Mục lục
Đối với tôi – một người đã từng làm và trải nghiệm văn hóa doanh nghiệp ở 6 công ty khác nhau, thì sau thời gian trải nghiệm các công ty và nghiên cứu các nguồn thông tin thì tôi sẽ chia sẻ một vài thông tin cơ bản về “văn hóa doanh nghiệp” mà tôi tổng hợp được.
Văn hóa doanh nghiệp là gì?
Có rất nhiều khái niệm về văn hóa doanh nghiệp, nhưng tựu chung, văn hóa doanh nghiệp có thể được định nghĩa là “Tập hợp những giá trị và chuẩn mực về niềm tin, hành vi, cách nhận thức và phương pháp tư duy được mọi người trong công ty cùng công nhận, suy nghĩ và hành động như một thói quen.”
Các cấp độ văn hóa doanh nghiệp
Cấp độ thứ nhất: Cơ cấu hữu hình của doanh nghiệp
Cấp độ thứ nhất trong cấu trúc văn hóa doanh nghiệp là những giá trị văn hóa hữu hình, bao gồm các sự vật và sự việc mà một người có thể nghe, nhìn và cảm nhận khi tiếp xúc với một tổ chức lạ.
Đặc điểm chung của cấp độ này: chịu ảnh hưởng chính từ tính chất công việc kinh doanh của công ty, quan điểm của người lãnh đạo… Trong 3 cấp độ của văn hoá doanh nghiệp thì cấp độ văn hoá này dễ thay đổi và ít khi thể hiện được những giá trị thực sự trong văn hóa doanh nghiệp.
Cấp độ thứ hai: Các giá trị được tuyên bố/ chấp nhận
Những giá trị được tuyên bố/ chấp nhận là: bao gồm các giá trị cốt lõi, bộ quy tắc, quy định, chiến lược và mục tiêu riêng chính là kim chỉ nam cho hoạt động của toàn bộ nhân viên. Các nội dung này sẽ được công bố rộng rãi. Đây cũng chính là những giá trị được tuyên bố, chấp nhận của văn hóa doanh nghiệp.
Cấp độ thứ ba: Các quan niệm chung
Những quan niệm chung: Văn hoá dân tộc, văn hoá kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp… luôn luôn gắn bó với nhau, chúng đều có các quan niệm chung, phong cách chung, bởi chúng đã hình và tồn tại trong quá trình lịch sử. Chúng ăn sâu vào suy nghĩ của hầu hết các thành viên trong nền văn hoá đó và trở thành thói quen chi phối hành động, góc nhìn.
Khi các thành viên cùng nhau chia sẻ và hành động theo văn hóa chung, họ sẽ rất khó chấp nhận những hành vi đi ngược lại. Trong 3 cấp độ của văn hoá doanh nghiệp thì cấp độ này khó nhận ra bởi chúng nằm sâu từ bên trong và cần thời gian tiếp xúc để có thể nắm được.
Các bước xây dựng văn hóa doanh nghiệp
Đánh giá văn hóa hiện tại của doanh nghiệp
Sự thay đổi hay xây dựng văn hoá doanh nghiệp thường bắt đầu bằng việc đánh giá xem văn hoá hiện tại như thế nào và kết hợp với chiến lược phát triển doanh nghiệp. Đánh giá văn hoá là một việc cực kỳ khó khăn vì văn hoá thường khó thấy và dễ nhầm lẫn về tiêu chí đánh giá.
Chúng ta có nhiều cách để đánh giá như trực tiếp lấy khảo sát từ nhân viên hay đơn giản là quan sát thực trạng hiện tại của doanh nghiệp. Nếu công ty của bạn đang xuất hiện những dấu hiệu sau, ngay lập tức hãy có biện pháp cải thiện vì đây là những dấu hiệu của một nền văn hóa độc hại: Tuyển dụng liên tục, giao tiếp nội bộ kém, quản lý và nhân viên là 2 nhóm tách biệt…
Xác định những gì bạn mong muốn về văn hóa doanh nghiệp của mình
Khi bắt đầu xây dựng một nền văn hóa doanh nghiệp, hãy nghĩ thật kỹ về những điều bạn muốn tạo nên. Hãy cân nhắc những điều tương tự cả khi lựa chọn những người đứng đầu trong công ty mà sẽ đi cùng bạn một chặng đường dài.
Xác định các yếu tố làm nên văn hóa doanh nghiệp
Giá trị cốt lõi chỉ nên là những thứ thực sự được coi trọng ở công ty bạn. Với vai trò là một lãnh đạo công ty, hãy xác định giá trị cốt lõi mà công ty đang hướng đến. Sau đó bàn bạc và thảo luận chuyên sâu cùng các lãnh đạo khác để xây dựng nền móng đầu tiên cho văn hóa doanh nghiệp.
Một số câu hỏi xác định giá trị cốt lõi doanh nghiệp:
- Sứ mệnh, tầm nhìn và mục tiêu dài hạn của công ty là gì?
- Bạn muốn công ty mình được biết đến như thế nào?
- Mục tiêu kinh doanh của công ty có phù hợp với giá trị cá nhân của tập thể nhân viên?
- Mục tiêu văn hóa công ty hướng đến là gì? (Ví dụ, tinh thần làm việc nhóm được nâng cao, thành công của nhân viên được công nhận,…)
Lên kế hoạch thu hẹp khoảng cách giữa những gì chúng ta hiện có và những gì chúng ta muốn có
Các khoảng cách này nên đánh giá theo 4 tiêu chí: phong cách làm việc, ra quyết định, giao tiếp, đối xử.
Lãnh đạo đóng vai trò cực kỳ quan trọng cho việc xây dựng văn hoá. Lãnh đạo là người đề xướng và hướng dẫn các nỗ lực thay đổi. Lãnh đạo chịu trách nhiệm xây dựng tầm nhìn, truyền bá cho nhân viên hiểu đúng, tin tưởng và cùng nỗ lực để xây dựng. Lãnh đạo cũng đóng vai trò quan trọng trong việc xua tan những mối lo sợ và thiếu an toàn của nhân viên.
Triển khai văn hóa doanh nghiệp
Bước 1. Thành lập một đơn vị phụ trách văn hóa doanh nghiệp và lên kế hoạch triển khai
Bước 2. Công bố và truyền đạt văn hóa đến toàn doanh nghiệp
Bước 3. Ổn định và phát triển văn hóa: là quá trình cần sự bồi đắp bền bỉ
Đo lường
Bước 1. Khảo sát: hàng năm, khảo sát ẩn danh qua hòm thư doanh nghiệp, qua email…
Bước 2. Đo lường bằng các chỉ số: Tỷ lệ nhân viên nghỉ việc, Chỉ số đo lường sự gắn kết của nhân viên, Chỉ số hài lòng của nhân viên
Kết luận
Nếu mỗi tổ chức là một con người, thì văn hóa chính là linh hồn – chi phối hoàn toàn sức sống và sự phát triển.
Còn bạn, bạn nghĩ sao về 6 bước trên. Hãy cùng mình chia sẻ ngay ở bên dưới nhé
Chia sẻ của Nguyễn Tuấn Thành