Mục lục
“Chúng bây ơi có phốt thơm lừng, nghe gì chưa?” Đó có lẽ là một trong những tín hiệu mở đầu cho làn sóng tẩy chay trong những ngày vừa qua mà ai là netizen thì khó mà bỏ lỡ.
Một chiếc ảnh với thiết kế giản đơn nhưng hàm ý sắc bén kèm theo những lượt chia sẻ khổng lồ và những dòng bình luận “công lý” đã đẩy cho “người trong kẹt” một phát khỏi diễn đàn âm nhạc. Thuận buồm, xuôi gió, các ngư dân phố BCS cũng không ngần ngại chèn vào con sóng ấy chiếc “story” nói ít hiểu nhiều và thế là câu chuyện tiếp diễn…
Ai cũng muốn đi đêm, “dù rét” cũng muốn
Trong cuốn “Thiện, Ác và Smartphone” của nhà báo Đặng Hoàng Giang có trích một câu từ Elias Canetti viết trong cuốn “Đám đông và quyền lực” năm 1960 rằng: “Ai cũng muốn xuống đòn, và vì thế anh ta tiến sát tới nạn nhân tới mức có thể. Nếu anh ta không tự đánh được, anh ta phải nhìn thấy người khác đánh. ”
Không bàn về đúng hay sai nhưng chí ít nó cũng khiến con người ta suy nghĩ về một xã hội đầy rẫy sự cọ xát không mang tính xây dựng, và đôi lúc là việc mua vui từ chính những sự vụ mất lòng, bất hạnh, một xã hội “humilitainment” (làm nhục + giải trí) hay “Schadenfreude” theo tiếng Đức với sự kết hợp của “Schaden” (thiệt hại) và “Freude” (niềm vui).
Trở lại vấn đề “đụng” với chả “chạm”, không biết cố ý hay vô tình nhưng có vẻ như ngư dân phố BCS thích bắt côn trùng làm mồi câu cá và có vẻ như họ rất giỏi việc nắm bắt được khẩu vị từng con. Cá nào cũng đớp, quả là một đêm bội thu, *dù rét* vẫn rất chăm chỉ làm ăn. Thế nhưng việc đánh bắt bằng phương pháp này đem lại không ít thiệt hại cho hệ sinh thái, nhất là những chú cá con, những cá thể còn trẻ, không nên làm quen với thứ thức ăn khó tiêu hóa, tiêu cực này.
Sức mạnh càng lớn, trách nhiệm càng cao
Truyền thông ngày nay có thể làm cho một người nổi trong tích tắc hoặc tắt trong tích tụ của nhiều bình luận ném đá, tẩy chay và sự việc lần này là một trong những ví dụ điển hình của sức mạnh quần chúng nhân dân mạng, hay còn gọi là “netizen”.
Bỏ qua câu chuyện về “nhân danh công lý” vốn đã được tiến sĩ Đặng Hoàng Giang viết rất rõ, rất bao quát trong quyển sách của mình thì điều đáng nói ở đây là mục tiêu và động cơ đánh cá bằng hình thức đăng “story” từ phía những ngư dân *dù rét* vẫn rất chăm chỉ làm việc. Nếu là vì lên án, sẽ luôn có những cách thức khác cũng “đụng” nhưng đỡ “chạm” hơn như cách mà trước giờ những ngư dân đang làm rất tốt.
Là một trong những ngư trường BCS lớn với hơn 90 năm kinh nghiệm ở gần 40 vũng vịnh, hơn ai hết chính họ phải hiểu được bản thân mình quan trọng và có tiềm lực cỡ nào, thực sự không cần thiết phải “bon trend” mới trụ vững được. Trong một cuộc phỏng vấn với ngư dân ở phố, API tình cờ biết được tôn chỉ hoạt động marketing của người dân nơi đây là “đặt người tiêu dùng lên hàng đầu và là trọng tâm trong các vấn đề, đồng thời tôn trọng văn hoá Việt”. Đáp ứng 2/3 điều rồi đó, còn phân vân mỗi điều cuối, không biết người Việt mình từ khi nào bỗng trở nên thân thuộc với thứ đặc sản của thời đại 4. 0 – humilitainment, những niềm vui thiệt hại.
Tóm lại nhưng không kết
Đem lại tiếng cười, khiêu khích trong khuôn khổ và bình thường hóa những vấn đề nhạy cảm khác với việc lan truyền một trường hợp cá nhân hay “tàn nhẫn giải khuây”, theo một cách nói của bác Giang vậy. Thôi thúc nghĩ một chiếc copy hay, thiết kế một sản phẩm truyền thông cho kịp với thời thế là đúng nhưng cái đúng nó mang tính tương đối, nhất là khi ảnh hưởng đến người khác. Một đi không trở lại, chiếc story như mồi lửa dù không thể đốt trụi một cánh rừng nhưng chí ít cũng để lại vết bỏng đâu đây.
Độc giả: Vậy, API có đụng không?
API: Ừm thì “có tật thì giật mình” như người đời bình luận ấy thôi.
Tổng hợp và chia sẻ của Hà Trang