Mục lục
Làm người sáng tạo nội dung, không lạ khi chúng ta có lúc nào đó “cạn” nguồn ý tưởng, không thể viết nổi một chủ đề gì. Mình có thường xuyên gặp chuyện đó không? Tất nhiên là có! Vậy nên hôm nay, Ton Ton sẽ chia sẻ 3 cách giúp bạn “vắt” idea nhé!
Cách 1: hãy viết về sự… Chán viết của bạn
Khi không có idea để viết, bạn có thể sẽ cảm thấy uể oải và chán nản động tay vào bàn phím. Anh trai mình thường hay khuyến khích mình viết về những điều khó khăn làm mình nản lòng như một đề tài, và chán viết cũng là một trong số đó.
Bạn hãy nghĩ việc viết văn, viết blog như một công cụ để bạn bày tỏ những cảm xúc và trải nghiệm trong lòng. Bạn chán viết? Hãy viết về vì sao bạn thấy chán viết, khi chán viết bạn làm gì.
Bạn cảm thấy buồn bã? Hãy viết về những lần buồn nhất của bạn, hoặc cách nỗi buồn biến mất khi bạn cho nó thời gian. Dù bạn có ở cảm xúc tích cực hay tiêu cực, thì đó cũng là cảm xúc của bạn, và nó hoàn toàn có thể được dùng như nguyên liệu chính trong thực đơn mang tên blog.
Cách 2: lên plan dài hạn
Dạo gần đây, mình mới thử tập một thói quen là lên sẵn lịch content cho 1 tháng. Quy tắc của việc này cũng không phức tạp lắm:
Quy tắc 1: Tùy theo tháng mà lên một chủ đề vừa phù hợp với bầu không khí của tháng, vừa phù hợp với chủ đề Blog của bạn.
Chẳng hạn như tháng 12 được gọi là tháng lễ hội, bạn có thể chia sẻ cách trang điểm hay ăn mặc đi chơi hội nếu bạn thiên về Lifestyle & beauty; các món ăn ngon/truyền thống mùa lễ hội nếu bạn thiên về F&B…
Quy tắc 2: Nếu có thể, hãy lên plan cho 3 tháng trở lên cùng một lúc. Điều này giúp bạn đảm bảo mạch “rặn” idea ngay lúc đó, tránh việc bạn nghỉ ngang và khi đến hạn phải lên idea lại thì lại không còn hứng thú nữa.
Quy tắc 3: Bạn có thể thay đổi idea nếu muốn, nếu bí quá có thể dùng phép thuật “reup” để bớt gánh nặng, miễn là bài đăng cũ của bạn hợp với chủ đề tháng.
Cách 3: thường xuyên trau dồi khả năng “vắt” idea
Cách gì thì cách, quan trọng nhất vẫn là bạn học được cách để não quen với việc suy nghĩ ra cái mới. Mình gợi ý bạn một số cách sau:
Luôn làm mới não: Đừng đi cùng một con đường đến trường, công ty hay về nhà. Đừng đi cùng một lối để mua lon nước ngọt trong Vinmart. Đừng lựa cùng một quầy thu ngân để tính tiền trong siêu thị. Nói chung, cố gắng đừng lặp lại những thói quen không cần thiết. Cách này không chỉ giúp não quen với việc tiếp xúc với mới lạ, mà còn giúp bạn tự thoát khỏi vòng an toàn của bản thân đấy.
Recommend các bạn cuốn “Một nửa của 13 là 8” để chiêm nghiệm thêm những cách rèn não ra idea khác nhen.
Luyện tập nặn headline: Quy định thời gian là 10 phút, liệt kê 10 – 20 topic blog theo chủ đề, hoặc headlines cho sản phẩm,… Việc này giúp tăng tốc độ suy nghĩ ra cái mới của não. Lúc đầu bạn sẽ hơi chậm, nhưng chắc chắn sẽ nhanh dần lên (xin cảm ơn anh chủ Quán Trà Đá đã chia sẻ cách này).
Làm giàu vốn kiến thức: Trước đây mình không thích đọc sách lịch sử hay khoa học thường thức. Tuy nhiên, từ khi bắt đầu làm sáng tạo nội dung thì mình dần nhìn ra được sự quan trọng trong việc tiếp nhận tất cả nguồn thông tin. Bạn không biết khi nào sẽ cần nó đâu, vậy nên tranh thủ tiếp thu càng nhiều càng tốt nhé.
Gợi ý bạn xem phim tài liệu trên Netflix, coi cả đời chắc cũng không hết. Dạo này mình đang xem series “Mối nguy từ hàng tiêu dùng” (Broken).
Tốc ký: Ra idea mà không ghi chú lại thì cũng như gió thổi qua là quên. Vì vậy bạn nên tập thói quen tốc ký, ghi chú lại những gì hay ho nghe được nghĩ được nhen, sổ giấy hay app điện thoại đều ok.
Chia sẻ của Tran Ton