Chào thầy và các anh chị em! Ngay sau khi phần 1 được duyệt, thì mình lập tức bắt tay vào viết phần này, hy vọng nó sẽ giúp được các bạn đang chật vật trong việc học Tiếng anh tìm được đường đi đúng đắn.
Các bạn nếu chưa đọc phần 1 thì đọc lại trước khi mình qua phần 2 nha, để đảm bảo hiểu được hết những ý mà mình sẽ nói.
Sau khi các bạn đã học nghe được tầm 3-6 tháng, thì đã đến lúc bạn bắt tay vào học nói Tiếng anh được rồi. Lúc này não bạn nó đã không còn xem tiếng anh là một thèn nào đó quá xa lạ nữa. Điều này sẽ giúp bạn học nhanh hơn.
Người bản ngữ nói bạn có thể hiểu được một vài từ rồi. Nhưng làm sao để bạn nói được những câu đầu tiên?
Cũng không dễ dàng phải không nào?
Như đã hứa, hôm nay mình sẽ hướng dẫn bạn nói được những câu đầu tiên và đặc biệt là nói chuẩn luôn chứ không phải nói kiểu tiếng bồi nha.
Cùng đọc tiếp nè!
Để nói được, bạn phải tập nói. Và để tập nói, bạn phải tập phát âm. Đó là điều kiện tiên quyết để nói chuẩn. Bạn phải bắt đầu giống như một đứa trẻ lúc mới tập nói tiếng việt vậy.
Mình mất tầm 1 tháng thực sự tập trung học phát âm (Ban đầu chưa biết gì). Đây là giai đoạn rất quan trọng, bạn phải học cách phát âm thật tốt. Các giai đoạn sau sẽ nhẹ nhàng hơn.
Bạn sẽ nghĩ Tiếng anh có bao nhiêu từ chẵng lẽ học phát âm hết từng từ sao?. Không phải đâu. Bạn chỉ cần học phát âm của 3000 từ thông dụng thôi.
Bởi vậy ở giai đoạn đầu tiên mình mới nói các bạn là phải học nghe theo bộ bookworm để nghe được 3000 từ thông dụng (3000 từ thông dụng nằm trong bộ này cả).
Bạn lên youtube search hướng dẫn học phát âm 44 âm theo IPA. Bạn xem người ta hướng dẫn cách phát âm cho từng âm. Xem miệng người ta như thế nào, lưỡi người ta ra sao. Rồi mình lấy một cái gương phát âm xem mình có làm đúng như vậy không, rồi chỉnh sửa lại. Mình khuyến cáo học mỗi ngày 3 âm thôi, rồi viết ra những từ có các âm này rồi đọc theo.
Ngày hôm sau, đọc lại các âm của ngày hôm trước rồi học thêm 3 âm mới nữa. Có nghĩa là bạn mất tầm 15 ngày để học hết 44 âm này.
Sau khi biết cách đọc cả 44 âm, bạn lên google search bộ 3000 từ vựng thông dụng và in ra giấy. Sau đó viết tất cả phiên âm của nó ra và dùng từ điển của Cambridge để đọc theo nó. Mỗi từ đọc khoảng 5 lần. Nhớ là phải viết tay nha. Điều này rất quan trọng. Hình như có nghe ai nói là khi viết tay não mình nó nhớ tốt hơn thì phải.
Đây là một giai đoạn thực sự gian khổ. Nhưng nó sẽ qua nhanh thôi. Đâu thể nào trái ngọt mà đến sau một hai ngày được. Chỉ có phun thuốc tăng trưởng thôi. hehe.
Tầm 1 tháng sau, khi nghe người ta nói một từ tiếng anh nào đó, bạn sẽ biết nó gồm những âm gì tạo thành, và cách phiên âm của nó như thế nào. Mặc dù 1 tháng trước đây mình còn chưa biết phiên âm là cái gì nữa. Tin mình đi, học xong bạn sẽ thấy sự vi diệu.
Lúc trước mình cũng từng nghĩ học cái này vất vả và có vẻ không hiệu quả. Nên mình chỉ nghe người ta đọc và đọc lại cả câu chứ không học phát âm theo bộ IPA này. Nhưng khi nói nó luôn có một cái gì đó không giống được với người bản ngữ nói. Đặc biệt với những từ như “think hay then…”. Khi đọc, bạn phải thè lưỡi ra mới phát âm được đúng từ này. Nếu bạn chỉ nghe người khác đọc và đọc lại thì rất khó để bạn đọc đúng được.
Bạn phải kiên trì, đây là giai đoạn bước ngoặt trong việc học Tiếng anh nên nó thực sự đáng để đầu tư thời gian.
Đến đây thì nhẹ nhàng hơn rồi, bạn đã vượt qua hòn đá tảng đã chặn mình trong thời gian rất lâu.
Để nói được những câu đầu tiên, bạn phải biết về idioms. Idioms là gì? Sao nghe cái tên có vẻ lạ quá vậy. Bạn có thể hiểu đây là những câu cửa miệng, câu thành ngữ của người Mỹ khi nói chuyện nên người ta dùng rất nhiều. Và đặc biệt nó không cần dùng gì đến ngữ pháp cả. Và bạn dùng nó là có thể trả lời được trong rất nhiều trường hợp rồi.
Idioms nó cũng giống như mấy câu trong tiếng việt như: “ vậy hả, tôi biết rồi, ý là, khó nhỉ, giúp tao với nghe mày, cảm ơn em gái mưa nè… ”
Bạn có thể search trên mạng về Idioms và lên youtube để nghe cách người ta đọc. Nó rất dễ.
Phần tiếp theo là phrase verb. Bạn có thể hiểu nôm na đây là những cụm từ đi cùng với nhau. Tụi nó đi đâu cũng có bạn có bè cả.
Ví dụ nè: “ agree with – đồng ý với” hay “get up – thức dậy”…
Nên khi ghép thành câu bạn chỉ cần nhớ cấu trúc kinh điển: S + V + O (đôi khi O không có vẫn được)
Lại ví dụ nè: Nếu bạn còn gà tiếng anh thì chỉ cần nói là: “I get up” là người ta cũng có thể hiểu rồi. Còn khi level của bạn nâng cao, bạn hoàn toàn có thể “thêm mắm dặm muối” vào để cho dân tình lé mắt chơi
Mình đang viết cho người ở level cơ bản nhất có thể hiểu được. Nên các bạn pro đừng bắt bẻ mình tội nghiệp
Thực sự phần này rất khó để phân tích đầy đủ để các bạn hiểu rõ hết được. Nên mình chỉ nêu cách mình làm để nói được những câu đầu tiên.
Vậy thì làm sao để người ta nói là bạn có thể trả lời ngay được, chứ không có dịch từ tiếng anh ra tiếng việt, rồi tìm câu trả lời rồi lại dịch từ tiếng việt ra tiếng anh? Đợi bạn trả lời chắc người ta bỏ đi mất.
Lại phải hẹn các bạn trong bài chia sẻ sau (Nếu được duyệt, hehe).
Bài dài quá lại mẩn cảm đối với mấy bạn sợ chữ như mình nữa.
Chúc các bạn chinh phục hòn đá tảng mang tên “ Tiếng anh”
Chia sẻ của Lê Tấn Nghĩa