính vì thế, bài viết này là những kiến thức kết hợp với trải nghiệm thực tế của mình từ cả góc độ Client & Agency (cơ bản thui nhe). Với mục đích giúp mọi người có một góc nhìn đa dạng hơn, về Mục Tiêu Kinh Doanh, Mục tiêu Marketing, Mục Tiêu Truyền Thông.
Trả lời được câu hỏi: Nó liên quan đến nhau như thế nào? Và chúng ta đang làm gì trong toàn bộ một quy trình tổng thể như thế ?
Từ đó, bạn sẽ nhận ra rằng dù công việc của chúng ta có nhỏ (như viết content, chạy ads, thiết kế) hay làm mấy cái to to (như media plan, PR plan) hay mấy cái bự hơn như Strategy (số liệu sales & growth) thì cũng đều quan trọng như nhau.
Note: nếu các bạn thấy mình có vẻ khoe mẽ về kinh nghiệm thì có thể dừng đọc bài viết ở đây, việc kể các trải nghiệm ở trên, chỉ là để confirm một chút là bài viết này không chỉ lấy từ kiến thức mình đã học, mà còn kết hợp với thực tế đã làm & đã fail nữa.
Và đó cũng chỉ là 1 góc nhìn, có thể sẽ có nhiều góc nhìn xịn hơn mình rất nhiều.
Hiểu một cách cơ bản về 3 loại mục tiêu qua ví dụ đơn giản
- A. Business Objective (mục tiêu kinh doanh)
- B. MARKETING OBJECTIVE (MỤC TIÊU MARKETING)
- C. COMMUNICATION OBJECTIVE (MỤC TIÊU TRUYỀN THÔNG)
Trong quyển sách The 7 Habits of Highly Effective People của Stephen Covey có câu nói rất quen thuộc:
“Gieo suy nghĩ – Gặt hành động – Gieo hành động – Gặt thói quen …..”
Bạn để ý hai vế đầu xem, “Gieo suy nghĩ – Gặt hành động”. Nghĩa là khi chúng ta muốn thay đổi hành động, hành vi của một ai đó, thì chúng ta phải gieo cho họ một suy nghĩ khác đi đúng hong?
Ví dụ: Anh Tèo nói chị Tý tập gym sẽ đẹp và khỏe, nhưng chị Tý đâu có thèm đâu. Cho đến khi anh Tèo nói , em mà đi gym, mỗi buổi anh sẽ cho 500K, và thế là chị Tý xách dép đi tập thể dục liền.
Có phải, cha nội Tèo đã làm thay đổi suy nghĩ của bà Tý tạm thời, là đi tập gym sẽ được 500K, và nó kéo theo hành động của chỉ gần như ngay lập tức, đúng không?
Đó cũng chính là hình thái lí giải củ chuối nhất của mình về Marketing Objective & Communication Objective.
Marketing Objective (Mục tiêu Marketing) về căn bản, là phải làm sao, để thay đổi hành vi (hành động) của khách hàng theo mục đích của nhãn hàng (hoặc nhà kinh doanh) để thỏa mãn mục tiêu kinh doanh nào đó (Business Objective).
Ví dụ khiến chị Tý xách dép đi tập thể dục.
Communication Objective (Mục tiêu truyền thông) về căn bản, là cách chúng ta làm sao để giao tiếp với khách hàng mục tiêu để làm thay đổi suy nghĩ của họ, gieo cho họ một suy nghĩ nào đó, khiến họ phải hành động theo mục tiêu Marketing đã đề ra.
Ví dụ lấy tờ 500K quơ qua quơ lại trước mặt chị Tý, khơi gợi lòng tham tiền vốn có của chỉ (thay vì chỉ là nói miệng), thì chỉ mới đi tập thể dục.
Ở góc độ chuyên nghiệp hơn. Bạn viết một bài content quảng cáo trên facebook, nội dung rõ ràng, lí giải cụ thể của việc tập thể dục tập gym có ích cho sức khỏe, và kèm theo những lời hù dọa kiểu không tập là mập mợt chết sớm, nhưng khách tiềm năng đâu có vui đâu, nên không có care.
Thế là đổi cách, bạn thuê thêm một nhỏ đẹp gái cũng nổi nổi, đăng giống giống nội dung quảng cáo hồi nãy, thì lúc này khách hơi vui rồi nha (tại nhỏ kols đó khách rất là thích).
Xong cuối bài, có mã code 500K cho lần đầu đăng kí, thế là khách tiềm năng của bạn muốn đăng kí ngay. (lúc này vì suy nghĩ đã thay đổi, dẫn đến hành động đã thay đổi).
Mục tiêu truyền thông & mục tiêu marketing xem như hiệu quả, còn khách đó liên hệ đăng kí, mà sales không chốt được, thì lúc này review lại phòng sales.
Bạn đắc chí: Vậy tui em làm Marketing với Truyền thông vậy là quá được rồi, khách tới nườm nượp, cần gì đặt ra thêm Mục Tiêu Kinh Doanh với chả Business Objective làm gì ?
Ông sếp của bạn tự nhiên bậc khóc, kiểu bất lực trả lời: Con lạy mẹ, tháng này mày tìm được nhiều khách. Nhưng tháng sau thằng A Tủn (thằng đó ghét tao vì hùi xưa tao cướp vợ nó) nên giờ nó tức nó sắp mở cái Gym đối diện, bự gấp đôi, xịn gấp đôi tao. Rồi lúc đó mày làm gì hả? hả hả hả?
Và tự nhiên, Business Objective trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Vậy bây giờ, tụi mình làm chuyến du hành qua nghe lén nhà A Tủn coi ổng toan tính làm cái Gym bự chà bá như nào ha (cái này liên quan đến Business Objective)
A Tủn biết là cái phòng Gym của cha nội kia nhỏ xíu, nhưng mà là cái Gym đầu tiên và duy nhất trong khu phố, nơi có khoảng 1000 dân cư. Từ khi cha nội đó mở cái Gym bé tí tẹo tí teo đó ra, ai ai cũng vào tập hết (tại đầu tiên mà).
Nhà A Tủn thì lại nằm đối diện, có thêm mối thù truyền kiếp bị cướp vợ, nên đâm lòng tức tối bực bội, muốn hãm hại cha nội đó.
Mục tiêu cao cả nhất của A Tủn, là phá, phá cho thằng cha nội đó tán gia bại sản, cho cái gym bé tí tẹo tí teo đó không có một bóng khách nào luôn.
Rồi A Tủn có mục tiêu kinh doanh túm lại là “Cướp sạch khách của cha nội nhà đối diện”. Nếu nói chanh sả hơn trên bàn họp. Mục tiêu kinh doanh lúc đó là “Giành thị phần từ tay đối thủ”.
Vậy thì câu hỏi đặt ra lúc này: Làm thế nào để giành hết thị phần từ tay đối thủ ?
Trả lời:
Thứ nhất. Chúng ta phải làm gì đó, khiến hành vi của khách hàng đang tập gym bên nhà cha nội kia, sẽ không muốn tập nữa, mà đăng kí phòng tập đối diện của A Tủn (Marketing Objective)
Thứ 2. Chúng ta cũng sẽ phải làm gì đó, để những khách hàng chưa bao giờ tập Gym trong khu phố, sẽ đăng kí làm khách hàng lần đầu tiên của A Tủn luôn. (Marketing Objective)
Và thế là, A Tủn mở ra cái Gym to đùng gấp đôi nhà đối diện. Làm một cái khai trương hoành tráng, treo băng rôn ngập mặt “GIẢM GIÁ 60% CHO 6 THÁNG ĐẦU TIÊN”.
Nguyên 1 tuần khai trương, đi đâu cũng thấy dòng thông điệp đó, lên facebook cũng thấy, nhìn bạn bè cũng thấy share, tiktok thì review phòng tập rần rần, bà con hàng sớm thấy rẻ thấy ham, tiếng đồn vang xa, phòng tập của A Tủn khách vô nườm nượp. (Communication Objective).
Ở chiều ngược lại, phòng tập cha nội đối diện, vắng tanh như chùa bà đanh, chỉ còn lại vài khách quen.
4 tháng sau trôi qua. Phòng tập mới của A Tủn….phá sản (vì hết tiền duy trì, ai biểu giảm giá như cho làm chi). Phòng tập cha nội đối diện, cũng phá sản luôn, vì 4 tháng cũng không có khách, buồn quá dẹp tiệm luôn.
Kết quả: A Tủn thắng, dù mất cục tiền lớn nhưng với mấy chiêu của mình, A Tủn đã đánh bại bên kia, trả mối thù cướp vợ ngàn đời. Còn phòng Gym đối diện, vì không có và cũng không chuẩn bị kịp chiêu để đối phó, nên đành ngậm ngùi để đối thủ đánh bại.
Qua ví dụ trên, mình đã cho các bạn thấy một khía cạnh nữa, trong mức độ liên quan giữa Mục Tiêu Kinh Doanh, Mục Tiêu Marketing, Mục Tiêu Truyền Thông. Các bạn cũng có thể thấy, tầm quan trọng của từng mục tiêu rồi đó.
Và cũng có thể thấy, Marketing không chỉ là chạy Ads, Content, Book kols….nhưng đó cũng là một phần quan trọng để hoàn thành các mục tiêu đề ra.
Nhưng để đi sâu hơn, vào những khía cạnh khác của mỗi mục tiêu, nó có cái gì cụ thể, chuẩn chỉnh nó như thế nào? Và làm sao áp dụng nó vào thực tế? Mời các bạn đọc tiếp
Lý thuyết chi tiết & cách vận dụng vào 3 loại mục tiêu
Business objective (mục tiêu kinh doanh)
Sales (Doanh số):
Sales này thì liên quan đến doanh số sản lượng (Volume Sales) & doanh số giá trị (Value Sales).
Có thể trong năm nay, bạn bán được nhiều hàng, nhưng chưa chắc bạn thu về được nhiều tiền. Kiểu, 1 tháng The Coffe House bán được 100 ly cà phê, còn Starbucks chỉ bán được 20 ly cà phê nhưng về số tiền thu về của Starbuck (với 20 ly bán ra) sẽ nhiều hơnThe Coffe House.
Nhưng nói như thế không có nghĩa Volume Sales không quan trọng, nếu bạn bán được nhiều ly cà phê hơn, nó sẽ tùy thuộc vào phân khúc khách hàng bạn lựa chọn nữa. Bán được nhiều thì đôi khi cảm giác nó sướng, nhưng tiền lời thu về ít.
Còn bán ít, ví dụ như bất động sản, thì tiền thu về có khi nhiều hơn, nhưng cảm giác 6 tháng không bán được căn nào thì nó hơi kinh khủng.
Share (Thị phần):
Tỉ lệ doanh số bán được (về sản lượng & giá trị) trên độ lớn thị trường.
Bọn mình mở một cửa hàng Trà Sữa ở thị xã A, khả năng phục vụ tối đa là tầm bán kính 10km cho những khách hàng có nhu cầu uống trà sữa. Trong khu vực ấy, cũng có khoảng 5 cửa hàng Trà Sữa như thế, tức chúng mình phải chia sẻ miếng bánh cho 5 cửa hàng nữa.
Vậy Bạn để ý, trong khu vực bán kính 10km, có tận 6 cửa hàng Trà Sữa. Cứ cho là số lượng khách hàng là một hằng số cố định. Vậy trong 1 năm, doanh thu của bạn giảm, tức là sẽ có 2 trường hợp xảy ra.
Thứ nhất, do 1 cửa hàng nào đó đang cướp mất khách hàng của bạn, nó đang làm tốt hơn bạn. Thứ hai, do nhu cầu của thị trường đang giảm (có thể họ không thích uống trà sữa nữa, họ thích uống trà chanh hơn…)
Growth (Độ tăng trưởng):
Gồm độ tăng trưởng của brand và độ tăng trưởng của ngành hàng. Nó là sự kết hợp giữa Sales & Share.
Nếu doanh thu của bạn trong 1 năm đang tăng lên, bạn có thể sẽ vui, nhưng bạn sẽ bớt vui hơn khi nhìn thấy đối thủ cũng tăng y chang bạn, thậm chí tăng nhiều hơn.
Nếu doanh thu của bạn trong 1 năm nhìn chung giảm xuống, bạn có thể sẽ buồn vì chắc có thằng khác đang lấy khách của bạn, nhưng bạn sẽ bớt buồn hơn 1 xíu, nếu nhìn thấy đối thủ cũng đang giảm.
Profit (Lợi nhuận):
Độ lời lỗ của brand. Profit này đụng trực tiếp đến P&L (profit & loss), tính lời lỗ của ngành brand.
Thực sự thì mình yếu nhất mảng này nên cũng dám không nói nhiều. Tuy nhiên, với khách hàng mua nhượng quyền của Phúc Tea thì bọn mình vẫn có một bảng tính P&L (profit & loss) cho khách hàng, thể hiện được thời gian bao lâu là hoàn vốn.
Nhờ thế đã làm tăng độ tin cậy và khả năng bán được nhượng quyền của team lên rất nhiều. Còn nếu đi sâu hơn, làm sao xin ngân sách marketing thì nó còn tùy thuộc vào ngành hàng, tình trạng công ty nữa.
P&L là Profit & Loss trên lí thuyết, bạn còn phải đặt biệt chú ý đến Cash Flow Statement (tức số tiền bạn thực sự nhận được, vì trong nhiều trường hợp, hang bán rồi nhưng tiền sau một khoảng thời gian mới về, cái này thì lại liên quan đến công nợ)
(Một lần nữa, P&L rất rất rất quan trọng, và mình thấy nhiều bạn bè cũng mình cũng không mạnh cái này lắm, nếu bạn muốn tìm hiểu kỹ và nền tảng nhất, mình rất là đề xuất khóa học Business Metrics for Data Driven trên Coursera, ở đó, có 1 giáo sư phân tích rất kỹ về P&L và có cả ví dụ minh họa)
Áp dụng như thế nào ??
Nói lí thuyết là như vậy, nhưng áp dụng thực tế thì như nào còn phụ thuộc vào rất nhiều thứ nữa. Mình có góc nhìn nhiều về retail, nên chỉ có thể nói về cách làm của Retail thôi.
Trước khi bạn chọn được chỉ số nào để làm chiến lược & mục tiêu, thì bạn phải tìm ra được vấn đề cốt lõi của doanh nghiệp của mình đang đối mặt, bối cảnh của thị trường và đối chiếu xem nguồn lực có làm được không? Ở retail, nó có khái niệm là Retail Audit, suy xét xem vấn đề cốt lõi nằm ở đâu dựa trên 4P (Price, Product, Place, Promotion).
Ví dụ 1: Doanh thu giảm, hỏi retailer (đại lí) thì đổ thừa là phía công ty không làm chiến dịch khuyến mãi hỗ trợ, nên không bán được hàng nhiều (họ đổ cho Promotion không tốt). Nhưng khi đi Audit, thì hóa ra sản phẩm tồn kho của Retailer bị hư, nhưng họ vẫn bán cho khách làm khách không muốn quay lại mua nữa.
Lúc đó, mục tiêu kinh doanh sẽ là tăng doanh thu & thị phần dựa trên việc kiểm soát hàng hóa (Product) và quy trình chặt chẽ hơn. Chứ không phải cứ tiếp tục làm khuyến mãi theo yêu cầu của Retailer.
Ví dụ 2: Khi Phúc Tea mở ra cửa hàng có mức độ phục vụ tối đa trong bán kính 10Km, nhận ra việc các vùng lân cận bắt đầu bắt chước việc mở các cửa hàng trà sữa giống mình.
Phúc Tea phải đối diện với câu chuyện sắp bị giành khách hoặc sẽ khó khăn hơn trong việc mở rộng thị trường (Share), khi nhìn vào nội tại của thương hiệu, khách hàng ở đâu cũng rất thích sản phẩm (Product) của mình, nên quyết định lấy mục tiêu gia tăng thị phần (share) & doanh số (sales) bằng cách mở thêm các mini store để gia tăng bán kính phục vụ khách tiềm năng mới (nhưng chi phí không tăng nhiều).
Về lâu dài, khi đã có khách hàng ổn định rồi thì sẽ tối ưu nguồn lực & quy trình, lúc đó mục tiêu Profit sẽ ưu tiên hơn.
Trên thực tế: Khi mới đi làm, ở vị trí executive hoặc thuần agency, thì hiếm khi nào chúng ta được tiếp xúc với góc nhìn này. Mình cũng thế, kể cả mình có làm trong client thì cũng không rõ ràng lắm, đến khi mình đi học, và xâu chuỗi mọi thứ mình đã làm thì mới có được góc nhìn & cách thức vận dụng.
Nào, chúng ta cũng đi đến tầng tiếp theo mà sẽ gần gũi hơn rất rất nhiều với đại đa số Marketer nhé.
Marketing objective (mục tiêu marketing) cụ thể bao gồm những gì ?
Nhìn chung về mặt tổng quan, Mục tiêu Marketing sẽ giúp khách hàng thay đổi HÀNH VI MUA HÀNG và được chia làm hai nhóm chính.
CÓ BAO NHIÊU NGƯỜI MUA HÀNG ? và HỌ SẼ MUA HÀNG NHƯ THẾ NÀO/MUA BAO NHIÊU?
Ở đây, mình sẽ tóm tắt lại bằng một công thức rất rất đỗi quen thuộc của Brad Sugars :
Doanh thu = (Khách Tiềm Năng * Tỉ lệ chuyển đổi) * (Số lượng giao dịch * giá trị trên mỗi đơn vị hàng bán)
Nhìn vào công thức này có phải:
- Doanh thu thì nằm trong Mục tiêu kinh doanh (Business Objective) đúng không ?
- (Khách hàng tiềm năng * Tỉ lệ chuyển đổi) thì trả lời cho câu hỏi: CÓ BAO NHIÊU NGƯỜI MUA HÀNG?
- (Số lượng giao dịch/tần suất giao dịch * Giá trị trên mỗi đơn vị hàng bán) thì trả lời cho câu hỏi: HỌ SẼ MUA HÀNG NHƯ THẾ NÀO/MUA BAO NHIÊU?
Công thức trên lí giải cho sự liên quan mật thiết giữa mục tiêu kinh doanh và mục tiêu marketing và công thức đó công thức nhân. Nghĩa là khi bạn tối ưu mỗi yếu tố tăng khoảng 10% thì tức là doanh thu đã tăng lên 46,41%.
Để cho bạn có cái nhìn toàn diện hơn, về mặt kiến thức nền (tham khảo ở khóa Brand KPI), mục tiêu marketing bao gồm 4 yếu tố chính:
Tỉ lệ người sử dụng hoặc tham gia ngành hàng / mức độ thâm nhập thị trường của thương hiệu (Penetration)
Hiểu nôm na căn bản nhất, là mục tiến khiến họ “từ không mua thành mua”. Tăng trưởng số người mua/sử dụng sản phẩm của mình để thỏa mãn mục tiêu kinh doanh là tăng trưởng doanh số.
Ví dụ: Phúc Tea mở các cửa hàng ở ngách thị trường tỉnh, nơi có khá ít hoặc thậm chí không có thương hiệu trà sữa, kèm với concept hình ảnh rõ ràng, sản phẩm chất lượng, thì khả năng khách hay uống trà sữa ở chợ sẽ chuyển qua uống trà sữa ở cửa hàng tụi mình cũng sẽ nhiều hơn.
Tiếp đến là mở rộng khu vực (tìm nhiều khách hàng tiềm năng hơn) để có được nhiều khách hàng hơn.
Tần suất mua (Freequency)
Hiểu nôm na căn bản nhất, là khiến họ mua thường xuyên hơn.
Ví dụ: Vinamilk ra thông điệp “3 ly chụm lại nên tầm vóc cao” để khiến hành vi của khách hàng mua thường xuyên hơn (thay vì uống 1 hộp, thì bây giờ phụ huynh sẽ mua 3 hộp) và từ đó doanh thu của Vinamilk sẽ tăng lên.
Hoặc lúc mình còn làm, mình ra Campaign cho các nhân viên văn phòng, order trà sữa lần thứ 3 (với 10 ly trở lên) trong tháng sẽ được tặng thêm 2 ly.
Lượng sự dụng & giá trị mỗi lần mua (Consumption)
Nghĩa là tăng lượng sử dụng trên mỗi đơn hàng bán ra hoặc tăng giá trị của mỗi giao dịch hơn so với mức bình thường.
Dễ thấy nhất bạn sẽ được up lên size M size L chỉ với x đồng, chiến lược mà các nhãn F&B và rạp phim lúc nào cũng sử dụng. Hoặc thêm dung tích, giá không đổi trong fmcg…
Lúc làm campaign Launching sản phẩm mới, sản phẩm trà oolong thượng hạng, cũng nhằm mục đích tăng giá trị của sản phẩm dòng trà sữa với thông điệp là trà Oolong thượng hạng nâng cao sức khỏe.
Chiến lược của mình là set up giá cao, sau đó giảm giá để khách hàng dùng thử trong 3 ngày, mỗi lần order dùng thử, nhân viên order đều phải nói công dụng với khách hàng là “Trà thượng hạng và có lợi cho sức khỏe tim mạch” cốt yếu để educate khách hàng dòng trà sữa mới này.
Lưu ý: Nếu các bạn thấy “chỉ thêm 2k mà up lên được size lớn hơn” nhưng nhân nó với 1 triệu lần, bạn sẽ thấy con số khủng khiếp như thế nào)
Mức độ trung thành / mua lại ( Loyalty Choice)
Ở đây, làm sao lôi kéo được người tiêu dùng của đối thủ, sang sử dụng sản phẩm của thương hiệu mình (ví dụ như mình mở cửa hàng mới cạnh 1 cửa hàng trà sữa đối diện thì phải làm sao?).
Đến đây, chắc các bạn cũng hiểu rõ hơn về Mục Tiêu Marketing nhỉ.
Có vài bạn sẽ phản biện rằng, ở các công ty khác, Mục tiêu Marketing là làm tăng Brand Awareness thì với cá nhân mình Brand Awareness là mục tiêu truyền thông, nếu truyền thông làm tốt thì người ta mới biết đến thương hiệu và mới tăng được mức độ từ không mua thành mua (Penetration).
Tuy nhiên, mỗi công ty có cách làm việc khác nhau & cách hiểu khác nhau, nếu vẫn đang phù hợp thì cứ làm thôi.
Cũng có vài ý kiến phản biện, bán hàng là cách làm Marketing tốt nhất, làm sao sống được là được, không cần làm Brand Awareness làm gì giai đoạn đầu cho mất công, tiền đâu mà làm. Cá nhân mình hoàn toàn đồng ý.
Và để bán được hàng, và làm sao để bán được nhiều hàng hơn. Thì nó lại quanh là bài toán doanh thu = cái gì * cái gì… (như công thức ở trên).
Communication Objective (Mục tiêu truyền thông)
Đến đây, khi đã có mục tiêu kinh doanh, chuyển thành được mục tiêu marketing, thì chúng ta sẽ đặt mục tiêu truyền thông, để làm sao gieo rắc được suy nghĩ vào đầu khách hàng rằng cái A này của tôi rất ok, cái B kia của tôi cũng rất xịn.
Mục đích tối thượng là “Gieo suy nghĩ” để khiến khách hàng thay đổi Hành Vi.
Còn gieo bằng cách nào, thì mình xin dừng lại bài viết ở đây, mình tự cảm thấy không đủ trình độ để nói về mảng truyền thông, khi mà có rất nhiều phương pháp và cách thức của rất nhiều anh chị em đã nói rồi.
Kết luận
Business Objective suy ra từ cốt lõi kinh doanh thì doanh nghiệp muốn gì. Giải bài toán Lợi nhuận = doanh thu – chi phí.
Marketing Objective được set up dựa trên mục tiêu kinh doanh nhằm thay đổi hành vi mua hàng. Giải bài toán Doanh thu = (Khách Tiềm Năng * Tỉ lệ chuyển đổi) * (Số lượng giao dịch * giá trị trên mỗi đơn vị hàng bán).
Communication Objective được set up dựa trên mục tiêu Marketing nhằm thay đổi suy nghĩ của khách hàng khiến họ có động lực thay đổi hành vi.
Cám ơn các bạn rất rất nhiều nếu đã đọc đến đây. Hi vọng bài viết này bổ ích. Rất mong nhận được góp ý và đóng góp từ mọi người.
Chia sẻ của Biệt Đội Marketers 4 Cấp Độ.