Mục lục
Từ trước đến nay, việc thực hiện truyền thông luôn là vấn đề mà không doanh nghiệp nào trong quá trình làm marketing của mình có thể bỏ qua.
Các kế hoạch truyền thông có thể giúp doanh nghiệp của bạn trong ít nhất là 4 điều sau: tạo sự khác biệt hóa, củng cố hình ảnh doanh nghiệp, thông báo với công chúng mục tiêu về sự hiện diện của thương hiệu, thuyết phục khách hàng.
Đơn giản vì những điều trên chính là sức mạnh của truyền thông.
Vậy bạn đã biết các bước để có một kế hoạch truyền thông thành công? Hãy cùng tham khảo ngay trong bài viết này nhé.
Bước 1. Xác định mục tiêu truyền thông
Đây sẽ là bước đầu tiên bạn cần làm dù là cho chiến dịch truyền thông hay bất cứ kế hoạch nào khác. Trước khi bạn xác định việc đó làm như thế nào thì bạn cần biết rõ mục tiêu mình hướng tới là gì.
Chỉ khi xác định được một mục tiêu cụ thể thì các hành động tiếp sau đó của bạn mới không đi lệch hướng và tập trung vào một điểm nhất định.
Nếu bạn thấy khó trong việc đề ra mục tiêu truyền thông cho doanh nghiệp mình vậy thì hãy áp dụng ngay mô hình SMART, đây sẽ là một phương pháp cứu cánh tuyệt vời cho bạn.
- Specific – cụ thể
- Measurable – có thể đo lường được
- Achievable – có thể đạt được
- Realistic – thực tế
- Time-focused – tập trung vào yếu tố thời gian
Lưu ý nhỏ: Hãy luôn chắc chắn đảm bảo 2 yếu tố “Achievable” và “Realistic”. Đây sẽ 2 yếu tố có tỷ trọng cao trong việc quyết định sự thành bại của mục tiêu này.
Bước 2. Vẽ chân dung khách hàng và công chúng mục tiêu
Bước này sẽ giúp bạn xác định được là kế hoạch truyền thông này của bạn đang hướng đến ai. Khi xác định được đối tượng chính mà doanh nghiệp của bạn muốn hướng tới sẽ giúp doanh nghiệp tối ưu được rất nhiều mặt.
Ví dụ như tiếp cận khách hàng đúng cách, tối ưu chi phí thông qua cách tiếp cận và đưa ra những hoạt động, kế hoạch phù hợp với khách hàng.
Để vẽ được chân dung khách hàng bạn có thể thực hiện những việc sau:
- Đi thị trường, khảo sát thực tế
- Quan sát thực tế tổng hợp lại
- Sống thử cuộc sống của người tiêu dùng
- Nghiên cứu tâm lý về nhu cầu, mong muốn, khát khao và nỗi sợ hãi của người dùng khi sử dụng một sản phẩm, dịch vụ
Bước 3. Thiết kế thông điệp truyền thông
Thông điệp truyền thông là những điều mà nhà quảng cáo, người làm truyền thông muốn đem đến cho khách hàng. Cái khó của việc thiết kế thông điệp truyền thông là phải làm sao để khách hàng hiểu đúng những gì mà nhãn hàng muốn truyền đạt.
Vậy nên mấu chốt để tạo thông điệp truyền thông hiệu quả là phải đảm bảo nó phù hợp với nhu cầu và mong muốn của khách hàng mục tiêu.
Bước 4. Sáng tạo chiến lược truyền thông
Chiến lược truyền thông là một chuỗi các hoạt động nhằm giúp doanh nghiệp truyền tải thông tin, lợi ích của sản phẩm tới công chúng. Từ đó xây dựng được thương hiệu và định vị sản phẩm của doanh nghiệp trong tâm trí khách hàng.
Tất cả những điều đó để nhằm thuyết phục khách hàng mua hoặc sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp. Giúp doanh nghiệp đạt được mục đích mong muốn.
Đây sẽ là bước để những marketer có thể thỏa sức sáng tạo của mình. Khi mọi người có thể cùng nhau đưa ra những ý tưởng sáng tạo đầy sự táo bạo.
Sau đó thông qua sự chọn lọc của đội nhóm để tìm ra được ý tưởng phù hợp và khả thi nhất cho kế hoạch truyền thông.
Bước 5. Lựa chọn kênh và thiết kế vật phẩm truyền thông
Trong truyền thông hiện có 5 công cụ chính bao gồm: Advertising (Quảng cáo), Public Relations (PR), Sale/ Promotion (Khuyến mãi), Direct Marketing (Tiếp thị trực tiếp), Personal Selling (Bán hàng cá nhân).
Với mỗi kế hoạch truyền thông bạn có thể lựa chọn sử dụng 2 hay nhiều công cụ để đạt được hiệu quả truyền thông tốt nhất. Vì mỗi công cụ truyền thông sẽ có những ưu điểm và hạn chế nhất định phù hợp với khách hàng mục tiêu bạn hướng tới.
Bước 6. Kế hoạch triển khai và ngân sách
Sau khi hoàn thành các bước lên ý tưởng và lựa chọn các công cụ phù hợp, bạn cần có một kế hoạch chi tiết cụ thể. Bản kế hoạch cụ thể này sẽ giúp bạn hình dung rõ hơn về việc triển khai dự kiến toàn bộ chương trình truyền thông đã đưa ra.
Bản kế hoạch triển khai sẽ giúp bạn trả lời những câu hỏi sau:
- Thời gian dành cho từng giai đoạn là bao lâu?
- Ngân sách, chi phí phân bổ cho từng giai đoạn là bao nhiêu? Tổng chi phí cho kế hoạch là bao nhiêu?
- Các hoạt động chính và hoạt động truyền thông chủ đạo trong kế hoạch là gì?
- Những hoạt động phụ trợ cho từng giai đoạn là gì?
Bước 7. Đo lường hiệu quả
Để đánh giá thành công của bất kỳ chiến lược hay kế hoạch nào bạn cũng cần có khâu đo lường và đánh giá hiệu quả cuối cùng.
Ở giai đoạn này bạn sẽ dựa trên những thông tin thu thập được trong toàn bộ quá trình triển khai kế hoạch để có một cái nhìn tổng quan về hiệu quả truyền thông.
Những thông tin bạn có thể có được là: những số liệu thu thập từ khách hàng và chi phí thực hiện mục tiêu trong từng giai đoạn, ngân sách thực tế so với ngân sách dự chi.
Dựa trên đó bạn sẽ đánh giá được một số yếu tố sau:
- Phản hồi từ khách hàng
- Mức độ nhận biết chiến dịch
- Mức độ nhận biết thương hiệu
- Mức độ nhớ và hiểu biết thông điệp truyền thông
- So sánh mức độ nhận thức và tình cảm đối với thương hiệu trước và sau chiến dịch
- Những tác động của chiến dịch với hành vi mua hàng của khách hàng
Chia sẻ của Biệt Đội Marketers 4 Cấp Độ.