Nếu ai đó hỏi tôi đã học được những gì trong những năm tháng đi làm vất vả? Thì tôi sẽ trả lời, tôi học được đạo đức nghề nghiệp. Đó là “Không làm thì thôi, nhưng đã làm thì nhất định phải làm cho ra hồn”
Chúng ta chắc ai cũng từng một lần nghe bố mẹ hay ai đó mắng là: “làm không ra hồn gì cả” chưa?
Đó là khi chúng ta làm được một việc gì đó mà không hoàn thành được.
Đó là khi chúng ta làm xong một việc nhưng kết quả chả ra con mẹ gì.
Đó là khi chúng ta làm nhưng lại rất cẩu thả và gây nên kết quả xấu ảnh hưởng đến rất nhiều người.
Đặc biệt, nếu ai đã đi làm trong các doanh nghiệp sẽ hiểu điều này.
Nếu cấp trên giao cho bạn một công việc mà bạn làm không ra gì thì những dự án quan trọng ai mà dám giao cho bạn đây?
Vậy nếu ai đi làm mà cứ than là cấp trên không tin tưởng thì xem lại mình nha. Bạn có làm ra hồn đâu mà bảo họ tin!
Rèn luyện tính cẩn thận và “làm cho ra hồn” thực sự rất quan trọng!
Ai từng đi thi Đại học thì chắc cũng nhớ, mấy môn trắc nghiệm mà chỉ cần không cẩn thận một tí thôi là đã ra kết quả sai ngay.
Nên đôi khi việc điểm số cao hay thấp trong các môn trắc nghiệm là do tính không cẩn thận gây nên cả.
Còn ai làm kế toán thì cũng biết. Sai một ly không chỉ đi một một dặm đâu. Mà có khi là cả nghìn dặm chứ chả chơi.
Đó là những hậu quả của việc không cẩn thận.
Một biểu hiện khác của việc “làm không ra hồn” nữa. Đó là làm nhưng rất hời hợt.
Ban đầu cũng quyết tâm học Tiếng anh này nọ, cũng muốn đua đòi ai eo, tô ích như người ta.
Nhưng khi tôi nói phải kiên trì học liên tục ít nhất 6 tháng mới thấy kết quả được. Thì sau đó họ lại thôi.
Làm cái gì mà tôi thấy được kết quả liền thì tôi mới làm. Chứ 6 tháng lâu quá, tôi không chịu đâu, tôi không chịu đâu!
Và họ lại đi tìm công thức “Hack não” để nhớ được 3000 từ vựng tiếng anh. Và khi không “hack” được, họ lại quay lại học lại theo phương pháp cũ.
Cái vòng lẩn quẩn này cứ theo họ hoài, chẵng dứt ra được.
Còn một kiểu nữa, đó là không tự lượng sức mình.
Họ cũng rất quyết tâm, nhưng lại làm quá nhiều việc cùng lúc.
Nào là học Tiếng anh, kinh doanh, rồi thiền, rồi học marketing, rồi học Gym.
Cái nào họ cũng muốn học cả. Cái nào họ cũng muốn mình tốt làm cả.
Nhưng họ chỉ làm được một thời gian rồi bỏ.
Bởi vì cái gì ban đầu làm thì nó cũng thú vị cả. Nhưng đi được một thời gian rồi mới biết.
Bao nhiêu khó khăn, mệt mỏi bắt đầu xuất hiện khi bạn thực sự tìm hiểu hay làm một một cái gì được được một thời gian.
Và họ không thể nào hoàn thành được tất cả những thứ này.
Kết quả là họ bỏ cuộc tất cả những thứ trên.
Biểu hiện trên là của tôi ngày xưa đấy!
Tôi cũng rất tham lam. Cái gì cũng muốn học. Cái gì cũng muốn biết.
Hễ nghe ai nói có cái gì hay là lao vào làm mà không có một chút chọn lọc nào cả.
Và kết quả của tất cả các biểu hiện này là” KHÔNG CÓ CÁI GÌ LÀM RA HỒN CẢ”
Vậy, chữa nó làm sao đây!
Đây là giải pháp mà tôi đang áp dụng nha. Khá hiệu quả đấy. Đọc tiếp xem là gì nào!
Tôi sẽ ngồi trả lời nghiêm túc câu hỏi sau: “Việc gì quan trọng và cấp bách nhất với tôi vào thời điểm hiện tại. Mà nếu tôi không làm nó thì tương lai sẽ thúi quắt luôn?”
Cái tôi muốn thì rất nhiều, nhưng cái quan trọng và cấp bách nhất thì nó cũng không có bao nhiêu.
Và quan trọng là, tôi chỉ chọn DUY NHẤT MỘT CÁI THÔI.
Tôi quyết tâm phải làm cho ra hồn cái này.
Tôi biết, mấy đứa giỏi có thể làm rất nhiều việc cùng lúc. Nhưng tôi biết khả năng của mình.
Tôi biết mình mới bắt đầu, tôi biết mình vẫn còn hay lơ đễnh trong lúc làm nên tôi chỉ chọn 1 cái để đối chọi lại.
Nếu nó làm được 6 việc, tôi chỉ làm 1 việc thôi. Làm quyết tâm thì chưa biết ai hơn ai à.
Tôi lên cho mình một mục tiêu là 6 tháng có thể nói được Tiếng anh.
Rồi sau đó tôi chia ra, từng giai đoạn tôi cần làm cái gì.
Ví dụ, 03 tháng đầu tôi sẽ tập trung vào để luyện 3000 từ thông dụng.
01 tháng kế tiếp, tôi sẽ học phát âm để nói chuẩn.
Và 02 tháng còn lại tôi sẽ luyện giao tiếp.
Lộ trình rõ ràng như vậy đã đủ chưa?
Vẫn chưa nhé.
Ví dụ, trong 03 tháng đầu tôi cần học những bài gì?
Tôi cần học bao nhiêu ngày mỗi tuần, và bao nhiêu giờ mỗi ngày nữa.
Viết ra, càng chi tiết càng tốt.
Vì mình chỉ có MỘT VIỆC DUY NHẤT THÔI, nên khả năng mình hoàn thành được nó sẽ cao hơn nhiều.
Trong giai đoạn này tôi sẽ theo duy nhất nó thôi.
Ai có chỉ cái gì tôi cũng không nghe. Tôi phải làm hoàn thành việc này trước đã rồi tính tiếp.
Có một câu nói truyền cảm hứng mà anh Lý Tiểu Long đã từng nói. Đại ý là” Tôi không sợ một người tập 10000 cú đá mà tôi chi sợ một người tập 1 cú đá trong 10000 lần”
Nên bạn chỉ cần tập trung một việc thôi. Gạt hết tất cả các việc khác qua một bên.
Bạn sẽ lao như một mũi tên về phía trước.
Đến đây chắc lại có nhiều người nói, tôi bận cái này. Tôi bận cái kia. Làm sao mà tôi thực hiện như vậy được?
Vầy nè. Có ai nói bạn phải bỏ hết mấy việc như ăn uống, ngủ nghỉ hay chăm sóc gia đình chỉ để thực hiện một việc duy nhất là tập trung học Tiếng anh đâu.
Cho dù có như vậy thì cũng chán chết, bạn sẽ không đủ sức làm nổi đâu.
Ý tôi là, trong giai đoạn này, bạn chỉ nên ưu tiên một công việc duy nhất trong một giai đoạn thôi. Đừng có tham quá, làm hay học nhiều thứ khác nhau.
Và quan trọng là, làm cái gì thì làm. Nhưng nhất định phải làm cho ra hồn nha.
Có thể việc kinh doanh tôi không bằng ai.
Có thể việc tập Gym tôi không bằng ai.
Cũng có thể kế toán tôi chẵng biết gì.
Nhưng nếu tôi tập trung vào Tiếng anh để xem là thế mạnh của tôi thì còn chưa biết à.
Các bạn sinh viên mới ra trường, khi đi phỏng vấn, trong mục CV sẽ luôn có một mục là:
“what is your strength?” – Đại ý là bạn làm giỏi cái gì nhất, kể ra tao coi?
Mấy đứa mà làm 6,7 việc nhưng chả việc nào ra việc nào thì kể làm sao đây?
“Em biết Tiếng anh nè, em biết kế toán nè, em biết ppt nè, em biết design nữa. Nhưng em chỉ biết thôi. ”
“Vậy thôi bạn về đi, bạn giỏi quá tao không dám nhận”
“Xin hãy nhận em đi, hãy nhận em đi” rồi ôm mặt khóc nức nở.
Chia sẻ của Lê Tấn Nghĩa