Mục lục
Cổ nhân từng nói: “Đức bạc nhi vị tôn, trí tiểu nhi mưu đại, lực tiểu nhi nhậm trọng, tiên bất cập hĩ”. Ý tứ đại khái là, người đức hạnh mỏng mà giữ địa vị cao quý, trí khôn thấp mà tâm cao chí lớn, sức lực yếu mà nắm giữ trọng trách, người như vậy thì rất dễ gặp họa.
Nước đều hướng về nơi có dòng chảy thấp, nhưng người lại muốn leo lên vị trí cao! Ai cũng hy vọng mình có thể đứng trên đỉnh, tuy nhiên trình độ, năng lực, và đạo đức nếu không có sự tương đồng thì kết quả của việc leo càng cao chính là té càng đau, đó không phải là một chuyện tốt.
Đối với con người mà nói, một đời có 3 sai lầm không nên phạm vào, nếu không sẽ liên tục gặp tai họa, thậm chí họa lên cả đời con cháu, không thể không thận trọng.
Người không có đức hạnh
Người có đạo đức sẽ giống như một vùng đất phì nhiêu, có thể nuôi dưỡng vạn vật, chứa đựng nhiều thứ. Nhưng người không có đức lại giống như vùng đất cằn cỗi, rất khó phát triển.
Với những người chỉ biết dùng thủ đoạn nham hiểm để mưu lợi cá nhân sẽ rất dễ tự hại chính mình. Ví dụ trong môi trường làm việc, khi đi cùng cấp trên thì những người thủ đoạn thường tìm mọi cách để lấy lòng sếp. Đợi khi bản thân được thăng chức, họ sẽ không nhìn vào năng lực mà chỉ dựa vào người mà họ thích để đề bạt và điều chỉnh chức vị cấp dưới của mình.
Có thể thăng chức là một chuyện tốt, đôi khi đó cũng là số mệnh. Nhưng nếu một người có thể giữ vị trí cao nhưng khi gặp chuyện lại không biết cách xử lý công bằng, chỉ dựa vào người mình thích và ghét để giải quyết vấn đề, vậy thì một ngày nào đó, khi công việc gặp trục trặc, cũng sẽ tự mình chuốc họa.
Người có năng lực nhưng lại không có đạo đức thì cũng không thể làm được gì to lớn. Bởi khi họ đã làm rất nhiều chuyện bại hoại đạo đức để mưu lợi, thì chắc chắn sẽ mang đến tai họa, thậm chí có thể đi tù.
Ngu dốt
Người khiêm tốn sẽ hiểu được rằng, cần phải học, học nữa, học mãi, cả đời đều phải học, cũng không ngại đặt câu hỏi. Tục ngữ có câu: “Làm bừa không bằng làm khéo”. Cần không ngừng học hỏi để tự trưởng thành, làm việc phải mềm mỏng khéo léo, trồng sung ra vả.
Nếu để một người ngu dốt làm việc, thì rất dễ phạm sai lầm, càng là quyền cao chức trọng thì khi mắc sai lầm lại càng lớn. Sự tồn tại của đập Tam Hiệp chẳng phải là một ví dụ thảm khốc cho sự thật đó sao?
Ban đầu là từ một vài người ngu dốt, cứ khư khư cố chấp mà xây dựng nên đập Tam Hiệp. Sau này càng cố gắng để tránh cho đập bị vỡ, lại khiến cho trận lũ lụt ở hạ lưu nghiêm trọng, tạo nên tổn thất khó mà tính toán được cho sinh mệnh và tiền bạc của người dân.
Nếu đã không rõ về một chuyện thì tốt nhất đừng tùy tiện làm, vì cho dù là sửa chữa một lỗi lầm nhỏ cũng phải trả một cái giá tương tự; muốn sửa lỗi lầm lớn, lại càng phải trả cái giá trên trời. Còn biết sai mà không sửa sẽ dẫn đến tự thiêu, làm hại người khác cũng như phá hủy chính mình.
Không lượng sức mình
Có một khối đá lớn, nếu đã không nhấc nổi thì đừng nhấc, kết quả của việc cố gắng nhấc lên là dễ bị đập vào chân mình. Câu chuyện về con bọ ngựa đấu xe, chắc hẳn nhiều người cũng đã quen thuộc.
Chuyện kể rằng có con bọ ngựa nọ, nó nhấc cặp càng của mình lên với hi vọng có thể dựa vào sức mình, ngăn không cho bánh xe to đi qua. Kết quả là đã mất đi tính mạng.
Người không biết lượng sức không phải rất giống với con bọ ngựa đáng thương đó sao?
“Núi cao còn có núi cao hơn, người giỏi còn có người giỏi hơn”. Từ xưa đến nay, trong kẻ mạnh sẽ luôn có kẻ mạnh hơn. Người có cảnh giới cao sẽ hiểu được “thủ điểm yếu” là gì, họ sẽ không bộc lộ ra tài năng của mình. Người thông minh cũng biết lượng sức mà làm, trông như đi rất chậm nhưng họ lại đi rất vững và rất dài.
Đối với một người mà nói, những tai họa mà người đó đã gặp trong đời, phân nửa đều không phải do người khác đem tới, mà là do bản thân tự mình tạo nên.
Một người chỉ cần có sự kiên trì, nhận định được vị trí của mình, thế thì không cần quyền cao chức trọng, cũng không cần eo quấn bạc triệu, chỉ cần làm nhiều việc hợp với đạo đức, họ sẽ tự nhiên đi vững trên mỗi con đường, tai họa cũng vì thế mà tránh xa.
Chia sẻ của Nguyễn Hồng Quân