Mục lục
Hôm nay ngồi bên bàn phím mà cứ gõ rồi lại xóa, vốn định không viết bài này đâu nhưng trong lòng mình lại quá nhiều bộn bề và cảm xúc.
Nhớ 4 năm trước, khi mình bắt đầu tập tành viết lách và chia sẻ trên mạng xã hội thì khát khao duy nhất của mình là được nổi tiếng, bài viết nhiều người biết đến, rồi từ đó sẽ có khách hàng, có tiền. Không ngoài dự đoán, mình cũng được lên top một lần với bài viết hơn 4000 likes, 3000 bình luận, và hàng trăm lượt share khi chia sẻ về chủ đề thay đổi bản thân.
Hầu hết 60% bình luận trong bài viết đó khá tiêu cực, admin đã cho mình out ngay lập tức sau 1h vì dưới comment để lại một dòng tag quảng cáo cho shop bán hàng. Sau bài viết đó mình nhận được nhiều tin nhắn từ những bạn trẻ rất nhỏ dùng những từ ngữ cay độc, thậm chí còn vào tường để comment chỉ trích mình nặng nề vì vài dòng quan điểm trái chiều. Có những khán giả chỉ hùa theo chứ chẳng cần đọc bài.
Đêm đó không thể ngủ được, ngày hôm sau chỉ ngồi khóc rất nhiều. Người duy nhất đứng về phía mình chính là gia đình, gia đình đã an ủi để mình có thể vượt qua cơn khủng hoảng đầu đời mang tên bắt nạt mạng xã hội. Mặc dù vậy, kể từ sau trở đi rất lâu mình chẳng còn dám chia sẻ gì lên các group nữa. Mình từ một người thích chia sẻ trở thành thế hệ im lặng.
Nghiên tuổi 22 gửi đến Nghiên của những ngày tháng trước đó và tất cả các bạn Gen Z thân yêu!
Con cháu sau này của mình nữa, hãy ghi nhớ thật kỹ những bài học sau đây.
Hãy tôn trọng tất cả mọi người
Thứ nhất, là mình còn nhỏ, nhưng khi rep cmt, lại auto xưng chị trong group toàn người lớn hơn, gõ bàn phím rất nhanh mà chẳng cần nhìn avatar là gì. Điều đó cho thấy sự bất cẩn và căn bệnh tay nhanh hơn não của mình đã đi vào tiềm thức.
Sau này lúc sinh hoạt trong một cộng đồng nào đó, mình thường xem kỹ avatar hoặc vào profile trước khi trả lời, nếu không chắc chắn nhỏ tuổi hơn, mình sẽ gọi anh/chị hoặc là bạn.
Nhờ rút ra được bài học này, trở nên “biết điều” hơn mà mình có được nhiều mối quan hệ tuyệt vời trên mạng xã hội và sau đó là kết nối trực tiếp ngoài đời thực. Mình được bảo vệ khi tham gia sinh hoạt trong các cộng đồng, và nhiều động lực hơn để tiếp tục chia sẻ. Hãy tôn trọng người khác, và bạn cũng sẽ nhận được sự tôn trọng như bạn muốn.
Bắt đầu bài viết bằng một mục đích tốt đẹp
Thứ hai, lúc viết bài đó, mình chỉ có hai mục đích, có tiếng và có tiền. Vậy nên năng lượng của mình bị chùng xuống nặng nề mặc dù cuối cùng mình đã đạt được cả hai (Tăng follow, khách đặt đơn). Và có lẽ, nó cũng chẳng mang đến sự bình an mình mong muốn.
Sau này, mỗi khi có ý định làm một điều gì đó dù là trên mạng xã hội, mình chọn cách nghĩ tới người khác trước tiên (thay vì ích kỷ chỉ nghĩ cho mỗi quyền lợi của bản thân), rằng mình muốn truyền tải thông điệp gì thông qua bài viết này? Nếu như bài này nhận được phản hồi tiêu cực nhưng một bộ phận nhỏ vẫn nhận được những lợi ích từ chúng thì mình vẫn sẽ tiếp tục chứ? Nếu bài chỉ có một người đọc, một người cmt, một người cảm ơn và chuyển biến tốt lên thì mình vẫn giữ lại bài đó hay xóa đi vì sợ người khác nghĩ rằng mình viết dở nên tương tác kém?
Nếu chỉ nghĩ cho bản thân thì mình nhất định sẽ không post bài đó.
Những người comment tiêu cực, thực tế là người đang bất mãn với cuộc sống của họ
Thứ ba, vì sao mình lại buồn? Đó là do mình chỉ nghĩ cho bản thân. Rằng tôi đang bị chửi, bị nhục mạ, bị người khác ghét bỏ. Cái tôi khiến mình đau khổ vô cùng.
Nếu như lúc đấy mình đổi góc nhìn, chấp nhận bỏ cái tôi xuống thì có lẽ đã chẳng khóc nhiều như thế. Hầu hết những người comment tiêu cực là người cũng đang bất mãn với cuộc sống của họ. Họ không biết giải quyết vấn đề nên tìm cách để kéo năng lượng của mình xuống chung, nghĩ rằng giận cá chém thớt sẽ khiến họ cảm thấy vui hơn. Sau tất cả họ đâu có vui vẻ gì khi xa rời chiếc điện thoại và trở về với thực tại? Ngày nào trong tâm cũng chứa đầy những nặng nề, bất mãn, liệu ngủ ngon được không?
Hiểu và thương chính là khi bạn biết được gốc rễ của một vấn đề, bạn sẽ không còn ghét những người đang phủ nhận mình mà thấy cảm thông nhiều hơn. Thực tế, một người hạnh phúc và luôn hướng đến những điều tốt đẹp sẽ không rảnh để đi comment như vậy. Sau này, mình không dùng thời gian để cãi nhau, mình block cho nhanh. Hoặc bỏ qua chẳng đọc thèm comment để họ bơ vơ giữa dòng đời hiu quạnh.
Điều mình lo sợ hơn cả là thế hệ Z lớn lên, trên hành trình tham gia mạng xã hội sẽ dễ bị lung lay trước những lời chỉ trích. Họ đau khổ, trầm cảm, có khi là tự tử. Mình thì chưa đến mức độ 2, nhờ gia đình luôn đứng về phía mình, thế nhưng những đứa trẻ không ai bên cạnh sẽ ra sao? Họ sẽ cô đơn như thế nào? Và rồi, nếu như không có một ai để đồng cảm, sẻ chia, liệu tương lai của đứa trẻ ấy lớn lên có lành mạnh hay không?
Hôm nay, mình trải nghiệm một lần hiện tượng viral tiêu cực nữa thông qua bài viết kêu gọi mọi người xóa Tiktok nhưng mình đã mạnh mẽ hơn. Nếu nhận được quá nhiều phản hồi tiêu cực, mình chọn cách không đọc bình luận mà tập trung đi làm chuyện khác có ích cho đời. Mình học cách biến nỗi đau thành sức mạnh và mình không còn sợ hãi bởi vì nhận thức được điều mình đang làm, sẽ giúp cho một ai đó. Hãy cố lên, Gen Z!
Thực ra, không chỉ riêng Z, có nhiều người đã rất lớn rồi nhưng vẫn không thể vượt qua được sự khủng khiếp của cơn bão cộng đồng mạng đấy thôi…
Chia sẻ của Phan Minh Hoàng Nguyên.