Mục lục
Lướt một số hội nhóm về Shopee, bao gồm cả Group Lập nghiệp, mình thấy người ta khuyên nhau việc sử dụng các công cụ thống kê từ khóa để nghiên cứu lựa chọn sản phẩm hoặc lựa chọn từ khóa.
Theo mình đây là một sai lầm rất nghiêm trọng và ngay bây giờ mình sẽ chứng minh điều đó
Trước hết, công cụ thống kê từ khóa là gì vậy?
Trên thế giới có rất nhiều bên cung cấp công cụ thống kê nhằm mục đích khảo sát và đánh giá thị trường. Phổ biến nhất ở Việt Nam các bạn thường sử dụng 2 công cụ là Google Keyword Planner hoặc KeywordTool.io. Cũng có nhiều bên ở Việt Nam ( ví dụ FFF) cũng phát triển các công cụ này.
Tất cả chúng đều có chung 1 tác dụng: thống kê lượt tìm kiếm (search volume) của một từ khóa (keywords) và các từ khóa liên quan. Hầu hết các công cụ này đều dựa trên thống kê của Google – cỗ máy tìm kiếm tỷ đô lớn nhất thế giới
Quan điểm sai lầm
Một số bạn cho rằng, do người tìm kiếm trên Google là người Việt Nam, người tìm kiếm trên Shopee cũng là người Việt Nam.
Nên ta có thể quy chiếu từ Google sang Shopee, tức là nếu một từ khóa được tìm kiếm nhiều trên Google, nó sẽ được tìm kiếm nhiều trên Shopee, và ngược lại
Từ quan điểm đó, một số bạn chia sẻ rằng, trong việc nghiên cứu sản phẩm, dựa vào các công cụ thống kê kể trên, từ khóa sản phẩm nào được tìm nhiều thì tức là sản phẩm đó tiềm năng, và ngược lại
Còn trong việc nghiên cứu bảng từ khóa, một số bạn chơi theo cách, dùng các công cụ thống kê để đưa ra một bảng từ khóa kèm lượt tìm kiếm, sau đó sắp xếp lượt tìm kiếm theo thứ tự từ cao xuống thấp, rồi chọn những từ khóa có lượt tìm kiếm cao nhất cho vào chạy đấu thầu.
Chứng minh đó là sai lầm
Mấu chốt của sai lầm trên nằm ở tư duy cho rằng tỷ lệ tìm kiếm trên Google sẽ tỷ lệ thuận với tỷ lệ tìm kiếm trên Shopee, do Google “to” hơn Shopee. Tuy nhiên, các bạn quên xét để yếu tố “người dùng tìm để làm gì”.
Ở Google, cỗ máy tìm kiếm giá trị nhất thế giới, người ta tìm kiếm để TÌM HIỂU THÔNG TIN (tức là khi phát sinh nhu cầu tìm hiểu).
Ở Shopee, một ứng dụng mua sắm, người ta tìm kiếm để TÌM MUA SẢN PHẨM ( tức là khi phát sinh nhu cầu mua sắm). Nghĩa là, một từ khóa hoàn toàn có thể được tìm rất nhiều trên Google, lại có lượt tìm kiếm rất hạn chế trên Shopee, và ngược lại
Cùng xem xét 2 ví dụ sau đây (các bạn tự kiểm chứng bằng công cụ thống kê và công cụ shopee nhé)
Ví dụ 1: từ khóa “shop quần áo đẹp” có lượt tìm kiếm trên Google là 1000 nhưng có lượt tìm kiếm trên Shopee là 18. Cái này mình nghĩ ai cũng dễ hiểu thôi, chẳng ai lên Shopee để tìm một từ khóa ngớ ngẩn như vậy cả
Ví dụ 2: từ khóa “quần lót giá rẻ” có lượt tìm kiếm trên Google là 390, có lượt tìm kiếm trên Shopee là 28.295 ( tại thời điểm mình ngồi gõ bài viết này).
Chà chà, những bạn bán quần lót đâu rồi, các bạn có ngờ được rằng khách hàng của các bạn sẽ mở app Shopee lên và tìm từ khóa “quần lót giá rẻ” không???
Vậy là, nếu theo tư duy sai lầm mà mình nói ở mục 2, khi công cụ thống kê xuất ra cho bạn một bản báo cáo, bạn sẽ dễ dàng bị đánh lừa bởi theo công cụ thống kê thì từ khóa “shop quần áo đẹp” được tìm nhiều hơn từ khóa “quần lót giá rẻ”. Tuy nhiên, với Shopee, câu chuyện hoàn toàn xảy ra theo hướng ngược lại
Mình viết bài này trong 20p sau khi đọc được một bài viết chia sẻ trên Lập nghiệp, không nhằm mục đích chứng minh điều gì to tát hay hạ thấp ai, chỉ khuyên các bạn khi làm Shopee hãy cố gắng tìm hiểu và tư duy đến tận bản chất vấn đề, và tỉnh táo với những lời chia sẻ ( kể cả là của mình). Vì rất có thể, nó cũng chưa đúng lắm đâu. Chúc vui.
Chia sẻ của Huân Phạm