Mục lục
Tuần trước tôi có chia sẻ về một chủ đề mà tôi khá tâm đắc. Đó là kỹ năng quan sát.
Nhưng thời lượng có hạn nên tuần này tôi sẽ tiếp tục đi sâu hơn vào nó. Để bạn có thể hiểu rõ về kỹ năng quan trọng bậc nhất này!
Nói thì nói vậy nhưng tôi cũng rì viu sương sương lại cho anh chị em nhớ.
Nhiều khi các bạn đọc nhiều quá rồi chẵng nhớ đâu vào đâu.
Kỹ năng quan sát có thể hiểu một cách đơn giản là chúng ta chú ý vào những sự vật, sự việc xung quanh mình để từ đó có thể rút được những kinh nghiệm cho bản thân cũng như có cách ứng xử phù hợp.
Hơi lý thuyết phải hem? Bởi vậy tôi mới nói bạn đọc lại phần 1 mà.
Ví dụ bạn muốn học kỹ năng SEO của ông 5 mà ổng giấu nghề không chịu chỉ. Vậy bạn chỉ còn cách là quan sát các công việc ông ta làm để đạt được kết quả như ổng.
Ví như ổng đi link như nào nè, số lượng từ khóa phân bố ra làm sao nè, content ổng viết sao mà đọc thu hút quá trời. Còn Onpage và Offpage ổng triển khai như thế nào?
Tất nhiên là tôi đang nói ông 5 gần nhà tôi rồi, chứ Thầy 5 thì ổng chỉ hết bạn rồi còn gì nữa.
Nhưng việc quan sát cũng đâu có dễ, phải hem?
Hôm nay tôi sẽ chia sẻ cách mà tôi học mọi thứ từ chỉ bằng kỹ năng quan sát.
Bước đầu tiên là bạn phải ý thức được mình cần chú ý quan sát mọi thứ hơn
Mới nghe thì có vẻ không liên quan gì, nhưng đây gần như là bước quan trọng nhất.
Bởi vì, bạn biết không đôi khi chúng ta rất hời hợt với mọi thứ. Chúng ta mắc hết sai lầm này đến sai lầm khác. Mà cái sai lầm này với cái kia nó na ná với nhau à. Nên bạn hoàn toàn có thể tránh được nếu chú ý quan sát hơn.
Chỉ cần bạn tự nói với mình, từ nay tôi sẽ chú ý hơn trong các việc tôi làm, tôi sẽ lưu tâm hơn với các sai lầm của mình trong quá khứ để không phải phạm phải nó một lần nữa.
Ban đầu thì bạn sẽ chưa thấy được gì đâu. Vì cái gì có giá trị thì nó cũng cần thời gian mà. Phải hem?
Nhưng nó sẽ gieo một hạt giống trong bạn. Và kỹ năng quan sát của bạn sẽ dần cải thiện lên.
Thử dành thời gian để quan sát một tình huống cụ thể trong ngày vâng chỉ quan sát thôi
Hàng ngày, nếu bạn để ý thì xung quanh bạn nó có quá trời sự việc xảy ra đấy. Chẵng qua bạn không để ý thôi.
Nếu biết cách quan sát, bạn cũng rút được một đống kinh nghiệm rồi.
Tôi ví dụ nè.
Tôi ở Đà Nẵng, ở chỗ tôi thì có quán bánh mỳ bà Lan bán chạy quá trời. Ai ở Đà Nẵng thì đều biết quán này nha (Không họ hàng gì với tôi nên bà con đừng nói tôi PR cho ai tội nghiệp). Nói thiệt vào mà để chờ ăn được ổ bánh mỳ ở đây thì phải chờ nhanh nhất cũng 5 phút. Giá cũng cao gấp đôi so với chỗ khác. Vậy mà nhân viên gần 10 người vẫn bán không kịp.
Cũng bán bánh mỳ, nhưng quán ông Điệp đối diện lại vắng hoe. Chẵng mấy ai lại ngó ngàng. Giá bán cũng chỉ bằng 2/3 thôi.
Rõ ràng bà Lan phải có một chiêu gì đó cực kỳ đặc biệt, phải hem?
Tuy không bán bánh mỳ, nhưng tôi rất hay ra quán bà Lan mua. Mục đích chủ yếu là xem cách bà ấy kinh doanh như nào để học hỏi thôi.
Cầm 2 ổ bánh mỳ của bà Lan và của ông Điệp ăn cảm nhận sẽ khác ngay. Muối được rải đều, ăn vừa chứ không quá mặn. Chả cũng làm khá đặc biệt, độ cay vừa đủ. Cách bà ấy rắc muối trông cũng rất thú vị nữa.
Đó là còn chưa nói đến thương hiệu. Giờ đọc bánh mỳ bà Lan thì ai cũng biết, chứ nói quán bánh mỳ ông Điệp thì lại chả thuận tai tý nào.
Chỉ cần để ý kỹ thì bạn sẽ quan sát được rất nhiều điều xung quanh mình để có thể học hỏi được.
Dành 5 phút cuối ngày để review lại
Trước khi đi ngủ, tôi hay dành tầm 5 phút để nghĩ về một ngày mà mình đã trải qua.
Hôm nay có việc gì xảy ra với tôi hem? Có chỗ nào tôi đã cư xử rất tốt hem? Có chỗ nào tôi làm cực kỳ củ chuối hem? Nếu được làm lại tôi sẽ làm khác đi như thế nào?
Hãy nghĩ về nó mỗi ngày trước khi đi ngủ, bạn sẽ nhận ra được nhiều điều mình có thể cải thiện đấy.
Lại ví dụ như này cho dễ hiểu.
Hôm nay, có khách inbox để hỏi về sản phẩm mà tôi đang bán.
Họ hỏi giá sản phẩm và tôi trả lời ngay là sản phẩm này giá 400k. Sau đó thì, à mà không có sau đó.
Họ thấy đắt quá nên không hỏi gì nữa.
Giờ nghĩ lại mình trả lời tệ thật.
Rõ ràng, trong trường hợp này mình nên hỏi thăm khách hàng nhu cầu như thế nào nè, rồi mình đưa ra các giải pháp cho họ nè. Rồi mới nói đến các sản phẩm của mình.
Lần sau, mình sẽ chuẩn bị sẵn các kịch bản bán hàng để khi gặp lại tình huống tương tự, mình sẽ cư xử khác đi.
Bạn cứ làm như vậy mỗi ngày, rồi bạn sẽ nhận ra, mình không còn mắc các lỗi vớ vấn như trước đây nữa. Mình đã cải thiện hơn rất nhiều rồi.
Bước thứ tư là tìm cách thực hành những điều mà mình quan sát trong một tình huống cụ thể
Việc bạn quan sát sẽ chẵng có ý nghĩa gì nếu nó không giúp bạn cải thiện được bản thân. Và thực hành sẽ giúp bạn làm được điều đó.
Ban đầu hãy thực hành bằng những việc nho nhỏ thôi.
Chẵng hạn, sáng nào đi làm gửi xe bạn cũng bị ông bảo vệ rầy la, nhăn nhó vì bạn chạy đến nơi mà còn nổ máy và còn hay đi muộn nữa.
Sao sáng nay, bạn không cư xử khác đi nhỉ.
Sao không chào hỏi ông ấy một lần xem?. Thử một lần hỏi thăm ông ấy hay thậm chí nói vài câu vui vui xem thử mọi chuyện có khác đi không?
Thật lòng tôi cũng hay làm điều này. Và đa số tôi được dắt xe hộ luôn và vào một chỗ rộng rãi để lỡ có về sớm tôi vẫn dắt xe dễ như thường.
Bạn cũng vậy, nên bắt đầu thực hành từ những việc nhỏ thôi. Và quan sát độ hiệu quả và tiếp tục cải tiến trong cách thực hành của mình.
Bước cuối cùng trong quá trình học hỏi kỹ năng quan sát là đọc nhiều hơn
Đọc cái gì, đọc ở đâu?
Tôi mỗi ngày dù bận cỡ nào thì tôi cũng xem ít nhất một bài trên TED talk hoặc một bài trong mục “Góc nhìn” của trang Vn-express.
Ở đây, người ta đưa ra các nhìn nhận rất khác với chúng ta trong cùng các sự việc hằng ngày.
Và đa số các nhìn nhận là khá sâu sắc.
Ở đây chưa quan tâm đến chuyện đúng – sai, mà là bạn sẽ học được cách người ta nhìn nhận một sự việc chứ không bị dắt mũi.
Đọc nhiều, rồi bạn sẽ thấy cách nhìn của mình của mình sẽ rộng hơn, bao quan quát hơn và nói chuyện chắc chắn sẽ có “muối” hơn.
Chứ nói chuyện mà toàn là “em ăn cơm chưa?” với “ em đi có ăn rau dền không” thì muốn block luôn rồi.
Vì tôi muốn lấy các ví dụ chi tiết để các bạn hiểu được rõ hơn về kỹ năng này. Hy vọng các bạn sẽ đọc được đến đây.
Chúc các ngày đầu tiên làm việc thật năng lượng.
Chia sẻ của Lê Tấn Nghĩa